Đan Phượng - điểm sáng xây dựng nông thôn mới của Thủ đô
(CLO) Trong chương trình thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đan Phượng luôn là điểm sáng của Thành phố Hà Nội.
Cuối tháng 5/2024, ba xã cuối cùng của huyện Đan Phượng là Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Với kết quả này, Đan Phượng là huyện đầu tiên của TP Hà Nội có 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, nhiều bài học kinh nghiệm của Đan Phượng đã được nêu ra. Đây có thể là những nội dung mà nhiều địa phương khác có thể tham khảo, học hỏi.
Đó là, các chủ trương phải được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Cụ thể, Huyện ủy Đan Phượng đã ban hành Chương trình số 07-CTr/HU về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh hiện đại gắn với tiêu chí phát triển thành quận giai đoạn 2021-2025”. Từ đó, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của nhân dân. Các kế hoạch hành động cụ thể đi sâu vào từng thôn, từng tổ dân phố, khơi dậy sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng.

Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại HTX Đan Hoài, huyện Đan Phượng. Ảnh: T.Tú
Với phương châm đích đến cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là người dân được thụ hưởng tối đa thành quả, Đan Phượng xác định rõ quy hoạch phải đi trước một bước, xây dựng hạ tầng là động lực, tiền đề cho sự phát triển, kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm là điều kiện quyết định để nâng cao đời sống nông dân và là tiêu chí để nhân dân cảm nhận rõ nét về xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, trong 10 tháng của năm 2024, huyện hoàn thành thêm 40 dự án thuộc các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, văn hóa, môi trường, y tế… Tổng số vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2021 đến quý III năm 2024 là gần 4.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2024 đã huy động hơn 1.222 tỷ đồng. Các dự án được được bố trí vốn đầy đủ, không gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
Trong phát triển kinh tế, huyện đã chỉ đạo bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Để người dân đồng thuận, Đan Phượng tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức canh tác; kết hợp với tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích của việc chuyển đổi sản xuất một cách trực quan, cụ thể.
Đến nay, tổng số diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên toàn huyện đạt hơn 1.600 ha/3.600 ha; trong đó có trên140 ha trồng rau, cây ăn quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP. Trong lĩnh vực chăn nuôi, các trang trại đều áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi an toàn, chuồng trại khép kín, đầu tư máy cho ăn tự động, máy vắt sữa tự động; thực hiện đầy đủ các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh… Các xã Phương Đình, Đan Phượng phát triển cây nho hạ đen; các xã Hồng Hà, Hạ Mỗ phát triển nghề làm đậu phụ; xã Trung Châu xây dựng thương hiệu lợn sạch… Toàn huyện đã có 8 nhãn hiệu nông sản tập thể được công nhận.
Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhiều xã có mức thu nhập bình quân đầu người cao như: Liên Trung đạt 84,2 triệu đồng/người/năm, Tân Lập 82 triệu đồng/người/năm, Đồng Tháp 76,3 triệu đồng/người/năm…
Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh. Tỷ lệ gia đình văn hóa của huyện dự kiến đạt 93% vào năm 2025, trong khi tỷ lệ làng văn hóa ước đạt 95%.
Đan Phượng cũng đặc biệt chú trọng đến việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã có thêm 14 di tích được xếp hạng cấp thành phố, nâng tổng số di tích lên 88, bao gồm 37 di tích cấp quốc gia và 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Các di sản văn hóa phi vật thể như ca trù, hội diều làng Bá Dương Nội, chèo tàu xã Tân Hội tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Điểm du lịch Hạ Mỗ với đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành, chùa Hải Giác, đình Vạn Xuân… đã trở thành điểm đến tâm linh nổi bật, được công nhận là điểm du lịch cấp thành phố.
Một điểm sáng khác là trong lĩnh vực chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Duy trì mô hình thôn thông minh, huyện Đan Phượng thành lập 16 tổ công nghệ số, 129 tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số 1.015 thành viên, 101 mô hình thôn thông minh với 101 nhà văn hóa có lắp đặt wifi miễn phí; lắp đặt 2.731 camera an ninh và 1.884 đèn năng lượng mặt trời… Hạ tầng mạng được mở rộng đến 16 xã, thị trấn, tích hợp mạng WAN của thành phố…
Tuy nhiên, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cũng cho rằng, mặc dù kết quả thực hiện các Chương trình của Thành ủy Hà Nội và Huyện ủy trên địa bàn huyện đều đạt được kết quả rất tốt nhưng quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn. Đó là nhận thức của một bộ phận cán bộ vẫn còn hạn chế, một số cơ quan, đơn vị chưa gương mẫu; nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả ở cơ sở chưa được nhân rộng, học tập kịp thời… Huyện thẳng thắn nhìn vào những hạn chế đó để có giải pháp khắc phục.
Về những giải pháp trong thời gian tới, ông Hải cho biết sẽ tiếp tục cố gắng quyết tâm để thực hiện đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu. Huyện Đan Phượng cũng sẽ đầu tư cho các tiêu chí giúp huyện nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; đồng thời giúp huyện cán đích các mục tiêu để trở thành đô thị trong thời gian tới.
* Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội
T.Toàn