Đặng Thuỳ Trâm và cuốn nhật ký thứ ba: Lý tưởng và tình yêu thắp lửa…
(NB&CL) Cuốn sách “Đặng Thùy Trâm và Cuốn nhật ký thứ ba” được xuất bản, là dịp nhìn lại trọn vẹn câu chuyện đặc biệt của một con người – chiến sĩ bình dị trong chiến tranh, giúp chúng ta biết thêm về chân dung liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Và trong những ngày tháng 7 này, chúng tôi lại nhớ về một con người như rất nhiều người Việt Nam khác, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì hòa bình, với trọn vẹn lý tưởng và tình yêu của tuổi thanh xuân bất diệt…
Nhật ký để lại trước khi đi B…
Tác giả cuốn sách là chị Đặng Kim Trâm, em gái của nữ bác sĩ, liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Thùy Trâm. Chị đã từng dịch nhiều sách tiếng Anh, viết báo, và là người phụ trách chính các di cảo của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, biên soạn thành sách, cùng với nhiều tư liệu khác liên quan. Cầm cuốn sách “Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba” có thể không “rúng động” như “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” đã từng ghi dấu ấn một thời nhưng không thể phủ nhận rằng, cuốn sách là một mảnh ghép đặc biệt tô đậm thêm chân dung của người liệt sĩ – bác sĩ đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của một thế hệ cầm súng vào giai đoạn lịch sử không thể nào quên của dân tộc Việt Nam.

Một trong những phần quan trọng nhất trong cuốn sách này chính là di cảo chưa từng công bố của nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, bao gồm “cuốn nhật ký thứ ba” và một số thư từ với gia đình, bè bạn. Có những đoạn nhật kí đã ố vàng, chữ nhòe, phải phục dựng từng chữ; có bức thư chưa kịp gửi; có cả những trang chỉ còn dăm dòng, nhưng gia đình vẫn giữ lại vì với họ, từng con chữ đều là dấu tích của một đời sống. Đây là kết quả của nhiều năm sưu tầm, gìn giữ công phu của người thân trong gia đình, những “người kể chuyện thầm lặng” đã viết tiếp cuộc đời chị Đặng Thùy Trâm bằng tình yêu và ký ức…
Trong những trang nhật ký đó, lấp lánh hình ảnh một Đặng Thùy Trâm đầy tính nữ, với sức trẻ, với trái tim tràn ngập tình yêu dành cho đất nước, gia đình, người thân, bè bạn và cả tình yêu lứa đôi; một cô sinh viên trường Y lãng mạn, tinh tế và nồng nhiệt ấy, lúc hăng say học tập và rèn luyện trong một môi trường an toàn và nhiều thuận lợi, vẫn luôn nhiều trăn trở về lý tưởng, về lẽ sống làm người, về ước mơ cứu chữa bệnh nhân, về sứ mệnh của công dân khi đất nước đang bị chia cắt; là sự quả cảm đương đầu với thử thách và bất công, với một tinh thần Danko không do dự... Để rồi từ đó, quyết tâm dấn thân vào chiến trường miền Nam, cùng rất nhiều thanh niên miền Bắc, không ngại hy sinh gian khổ.
Ấn tượng với những dòng Nhật kí ngắn để lại trước khi nữ bác sĩ đi B mà mỗi dòng chị viết đều đầy ắp lý tưởng: “11/10: Trong cuộc sống có được như mình đọc đó không? Có những con người hoàn toàn quên mình vì sự nghiệp chung như Alexey như Georghi như Tania không? Mình thèm muốn được nhìn thấy cuộc đời những con người như thế, Mình muốn sống như họ, muốn vươn lên như những người ấy. Phải làm việc vì nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc đã giao cho anh, phải quên mình trước những khó khăn tưởng như không vượt được nhưng dù trong lúc nào cũng phải nghĩ rằng: Phải làm cho bằng được nhiệm vụ…”.
Và nếu như trong những bộn bề của cuộc sống này, những người trẻ hôm nay được đọc lại những dòng nhật ký đầy lửa như thế này, có lẽ sẽ phần nào giúp bồi đắp lý tưởng, tình yêu với Đảng, với đất nước tươi đẹp của chúng ta: “19/X: Những ngày đầu của mùa lạnh, vẫn nắng chan hòa mà vẫn lành lạnh. Cái lạnh làm mình nhớ đến ai? Học lịch sử Đảng, 9 năm kháng chiến trường kỳ Đảng đã dìu ta bước qua vực thẳm. Khó khăn là thế mà ta vẫn thắng, huống gì ngày nay nhân dân ta đã lớn lên như Phù Đổng thiên vương, bên chúng ta có cả một thế giới ủng hộ rất tận tình, nhất định chúng ta sẽ thắng. Niềm tin đó như sự sống vậy. Thế nhưng mỗi lần nghĩ đến miền nam - 20 năm trời chiến đấu không mệt mỏi, biết bao nhiêu người đã ngã xuống. Mình đau xót vô cùng, một cái gì cắn xé trong lòng. Miền nam! Ở đó có cả người mình yêu dấu, anh cũng đã chiến đấu không ngừng, ngày về, anh có còn không? Mình không hề tin số phận đâu, anh sẽ về, nhất định là như vậy...”.

Hay như cảm xúc của một thanh niên khát khao đứng trong hàng ngũ của Đảng mới trong trẻ, đẹp đẽ làm sao: “15/3: Những buổi sinh hoạt với chi bộ, được xem là những người của nội bộ. Mình thấy sung sướng, mình đã gần Đảng hơn một bước, đó là một thắng lợi. Đứng trước thắng lợi ấy băn khoăn vô cùng mình đã xứng đáng chưa?...”.
Ở sự trong trẻo của tuổi trẻ rực rỡ, cô sinh viên Y khoa ấy mang trong mình lý tưởng đẹp đẽ đến thế nên lý giải vì sao sau này trên chiến trường khi được kết nạp chính thức vào Đảng, ngày 27/9/1968 thì dòng đầu tiên của ngày hôm đó, chị viết: “Cái cảm giác rõ nét nhất của ngày hôm nay là: Phải phấn đấu để sống xứng đáng với cái tên “một người cộng sản”. Vâng, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, người đảng viên, người cộng sản luôn luôn thực hiện đúng mục tiêu lý tưởng của Đảng, lấy ngọn cờ của Đảng làm mục tiêu, là ngọn đuốc dẫn đường, là hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng...”.
Cây cầu bắc qua dòng sông chia cắt…
Đây là tên của phần 2 cuốn sách với những câu chuyện khiến người đọc có thể “vừa đọc, vừa khóc” bởi nó thật xúc động với loạt bài viết của 3 người em gái, chia sẻ hành trình dài trong quá trình lần tìm và đi nhận lại tư liệu gốc rồi đưa “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đến tay công chúng. Những trang viết không chỉ giàu tính tư liệu, mà còn góp phần khắc họa rõ hơn chân dung một nữ bác sĩ kiên cường, đầy lý tưởng và nhân hậu trong tâm thức bạn đọc hôm nay.
Rất nhiều bài khiến người đọc nghẹn ngào như trong bài viết “Ngày trở về Hà Nội” – người em gái Đặng Hiền Trâm có viết: “Thế là mùa thu năm 1980 chị đã được trở về với gia đình và Hà Nội thân yêu, cứ thế chị nằm yên bình dưới ngôi mộ nhỏ bé với bức ảnh chị cười tươi, gắn trên mộ chị là tấm bia bằng sứ trắng có in hình chị trong chiếc áo blouse trắng, đôi mắt tươi cười nhìn về phía trước. Dưới tấm ảnh có dòng chữ Mãi mãi tuổi thanh xuân. Thật tình cờ, hơn hai mươi năm sau, dòng chữ đó đã trở thành biểu tượng của cả thế hệ những người con trai con gái Việt Nam anh hùng đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vì độc lập tự do của dân tộc…”.
Và cũng có những dòng chữ không khác gì một lời tuyên ngôn đầy lửa và nhìn thấy gần hơn người nữ liệt sĩ ấy trong bom đạn năm xưa. Như lời thơ của bác sĩ – liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm được người em gái Đặng Kim Trâm trích dẫn trong bài viết “Thay cho lời kết” vô cùng có sức gợi và ý nghĩa:
Đường đi bao nỗi gian nan
Bàn chân lội suối băng ngàn ta đi
Chông gai nào có sá gì
Mắt nhìn vẫn một hướng về ngày mai
Và ai có biết chăng ai
Tình thương đã chắp cánh dài cho ta.
Bài thơ như một lời tuyên ngôn, câu thơ cuối như một lời khẳng định của một trái tim đầy ắp yêu thương, đầy ắp đến mức tràn trề, tình yêu đó đòi hỏi phải được chảy tràn vào những con người, những kí ức, những nơi chốn từng qua, vào tương lai mong ước. Đó chính là thứ để con người ta tựa vào trong mọi lúc, dù là hạnh phúc nhất, đau khổ nhất hay cô đơn nhất. Đó là tình yêu, TÌNH YÊU viết bằng chữ hoa, với nghĩa rộng lớn nhất của nó…
Có thể nói, cuốn Nhật kí này giúp chúng ta hiểu hơn về một thời thơ ấu, thiếu niên và một phần thanh xuân tươi đẹp của Đặng Thùy Trâm, cùng với những kỷ niệm bên gia đình, bè bạn, trong lòng Thủ đô Hà Nội hòa bình, với trái tim hướng về miền Nam ruột thịt còn đang chịu cảnh bom rơi đạn nổ… Và tuổi trẻ đầy lý tưởng ấy cũng giải mã cho câu hỏi vì sao lại có một liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm kiên cường, bản lĩnh và vĩ đại trên chiến trường mà thế hệ hôm nay trân trọng và biết ơn… đến vậy!