Đào tạo chui, đào tạo sai phép: Cần có chế tài xử lý nghiêm khắc

Thứ năm, 03/12/2020 10:41 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Các quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo về đào tạo đại học, thạc sĩ, đào tạo văn bằng 2 và các hình thức đào tạo khác là rất minh bạch. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng các nhà trường đào tạo trái quy định, đào tạo không phép xảy ra liên tục, nhiều nơi và chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Mỗi năm, hàng ngàn sinh viên rơi vào hoàn cảnh dở khóc, dở cười

Điển hình cho những bất cập trong đào tạo sai quy định hiện nay phải kể đến như Trường Đại học Đông Đô, Trường Đại học Kinh Doanh và Công nghệ… Mặc dù, báo chí đề cập nhiều nhưng việc đào tạo chui vẫn tồn tại như một nỗi ám ảnh đối với người học. Đã có nhiều người không may mắn khi theo học ở những cơ sở giáo dục đại học này để rồi tiền mất, tật mang. Thời gian học tập kéo dài nhiều năm trời thì mới biết là đang học ở những lớp học không được pháp luật thừa nhận. Đã có hàng ngàn sinh viên hằng năm rơi vào hoàn cảnh dở khóc, dở cười.

Báo Công luận

Góp phần cho thực trạng đào tạo chui, sai phép thêm rối rắm ngoài sự quản lý lỏng lẻo của Bộ Giáo dục & Đào tạo, sự cố ý làm trái quy định của các nhà trường thì có bàn tay của đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy, thậm chí, đó là những tiến sĩ, giáo sư, những người được cho là có uy tín trong xã hội. Nhiều ý kiến đặt ra, tại sao các giáo sư, tiến sĩ khi tham gia giảng dạy ở những lớp học mở trái phép, sai quy định như vậy nhưng không bị xử lý. Tình trạng “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” sẽ còn tồn tại bao lâu trong môi trường giáo dục đại học đòi hỏi sự khắt khe hơn nhiều lần đối với các lĩnh vực khác.

Anh Ngô Quang Hưng ở Ba Đình, Hà Nội nêu quan điểm, lớp học thạc sĩ mà đào tạo nằm ngoài trụ sở của nhà trường thì rõ ràng là sai. Nhưng không hiểu sao, hằng ngày nhiều giáo sư, tiến sĩ vẫn cắp cặp lên những lớp học kiểu đó để đào tạo. Với trình độ nhận thức của những giảng viên như vậy thì họ phải có trách nhiệm từ chối việc dạy học theo cách đó. Cách đào tạo ăn xổi, sai phạm như vậy đang làm cho giáo dục thêm rối rắm nhưng các giảng viên thì ung dung miệt mài tham gia, bất chấp đạo lý và pháp lý.

Đồng quan điểm, anh Lê Ngọc Anh ở Cầu Giấy lại cho rằng: Người học thì cần bằng cấp đã đành vì nhu cầu công việc, tham vọng thăng tiến. Nhưng người thầy đáng lẽ là chốt chặn để tránh việc cấp bằng thật chất lượng giả, hay bằng giả nhưng đằng này, các giảng viên vẫn dạy học và nhận tiền ở những lớp học trái luật nhiều năm. Đã là giảng viên thì trước hết phải nghiêm khắc với chính bản thân mình, không thể, chỉ vì miếng cơm, manh áo vẫn đi đào tạo chui, tiếp tay cho nạn bằng giả, bằng kém chất lượng. Tạo nên vấn nạn bằng cấp giả tạo để lại hệ lụy không lường cho xã hội.

Đơn cử, như năm 2017, Trường Đại học Đông Đô liên kết tuyển sinh đào tạo văn bằng 2  tiếng Anh với 15 cơ sở và thu hút hơn 3 nghìn sinh viên tham gia học tập. Sau khi vụ việc được phanh phui, người học thì mất tiền oan trong khi chưa thấy nhắc đến trách nhiệm của những giảng viên tham gia dạy học. Tư tưởng “việc ai nấy làm”, “ngậm miệng ăn tiền” như một mặt trái của nền giáo dục nên nhiều giảng viên đã không màng đến quyền lợi của người học mà tham gia nhiệt tình không kể ngày đêm ở những lớp học phi pháp.

Ràng buộc trách nhiệm của giảng viên với cộng đồng

 Vấn đề đặt ra lúc này muốn ngăn chặn tệ bằng giả, đào tạo chui, sai phép thì cần thiết phải xử lý những giảng viên cố tình tiếp tay cho tệ nạn này. Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận (NB&CL), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần thiết phải cần có những ràng buộc trách nhiệm của giảng viên với cộng đồng. Đặt ra vấn đề này trong bối cảnh đào tạo chui, đào tạo sai phép bùng phát là rất đúng và có ý nghĩa.

Ông Lê Quý Đức nhấn mạnh: “Muốn ngăn chặn thực trạng này, trước hết xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo sai phạm. Sau đó là quy trách nhiệm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo đơn vị quản lý để cho tình trạng này xảy ra nhiều năm, khiến cho xã hội bấn loạn. Trong vấn đề này, tất nhiên các ông thầy là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ cũng có phần trách nhiệm vì khi tham gia đào tạo họ cũng vì lợi ích, vì tiền bỏ túi”.

Chất lượng giáo dục đại học phụ thuộc rất lớn vào vai trò của những người thầy (ảnh minh họa).

Chất lượng giáo dục đại học phụ thuộc rất lớn vào vai trò của những người thầy (ảnh minh họa).

Cũng theo thầy Đức, trước hết nên khuyến cáo các giảng viên, những nhà giáo phải tránh tham gia đào tạo chui, đào tạo những cơ sở mà bằng cấp không được thừa nhận. Bởi điều này vô tình đã tham gia vào việc làm trái pháp luật, trái quy định của nhà nước. Trước mắt là nên khuyến cáo không vội bắt tội vì bản thân nhiều nhà giáo đi dạy là truyền bá kiến thức. Nhưng trong các trường hợp giảng viên biết rõ ràng cơ quan đó làm sai, phạm pháp nhưng vẫn tham gia thì phải truy cứu trách nhiệm một cách nghiêm khắc.

Hiện nay, người được mời giảng dạy thường không có thói quen kiểm tra hồ sơ pháp lý của các đơn vị vì theo họ đó là phép lịch sự. Trong khi, công ăn việc làm ai cũng cần, giáo sư bình thường mà có được đơn vị mời đi dạy cũng là mừng. Vì thế trước mắt nên cảnh báo với các thầy cô giáo cẩn trọng, cần biết dạy ở đâu, không dạy ở đâu.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo NB&CL, nguyên đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho rằng, yêu cầu Bộ Giáo dục & Đào tạo phải vào cuộc để ngăn chặn hiện tượng dạy chui, bất chấp quy định. Cần thiết có văn bản, thông tư hướng dẫn để ngăn chặn, xử lý.

Vấn đề này cũng như dạy thêm học thêm tràn lan là hiện tượng xã hội khi nhu cầu người cần bằng cấp rất cao. Do đó, các giáo sư, tiến sĩ khi giảng dạy phải được quản lý một cách bài bản, tổng thể. Nếu có tình trạng dạy chỉ vì tiền mà bất chấp sai phạm thì tùy theo mức độ nặng nhẹ để xử lý. Nhà nước cần quy định ra các mức độ sai phạm để làm cơ sở tổ chức thực hiện, giám sát, xử lý. Còn nếu không có căn cứ pháp lý mà phạt, kỷ luật thì không đúng.

Còn trong trường hợp pháp luật đã cấm, quy định cụ thể, rõ ràng mà các giáo sư, tiến sĩ vi phạm thì cần xử phạt nghiêm khắc. Một khi có căn cứ pháp luật thì tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý đúng quy định, nếu tái phạm thì mức độ sẽ nặng hơn.

Ông Lê Văn Cuông cho biết, hiện nay các quy định của Nhà nước trong quản lý việc đào tạo là chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ nên các giảng viên, giáo sư, tiến sĩ họ đã lách luật. Để ngăn chặn Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu để bổ sung các quy định chặt chẽ hơn. Để tránh lách luật thì cần thiết phải chặn các lỗ hổng pháp luật. Cần có quy định bổ sung để có vi phạm thì có cơ sở để kết luận, xử phạt. Nhiều khi, các hiện tượng bất cập xảy ra trong cuộc sống nhưng chưa có quy định thì họ vẫn nhởn nhơ thực hiện và các cơ quan chức năng không có căn cứ nào để xử.

Đồng quan điểm, ông Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh: “Giảng viên tham gia đào tạo chui cần phải được ngăn chặn. Nếu đã có luật lệ, phép tắc thì nếu làm không đúng phải thổi còi. Giảng viên, giáo sư hay bất cứ ai cũng phải sống theo pháp luật. Nếu đã quy định thì cần thiết phải xử lý nghiêm. Nếu tham gia giảng dạy mà  biết cơ sở đó không được cấp phép, biết là không đúng mà vẫn làm thì phải xử lý nghiêm khắc”.

Qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy việc giảng viên là giáo sư, tiến sĩ tham gia đào tạo chui, đào tạo sai phép cần thiết phải được ngăn chặn. Trước hết khuyến cáo họ để nhận thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội và xử lý nghiêm nếu cố tình vi phạm. Về quản lý nhà nước cần ban hành các quy định cụ thể, chặt chẽ nhằm ngăn chặn thực trạng này.

Trinh Phúc

Tin khác

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

(CLO) Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiện tượng việc tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Giáo dục
Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

(CLO) Học sinh tham gia tuyển sinh lớp chuyên phải qua sơ tuyển và thi, lấy điểm từ cao xuống thấp.

Giáo dục
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Dinh dưỡng trong học đường'

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường"

Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức.

Giáo dục
Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

(CLO) Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

Giáo dục
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

(CLO) Chuyến thăm và làm việc tại Angola của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, là dấu mốc quan trọng và ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Giáo dục