Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam:

Đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới

Thứ tư, 25/03/2020 17:55 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng 25/3, tiếp tục Phiên họp thứ 43, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Thể chế hóa Nghị quyết 33-NQ/TW.

Tờ trình dự án Luật Biên phòng Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc; xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật. Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, trong đó, xác định nhiệm vụ biên phòng là: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia…; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia”.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Quochoi.vn.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Quochoi.vn.

Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ra đời cách đây hơn 20 năm mới chỉ điều chỉnh những vấn đề liên quan đến Bộ đội Biên phòng, chưa đề cập đến các chủ thể khác trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Một số quy định liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013; nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng không được quy định trong Pháp lệnh mà quy định tại các luật khác và văn bản dưới luật dẫn đến tình trạng khó theo dõi, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng của Bộ đội Biên phòng.

Thực tế cũng cho thấy, việc thực thi nhiệm vụ biên phòng còn có những hạn chế, bất cập; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách với các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới, cửa khẩu chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Do đó, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết.

Lưu ý quyền con người, quyền công dân.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Tờ trình chưa làm rõ được sự cần thiết ban hành luật nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia tại Nghị quyết số 33-NQ/TW.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt. Ảnh: Quochoi.vn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt. Ảnh: Quochoi.vn.

Cũng có ý kiến cho rằng, một số quy định của dự thảo Luật chưa bảo đảm tính hợp hiến và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, như: Khoản 2 Điều 9 giao Chính phủ quy định chi tiết biện pháp nghiệp vụ là liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân nên cần quy định cụ thể ngay trong luật hoặc dẫn chiếu theo quy định của Luật An ninh quốc gia. Quy định Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ “phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật” tại khoản 3 Điều 15 là chưa phù hợp với Điều 67 Hiến pháp và khoản 1 Điều 26 Luật Quốc phòng, Điều 3 Luật Công an nhân dân. Quy định cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được quyền trưng dụng một số loại tài sản tại khoản 6 Điều 16 là chưa phù hợp với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản…

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tránh chồng chéo với các luật chuyên ngành và bảo đảm tính khả thi. Về nhiệm vụ biên phòng (Điều 5), một số ý kiến cho rằng, theo khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật thì “Biên phòng” không phải là chủ thể quan hệ pháp luật, chỉ các lực lượng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan mới có trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới.

Mặt khác, các nhiệm vụ này đã được quy định tại Điều 10, khoản 1 Điều 31 và Điều 35, 36 Luật Biên giới quốc gia; đồng thời Chương VI dự thảo Luật đã quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng, nên đề nghị bỏ Điều này hoặc sửa lại tên điều là “Công tác biên phòng” và chỉnh lý nội dung cho phù hợp. Có ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm của khái niệm “nhiệm vụ biên phòng” làm cơ sở xác định cơ quan chủ trì và bổ sung nội dung quy định việc thực hiện nhiệm vụ biên phòng quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều này. Cũng có ý kiến cho rằng, để thực thi nhiệm vụ biên phòng và để thống nhất, tương xứng với quy định về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, cần quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của tất cả các lực lượng khác thực thi nhiệm vụ biên phòng như Công an, Hải quan…

Về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng (Điều 15), có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định pháp luật dễ gây hiểu lầm là kiểm soát toàn bộ con người, phương tiện, hàng hóa dẫn đến chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Hải quan theo Luật hải quan năm 2014 và nhiều Điều ước quốc tế có liên quan, nên đề nghị quy định cụ thể về đối tượng kiểm soát.

Cũng có ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung các nhiệm vụ khác cho phù hợp với vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng  tại Điều 14 dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rà soát, chỉnh lý nội dung hai điều này để tránh chồng chéo, trùng lặp và bảo đảm tính khả thi; xác định nhiệm vụ chủ trì, phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng và Hải quan trong kiểm soát người và phương tiện qua cửa khẩu…

Bảo đảm tính hợp hiến và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh những vấn đề cần tập trung thảo luận: Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Dự án Luật Biên phòng Việt Nam và các Luật khác; nghiên cứu về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng biên phòng, các quy định về hợp tác quốc tế, chế độ chính sách, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong công tác biên phòng...

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh có trách nhiệm thẩm tra kỹ đối với dự án Luật Biên phòng Việt Nam trước khi trình ra Quốc hội xem xét, thảo luận cho ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh có trách nhiệm thẩm tra kỹ đối với dự án Luật Biên phòng Việt Nam trước khi trình ra Quốc hội xem xét, thảo luận cho ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn.

Tại phiên họp, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới.

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật với tên gọi Luật Biên phòng Việt Nam và mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Pháp lệnh Bộ đội biên phòng là phù hợp với tên gọi được nêu trong Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và tên trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội quyết định.

Tuy nhiên, với tên gọi và phạm vi điều chỉnh như đã xác định thì dự thảo Luật cần quy định một cách tổng thể tất cả các vấn đề liên quan đến biên phòng.

Ông Đỗ Bá Tỵ lưu ý, hiện nay, rà soát sơ bộ cho thấy dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam liên quan đến khoảng 10 luật khác nên phải rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định có liên quan. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là vấn đề lớn, quyết định tới kết cấu và toàn bộ nội dung của Luật nên phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ quan điểm cần chú trọng đến tính hợp hiến và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời cần quan tâm hơn đến chính sách cho lực lượng biên phòng đang làm nhiệm vụ, công tác ở khu vực biên giới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Quochoi.vn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Quochoi.vn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, dự án Luật Biên phòng Việt Nam phải phát huy dược tất cả các lực lượng như chính quyền, mặt trận, nhân dân ở khu vực biên giới tham gia vào việc quản lý biên phòng, chứ không thể quy định một lực lượng cụ thể. Ngoài ra, trong dự án Luật Biên phòng Việt Nam cũng cần chú trọng đến chính sách, chế độ đãi ngộ đối với những người công tác, làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới như thế nào và điều này cần được nói rõ hơn trong dự án Luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Luật Biên phòng Việt Nam sẽ được đưa ra Quốc hội xem xét, thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Luật Biên phòng Việt Nam sẽ được đưa ra Quốc hội xem xét, thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn.

Kết luận phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: Công tác Biên phòng là công tác quốc phòng an ninh rất quan trọng, cần rà soát thật kỹ. Luật Biên phòng Việt Nam cần có sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục rà soát kỹ lại những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến, dự án Luật này sẽ hoàn thiện, chỉnh lý và sẽ trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp tới.

Đắc Nguyên

Tin khác

Hiệp định Geneve thể hiện sáng ngời tâm thế, bản lĩnh và bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Hiệp định Geneve thể hiện sáng ngời tâm thế, bản lĩnh và bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

(CLO) Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu rõ: Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã thể hiện sáng ngời tâm thế, bản lĩnh và bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, khẳng định mạnh mẽ thông điệp về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng công lý và lẽ phải; có ý chí quật cường bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; sẵn sàng hợp tác hữu nghị với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Tin tức
Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc UBND cấp tỉnh

Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc UBND cấp tỉnh

(CLO) Liên quan đến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ phát triển đất, Bộ Tài chính đề xuất Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, có vốn điều lệ, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước, không vì mục đích lợi nhuận, bảo toàn, phát triển vốn.

Tin tức
Thái Bình: Thực hiện quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Thái Bình: Thực hiện quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

(CLO) Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành khẳng định, Thái Bình ổn định như hôm nay là do sự đoàn kết, thống nhất, thực hiện quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là 'đột phá của đột phá'

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá"

(CLO) Với mục tiêu đào tạo từ 50.000-100.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Tin tức
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên

(CLO) Chiều 24/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đến thăm, tặng quà một số thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Tin tức