Xin được nhắc lại rằng, những câu nói trên được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020) tổ chức trọng thể sáng ngày 3/2/2020 tại Thủ đô Hà Nội. Không chỉ trong ngày lễ trọng của Đảng, thông điệp ấy được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại nhiều lần, tại những sự kiện tiêu biểu, quan trọng của đất nước. Tất cả, chỉ để khẳng định rằng, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng trong suốt 90 năm qua chính là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Thông qua quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khái quát, sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế… Việt Nam đã trở thành một quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người, với mức thu nhập bình quân 2.800 USD/người/năm; đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế…

Tiến trình phát triển lịch sử là không ngừng nghỉ, không đứt gãy, dẫu cho có thuận lợi hay khó khăn, thành công hay thất bại. Thời gian là không trở lại, nên mỗi năm tháng, giai đoạn qua đi đều trở thành một phần của lịch sử, không thể đổi thay, sửa chữa, tô hồng hay bôi đen. Thực tế chứng minh sinh động rằng, trong mọi giai đoạn cách mạng, những thuận lợi và khó khăn luôn song hành, vấn đề là chúng ta có thể nhìn ra hay không, để khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh, với tinh thần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, sẵn sàng chịu trách nhiệm.

“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Thông điệp ấy của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ để khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta chứ không thể là sự thỏa mãn, hài lòng và dừng lại. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín ấy sẽ phải được giữ vững, từng bước nâng tầm, để khẳng định sự tiếp nối chân lý Đảng lãnh đạo và dẫn dắt tiến trình cách mạng của dân tộc gặt hái những thắng lợi ở phía trước, trong giai đoạn cách mạng mới với không ít cam go, thử thách phải đối mặt, xử lý, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội, gốc rễ, nền tảng đã tạo dựng được. Đó chính là sự không ngừng học hỏi, trau dồi bản lĩnh, kinh nghiệm lãnh đạo, từng bước trưởng thành của Đảng, đáp ứng sự kỳ vọng, tin yêu của nhân dân, đưa dân tộc, đất nước Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, hội nhập sâu rộng, ngày càng khẳng định vị thế, uy tín trên trường quốc tế.

Thế nên, không có gì bất ngờ khi sau 12 kỳ đại hội của Đảng, lần đầu tiên có những điểm nhấn nổi bật, hết sức mới mẻ được đề cập đậm nét trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, từ chủ đề Đại hội, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát đến định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Trong đó, cụm từ “khát vọng phát triển” đất nước lần đầu tiên được đưa vào chủ đề, nhiệm vụ chính của Đại hội Đảng toàn quốc. Cụ thể, Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu chủ đề Ðại hội XIII là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong khi đó, 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII nêu trong Dự thảo Báo cáo Chính trị là: “Khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người; thực hiện tốt chính sách xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân”.

Có thể thấy rằng, cụm từ “khát vọng phát triển” được đề cập trong Dự thảo Báo cáo chính trị với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, có sự kế thừa, phát triển. Đó chính là khát vọng nâng tầm cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước; là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với mục tiêu cụ thể, rõ ràng, có thời hạn là đến giữa thế kỷ XXI Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đổi mới sáng tạo. Khát vọng ấy quả thực hết sức thiêng liêng, lớn lao, mang tầm vóc thời đại, hòa quyện chặt chẽ giữa ý Đảng với lòng dân.

Ở khía cạnh nào đó cũng có thể hiểu rằng, việc lần đầu đưa cụm từ “khát vọng phát triển” vào chủ đề, nhiệm vụ chính của Đại hội Đảng toàn quốc cũng chính là sự đổi mới nhận thức của Đảng về sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, thời cơ đan xen thách thức, thuận lợi đi cùng khó khăn, mối quan hệ giữa các nước lớn xoay chuyển, cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là dịch bệnh (như đại dịch Covid-19) ngày càng khó đoán định, đối phó.

Sự đổi mới nhận thức của Đảng là lẽ tất yếu, bởi không có một gì là bất biến, đúng tuyệt đối trong mọi giai đoạn lịch sử khác nhau. Việc tiếp tục hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh mới là hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan, cũng như trong điều kiện có nhiều vấn đề nảy sinh cần kiếm tìm sự thích ứng, phù hợp. Và thực tế, việc xây dựng Đảng trong suốt hơn 90 năm hình thành, phát triển đều luôn có những sự nghiên cứu, kế thừa, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh của đất nước tại những thời điểm khác nhau. Và dấu mốc Đổi mới toàn diện đất nước từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 (từ 15 đến 18/12) đã là một mốc son chói lọi, bắt đầu đưa đất nước vượt qua những khó khăn, nhọc nhằn để tiến lên phía trước ngày một nhanh, mạnh, vững bền hơn. Để rồi, sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Xin được nhắc lại rằng, “chưa bao giờ” là cụm từ để chỉ sự nhìn lại, là những gì đã qua. Nhưng đó thực sự là nền tảng, là gốc rễ, là bệ phóng để tiếp tục gặt hái những thành tựu ở phía trước. Tất nhiên, đó cũng là áp lực, là sức ép đầy kiêu hãnh để thôi thúc Đảng ta tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện mình để đủ sức lãnh đạo đất nước một cách tài tình, sáng suốt, tiếp tục là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Và ở thời điểm hiện tại, cụ thể hơn là ở nhiệm kỳ của Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021-2026), điều này không chỉ cần được khơi dậy, mà cần phải được thể hiện rõ nét, với những quyết sách mới, thể hiện rõ “khát vọng phát triển đất nước” một cách đầy quyết tâm, cụ thể với những định hướng quan trọng, mang tính chiến lược, quyết định vận mệnh quốc gia, dân tộc.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tất nhiên không thể chỉ đưa vào Dự thảo Văn kiện cho đổi mới, mà nó phải được biến thành hiện thực, như suốt tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam với các dấu mốc kỳ vĩ, tự hào mà đất nước ta đã đạt được, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập.

Khát vọng ấy, chính là sự nhìn thẳng vào sự thật, là dũng cảm thừa nhận khuyết điểm, quyết tâm sửa sai, tự chỉnh đốn, khắc phục để cơ thể Đảng chấm dứt những “bệnh tật” nặng nhẹ, ngày càng khỏe mạnh, đủ sức vận động, thích ứng với mọi môi trường, bối cảnh, hoàn thành tất cả những mục tiêu mà đất nước và nhân dân giao phó. Đó chính là việc tiếp tục duy trì công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được kết quả hết sức tích cực trong những năm vừa qua, góp phần lấy lại niềm tin của dân với Đảng. Là tiếp tục sự đổi mới, sáng tạo, bản lĩnh, ý chí, phát huy tinh hoa, giá trị Việt để tiếp nối những thành công vang dội trong nhiều vai trò, ở nhiều lĩnh vực khác nhau được bạn bè quốc tế vị nể, khâm phục trong thời gian gần đây; nhất là những trận thắng lẫy lừng trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 là hình mẫu tiêu biểu, là tấm gương sáng để bạn bè quốc tế tham khảo, học hỏi.

Khát vọng ấy, đòi hỏi Đảng tiếp tục các giải pháp kiện toàn tổ chức, huy động, tập trung tối đa trí tuệ, bản lĩnh, vận dụng tài tình, sáng tạo các phương thức lãnh đạo phù hợp với bối cảnh mới. Có như thế, Đảng mới ngày càng được dân tin, từ đó dễ dàng huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho sự phát triển, kiến tạo đất nước “của dân, do dân, vì dân”. Đó chính là việc duy trì tốc độ tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội đầy tích cực, vững bền; là tiếp tục thực hiện hiệu quả, sáng tạo các phong trào thi đua trong giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là 4 phong trào thi đua: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”...

Khát vọng ấy, chính là việc Đảng vì nước, vì dân; dân tin yêu và đi theo Đảng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; quyết tâm đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 – đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Đó quả là thành tựu kỳ vĩ, là mốc son chói lọi, để rồi khi ấy, chúng ta lại có thể tự hào nhắc lại rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, tiếp tục minh chứng hùng hồn về sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tin khác

Huy động các nguồn lực xã hội bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc

Huy động các nguồn lực xã hội bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc

(CLO) Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được Quốc hội bấm nút thông qua, nêu rõ, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm và phát triển hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni

(CLO) Chiều 23/11, tại Hoàng cung Campuchia ở Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.

Quan hệ Việt Nam - Malaysia phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới

Quan hệ Việt Nam - Malaysia phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới

(CLO) Chiều 23/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Malaysia từ 21 - 23/11/2024, theo lời mời của Thủ tướng Malaysia và Phu nhân.

Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

(CLO) Sáng 23/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Ông Hà Sỹ Đồng, giữ chức vụ Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị

Ông Hà Sỹ Đồng, giữ chức vụ Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị

CLO) Chiều 22/11, Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký quyết định số 1458 giao ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, giữ chức vụ Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2021-2026.

Hà Nam: Sẽ dôi dư 143 cán bộ, công chức xã sau sáp nhập đơn vị hành chính

Hà Nam: Sẽ dôi dư 143 cán bộ, công chức xã sau sáp nhập đơn vị hành chính

(CLO) Dự kiến tỉnh Hà Nam có 19 đơn vị hành chính cấp xã phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025. Sau sắp xếp sẽ dôi dư 143 cán bộ, công chức (cán bộ 92 người, công chức 51 người).