Đời sống văn hóa

Đánh thức di sản đình trong phố

Thế Vũ 22/05/2025 10:10

(NB&CL) Việc đưa nghệ thuật đương đại vào các không gian di sản đã góp phần chuyển biến, đánh thức những công trình bị khuất lấp, bị lãng quên thành những tài nguyên cho phát triển công nghiệp văn hóa.

“Kỹ Nho” - nhà nho Việt với tư tưởng nhập thế

Những ngôi đình trong phố khi xưa vốn từng có một vị trí hết sức quan trọng trong cộng đồng người dân Thăng Long - Kẻ Chợ. Trong số này, nhiều ngôi đình được lập nên để thờ tổ nghề của các làng nghề tứ trấn lên đất kinh thành lập nghiệp. Sau nhiều thế kỷ cùng với biến động của lịch sử, đến nay, nhiều ngôi đình thờ tổ nghề nổi tiếng vẫn còn giữ được như đình Hàng Quạt thờ tổ nghề quạt, đình Lò Rèn thờ tổ nghề rèn, đình Kim Ngân thờ tổ nghề vàng bạc, đình Hà Vĩ thờ tổ nghề sơn, đình Tú Thị thờ tổ nghề thêu…

Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Chuyện phố nghề, chuyện phố Hàng - dấu ấn trong các thực hành nghệ thuật đương đại” vừa diễn ra cuối tuần qua tại đình Kim Ngân (Hà Nội).

2.jpg
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm “Chuyện phố nghề, chuyện phố Hàng - dấu ấn trong các thực hành nghệ thuật đương đại”.

Theo TS. Trần Hậu Yên Thế (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội), trong lịch sử Nho giáo Việt Nam có một hiện tượng rất đặc biệt, đó là các vị khoa bảng được nhân dân tôn vinh là Tổ nghề. Điểm chung của các vị tổ nghề là trong lần đi sứ, các cụ đã lén học nghề bên Trung Hoa rồi về truyền dạy cho dân và công xưởng triều đình. Ông Thế cho rằng, có thể gọi họ là “Kỹ Nho”, tức những nhà nho làm về kỹ thuật, giỏi về kỹ nghệ như Phùng Khắc Khoan, Trần Lư, Nguyễn Thời Trung, Lê Công Hành… Đây là một nét đặc trưng của xã hội phong kiến Việt Nam, phản ánh sự coi trọng tri thức, khi tầng lớp trí thức có sự gắn kết giữa quan trường và dân gian.

“Hiện tượng các vị Tổ nghề đồng thời là các nhà khoa bảng là điều hiếm có trong lịch sử Nho học của các nước đồng văn với Việt Nam. Điều này thể hiện sự coi trọng cả tri thức và lao động, phản ánh quan niệm truyền thống của người Việt là không xem nhẹ bất kỳ hình thức lao động nào. Đặc biệt, hiện tượng này nói lên tinh thần nhập thế của Nho học Việt Nam”, ông Thế nhận định.

Tuy nhiên, TS. Trần Hậu Yên Thế cũng cho rằng, mặc dù có công lao to lớn, nhưng so với các nhà nho là những nhà khoa bảng - những “Lễ Nho”, “Đồ Nho”, “Doanh Nho” - vai trò của những bậc “Kỹ Nho” được xã hội biết đến ít hơn. Cả Nguyễn Thời Trung, Lê Công Hành đều là các bậc khoa bảng, nhưng tên tuổi của họ lại không được lưu truyền trên 82 tấm bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Rất may là họ còn được hương khói, thờ phụng trong các ngôi đình thờ Tổ nghề.

“Áo mới” cho không gian di sản

Các diễn giả cũng cho rằng, trong lịch sử kiến tạo đô thị Thăng Long - Hà Nội, các phố nghề - phố Hàng có mối liên hệ chặt chẽ với các làng nghề ven đô. Sự hiện diện các phố Hàng ở đô thị là cách để đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến với thị trường rộng lớn hơn, cũng như là nơi tiêu thụ cho quá trình sản xuất tại chỗ.

Đến thời hiện đại, khi một số nghề thủ công đã mai một hoặc biến mất thì công năng của đình cũng ít nhiều biến đổi. Và vì vậy, dù vẫn còn là địa điểm tâm linh nhưng thay vì mở cửa một tháng hai lần vào ngày rằm và mùng một, không gian các ngôi đình trong phố cần được khai thác như một thực thể sống, biến chúng thành không gian sáng tạo, thành nơi trưng bày những tác phẩm nghệ thuật gắn liền với di sản.

3.jpg
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn giới thiệu triển lãm “Sắc son” tại đình Hà Vĩ cho các em học sinh. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về nội dung này, nghệ sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho biết, ở khu vực phố cổ Hà Nội hiện nay còn hơn 60 ngôi đình trong tổng số 112 công trình tôn giáo - tín ngưỡng từng tồn tại. Nghiên cứu về đình trong phố, ông Sơn nhận ra rằng, trong quá trình đô thị hóa ồ ạt, vấn đề lớn mà các công trình truyền thống, trong đó có những ngôi đình đang phải đối mặt là sức ép về mặt dân số, nhu cầu về nhà ở, nhu cầu mở rộng kinh doanh của cư dân. Trừ một số ít ngôi đình thực sự vẫn giữ được vẻ cổ kính xưa kia, phần lớn các ngôi đình còn lại đã bị biến đổi hình thù và công năng.

“Chỉ còn khoảng 20 ngôi đình trong khu phố cổ là có thể nhận ra với những dấu hiệu về kiến trúc cổ đặc trưng, còn phần lớn đã thay hình đổi dạng thành nhà tư, thành nhà văn hóa, thậm chí trở thành quán bar, quán cafe… Có những dấu vết của ngôi đình tôi chụp ảnh từ 10 năm trước nay đã biến mất, đã trở thành lịch sử rồi”, ông Sơn cho hay.

Theo giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, từ kinh nghiệm dự án thí điểm “mang nghệ thuật tới không gian những ngôi đình trong phố cổ”, nhóm của ông đã tiến hành rất nhiều triển lãm trong suốt 3 năm qua. Dự án mang tới những kết quả khả quan, đánh thức những di sản văn hoá cũng như thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Đặc biệt, từ khi Hà Nội gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và các kỳ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo gần đây, các không gian di sản đã được cá nhân ông cùng các nghệ sĩ biến thành các không gian sáng tạo, không gian nghệ thuật đương đại.

Ông Sơn chia sẻ thêm, mô hình các dự án nghệ thuật trong không gian di sản đang trên đà phát triển nhưng nhóm của ông coi đây là một dự án mở, “không đóng bản quyền” do đó rất cần có thêm nhiều nghệ sĩ cộng tác, mở rộng và tiếp nối.

“Trong một thời gian rất ngắn, những ngôi đình này đã trở thành câu chuyện được kể có lớp lang, mạch lạc và được kết nối trong ký ức của lịch sử hàng trăm năm. Hy vọng rằng tới đây, cứ mỗi 3 tháng hoặc 6 tháng sẽ có một triển lãm mới được tổ chức. Tôi cũng muốn kêu gọi những gương mặt mới tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trong những dự án cộng đồng như thế này”, ông Sơn nói.

Các diễn giả tại tọa đàm cũng đều thống nhất rằng, nghệ thuật đương đại rõ ràng đã góp phần chuyển biến những không gian di sản, đánh thức những ông trình bị khuất lấp, bị lãng quên thành những tài nguyên cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho biết, cá nhân ông được theo dõi một dự án về tìm lại sức sống mới cho các khu phố lịch sử trong thành phố hiện đại của nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế. Theo đó, trong nhóm 8 thành phố của châu Á được đưa vào nghiên cứu, việc khai thác những không gian công cộng trong khu phố cổ của Hà Nội được đánh giá cao nhất.

Trong khi ở nhiều thành phố châu Á khác như Singapore, Kuala Lumpur hay Hong Kong, các khu phố lịch sử bị biến mất, bị sân khấu hóa, người dân làm nên những không gian đó đã thay đổi, dời đi thì nhiều không gian di sản tại Hà Nội vẫn tồn tại và được truyền vào đó những hơi thở mới, sức sống mới để tạo nên những giá trị mới. Khi không còn sản xuất, khi thương mại hóa toàn cầu bùng nổ, cư dân không còn tồn tại theo cách của phố Hàng nữa, thì chính những cách làm sáng tạo như vậy sẽ lấy lại sức sống cho những khu phố cổ của một thành phố có ngàn năm lịch sử.

“Khi đến khu phố cổ, chúng ta nhìn thấy những nhà hàng, khách sạn lấn át những công trình cũ, thay vì chúng ta lo lắng, hoài niệm thì chúng ta phải sáng tạo, phải làm cho những di sản cũ trở nên giàu có hơn. Đưa nghệ thuật vào những không gian di sản là cách làm hợp lý để di sản lấy lại sức mạnh bản địa, lấy lại sức sống cho những công trình lịch sử”, ông Trần Huy Ánh đúc kết.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đánh thức di sản đình trong phố
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO