Tiêu điểm Quốc tế

Đàm phán hòa bình Ukraine: Khi đồng minh không còn thân ái

Ngọc Hùng 20/04/2025 11:04

(CLO) Mỹ đã thảo luận về khả năng ngừng bắn với Ukraine và các đồng minh châu Âu tại Paris. Các bên đều đánh giá cuộc đàm phán là mang tính xây dựng. Tuy nhiên, Washington cảnh báo nếu không có tiến triển nào trong những ngày tới, họ sẽ từ bỏ vai trò trung gian hòa giải.

Các cuộc đàm phán đang diễn ra rất khẩn trương

Vào ngày 17 tháng 4, Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán tại Paris với đại diện của Ukraine và các nước châu Âu. Phái đoàn Mỹ bao gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ tại Trung Đông Steve Witkoff và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ tại Ukraine Keith Kellogg.

Ukraine có đại diện tại Paris là Chánh Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak, Ngoại trưởng Andriy Sybiga và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov. Cuộc họp của các phái đoàn diễn ra với sự tham gia của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Các bên đánh giá cuộc đàm phán ngừng bắn là có hiệu quả, nhưng không tuyên bố bất kỳ kết quả cụ thể nào. Viết trên mạng xã hội X, Tổng thống Macron khẳng định các bên đã có một cuộc thảo luận tích cực và mang tính xây dựng về cách đạt được cả lệnh ngừng bắn và nền hòa bình toàn diện, lâu dài; đồng thời nhấn mạnh mong muốn hòa bình “thể hiện thiện chí của châu Âu trong việc hợp tác chặt chẽ với Mỹ”.

Được biết, châu Âu có kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo vào tuần tới tại London, tuy nhiên việc Mỹ có cử đại diện tham gia cuộc họp này hay không vẫn chưa được tiết lộ.

Với vai trò trung gian hòa giải, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã thông báo cho người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về kết quả cuộc đàm phán tại Paris. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Rubio đã truyền đạt tới Nga cùng thông điệp mà ông đã gửi tới phái đoàn Ukraine và các đồng minh châu Âu: Washington muốn “cuộc chiến này chấm dứt”.

Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá, “sự đón nhận tích cực đối với đề xuất khung của Mỹ tại Paris cho thấy hòa bình là điều có thể đạt được nếu tất cả các bên cam kết đạt được thỏa thuận”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga bình luận rằng, cuộc họp tại Pháp được tổ chức “phù hợp với các chủ đề tham vấn được tổ chức giữa Washington và Moscow”, bao gồm cả phù hợp với chuyến thăm của Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ tại Trung Đông Steve Witkoff tới St. Petersburg vào ngày 11 tháng 4. Moscow tiếp tục làm việc “với các đồng nghiệp Mỹ với mục đích loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine”.

814-202504190852311.jpg
Phái đoàn đàm phán Mỹ tại cuộc họp với Ukraine và châu Âu ở Paris. Ảnh: TASS

Vào ngày 17 tháng 4, lệnh hoãn tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng trong 30 ngày, được Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh vào ngày 18 tháng 3 sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump, đã hết hạn. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Tổng thống Putin chưa đưa ra chỉ thị nào về việc gia hạn lệnh hoãn và Moscow vẫn chưa tiến hành tham vấn nước ngoài về vấn đề này.

Trong khi đó, Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov lưu ý, vấn đề này cần được thảo luận cụ thể với Mỹ và Nga sẽ truyền đạt cho nước này “một tín hiệu cụ thể về những việc cần làm tiếp theo”. Ngược lại, chính quyền Kiev coi ngày 25 tháng 3, thời điểm “các cuộc đàm phán gián tiếp” kéo dài ba ngày với Moscow kết thúc tại Saudi Arabia, là thời điểm lệnh hoãn bắt đầu, do đó theo quan điểm của họ, lệnh hạn chế này vẫn có hiệu lực.

Trong tháng này, Moscow và Kiev đã nhiều lần cáo buộc lẫn nhau vi phạm chế độ. Khi sự nghi kỵ giữa các bên còn rất lớn, việc nghĩ đến một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện vào thời điểm hiện nay rõ ràng là phi thực tế.

Những “vết nứt” đáng kể

Các cuộc đàm phán ở Paris là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa đại diện của chính quyền Tổng thống Donald Trump với người Ukraine và châu Âu. Cho đến nay, người châu Âu vẫn hầu như đứng ngoài các cuộc tham vấn về giải quyết vấn đề Ukraine. Ngay cả trước vòng đàm phán đầu tiên giữa phái đoàn Nga và Mỹ tại Riyadh, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ tại Ukraine Keith Kellogg tuyên bố các nước châu Âu sẽ không có mặt trực tiếp tại bàn đàm phán, mặc dù lợi ích của các nước này sẽ được xem xét.

Theo Bloomberg, trong cuộc họp tại Paris, các quan chức Mỹ tuyên bố muốn bảo đảm lệnh ngừng bắn toàn diện trong vài tuần tới; trong khi đó, châu Âu khẳng định sẵn sàng hợp tác về vấn đề này, nhưng vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem chính quyền Trump sẽ thực hiện hành động gì nếu không thấy tiến trình hòa bình cho Ukraine đạt được những bước đột phá mới.

Châu Âu được cho là cũng tìm cách thuyết phục Washington phải cứng rắn hơn với Nga, bao gồm cả việc áp dụng gói trừng phạt “khủng” mà Tổng thống Trump đã từng cảnh báo. Vào cuối tháng 3, nhà lãnh đạo Mỹ đã hứa sẽ áp thuế thứ cấp đối với toàn bộ dầu mỏ của Nga nếu lệnh ngừng bắn không thể đạt được do quan điểm thiếu tính xây dựng của phía Nga.

Rõ ràng, cuộc đàm phán ở Paris đã không thể làm dịu những mâu thuẫn, bất đồng giữa Chính quyền Tổng thống Donald Trump và các đồng minh châu Âu trong giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Tổng thống Trump theo đuổi cách tiếp cận thực dụng, nhanh gọn, dựa trên lợi ích quốc gia Mỹ, kể cả khi phải để Ukraine chịu thiệt.

814-202504190852312.jpg
Quân đội Ukraine trên chiến tuyến. Ảnh: TASS

Trước đó, Reuters đưa tin vào ngày 11 tháng 4 cho biết, Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Ukraine, đã đề xuất một chiến lược gây tranh cãi nhằm giải quyết cuộc xung đột Ukraine. Theo đó, ông cho rằng để đạt được một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng, Ukraine có thể cần phải công nhận chủ quyền của Nga đối với các vùng lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát, bao gồm Donbass, Crimea, và có thể là Zaporizhzhia và Kherson.

Ngược lại, châu Âu coi cuộc chiến ở Ukraine là một phép thử sinh tử cho an ninh lục địa và luật pháp quốc tế, sẵn sàng ủng hộ Ukraine đến cùng. Trong bối cảnh hiện nay, Tổng thống Pháp Macron cùng với Thủ tướng Anh Keir Starmer đang nỗ lực tạo ra một “liên minh những người tự nguyện” để phát triển các bảo đảm an ninh cho Ukraine.

Châu Âu và các đồng minh khác, như Canada, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang thảo luận về khả năng cử một phái đoàn gìn giữ hòa bình đến Ukraine để giám sát việc tuân thủ lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay vẫn là sự bảo đảm an ninh của Mỹ cho nhiệm vụ này. Bất chấp những nỗ lực thuyết phục Tổng thống Trump về nhu cầu trên của Tổng thống Macron và Thủ tướng Starmer, Washington vẫn không đáp ứng.

Có thể khẳng định, Mỹ và châu Âu vẫn là đồng minh, nhưng không còn “thân ái” như trước. Sự khác biệt chiến lược, mâu thuẫn lợi ích và áp lực nội bộ đang làm lung lay tính thống nhất của phương Tây trong vấn đề Ukraine. Điều này khiến cục diện chiến tranh trở nên khó đoán và khiến Ukraine đứng trước thách thức lớn hơn bao giờ hết.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đàm phán hòa bình Ukraine: Khi đồng minh không còn thân ái
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO