Đàm phán hiệp ước chống ô nhiễm nhựa còn nhiều tranh cãi trước ngày bế mạc

01/12/2024 13:54

(CLO) Cuộc họp lần thứ năm của Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ (INC) thuộc Liên hợp quốc, nhằm xây dựng một hiệp ước toàn cầu ràng buộc pháp lý để kiểm soát ô nhiễm nhựa, dự kiến sẽ kết thúc vào hôm nay (1/12) tại Busan, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, phiên họp toàn thể cuối cùng vẫn chưa được ấn định, trong khi các cuộc đàm phán đang đối mặt với những bất đồng gay gắt.

dam phan hiep uoc chong o nhiem nhua con nhieu tranh cai truoc ngay be mac hinh 1

Ảnh: REUTERS/Max Rossi

Hơn 100 quốc gia, dẫn đầu bởi Panama, ủng hộ việc đặt mục tiêu giảm sản xuất nhựa toàn cầu. Trong khi đó, một nhóm nhỏ các quốc gia sản xuất dầu mỏ, như Ả Rập Xê Út, muốn tập trung xử lý rác thải nhựa mà không hạn chế sản xuất.

Bộ trưởng Khí hậu Fiji, ông Sivendra Michael, nhấn mạnh: “Nếu bạn không đóng góp một cách xây dựng và không nỗ lực tham gia vào một hiệp ước tham vọng, thì xin hãy rời đi”.

Trong khi đó, Ả Rập Xê Út và một số quốc gia sản xuất hóa dầu khác đã sử dụng các thủ tục kỹ thuật để trì hoãn đàm phán, khiến tiến trình đạt được đồng thuận trở nên khó khăn.

Theo dữ liệu từ Eunomia năm 2023, các quốc gia dẫn đầu sản xuất polymer nguyên sinh là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc và Ả Rập Xê Út.

Với thời gian đàm phán chỉ còn tính bằng giờ, nhiều nhà quan sát lo ngại rằng các cuộc thảo luận có thể sụp đổ hoặc phải kéo dài thêm một phiên họp khác.

Dù chưa thể đạt được hiệp ước ràng buộc pháp lý tại Busan, bà Camila Zepeda, trưởng phái đoàn Mexico, khẳng định: “Quá trình đàm phán đa phương này có thể tiếp tục để hướng tới mục tiêu đó. Chúng tôi có hơn 100 quốc gia sẵn sàng hợp tác để tìm ra giải pháp”.

Theo dự báo, sản lượng nhựa toàn cầu có thể tăng gấp ba vào năm 2050. Việc ô nhiễm nhựa đã dẫn đến sự xuất hiện của vi nhựa trong không khí, thực phẩm và thậm chí cả sữa mẹ của con người.

Chủ tịch cuộc họp Luis Vayas Valdivieso dự kiến sẽ công bố một tài liệu sửa đổi vào Chủ nhật, được xem như nền tảng cho hiệp ước. Tuy nhiên, phiên bản tài liệu trước đó vào thứ Sáu đã bị các nhóm môi trường chỉ trích vì không giải quyết đủ vấn đề về hóa chất độc hại và sức khỏe con người.

Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) năm 2023 đã xác định hơn 3.200 hóa chất độc hại trong nhựa, với phụ nữ và trẻ em là những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Bộ trưởng Khí hậu Fiji nhấn mạnh: “Nếu văn bản không đáp ứng được kỳ vọng của một hiệp ước tham vọng, chúng tôi sẽ tiếp tục quá trình này và đẩy mạnh yêu cầu cho một hiệp ước tốt hơn. Không ai rời Busan với một hiệp ước yếu kém”.

Hiệp ước này nếu được thông qua, có thể trở thành thỏa thuận quan trọng nhất về bảo vệ môi trường và giảm khí thải kể từ Thỏa thuận khí hậu Paris 2015.

Hồng Hạnh (theo Reuters)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đàm phán hiệp ước chống ô nhiễm nhựa còn nhiều tranh cãi trước ngày bế mạc
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO