Thế giới 24h

Đất hiếm: Lá bài của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

Ngọc Ánh (theo CNN, SCMP) 17/04/2025 18:30

(CLO) Trung Quốc đã chính thức siết xuất khẩu đất hiếm, giáng đòn chiến lược vào ngành công nghệ Mỹ trong lúc Tổng thống Donald Trump khơi lại cuộc chiến thương mại bằng thuế quan.

Chỉ chưa đầy một năm sau khi ông Trump phát động cuộc chiến thương mại đầu tiên với Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thị sát bất thường vào năm 2019 tại một nhà máy ở Cám Châu – thành phố công nghiệp nhỏ nằm ở vùng đông nam Trung Quốc.

Trong chuyến thăm, ông Tập chỉ tay vào những khối kim loại xám tưởng như vô hại và tuyên bố: “Đất hiếm là nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng”.

Gần 6 năm sau, lời nói đó đã thành hiện thực. Vào ngày 4/4/2025, Chính phủ Trung Quốc chính thức áp đặt lệnh kiểm soát xuất khẩu với 7 loại khoáng sản đất hiếm, như một đòn đáp trả các mức thuế thương mại mà ông Trump áp lên hàng Trung Quốc, khởi đầu ở mức 34%.

Lần này, Trung Quốc không đánh vào hàng hóa tiêu dùng mà nhằm thẳng vào "tim đen" công nghệ Mỹ: đất hiếm – nguyên liệu không thể thiếu cho điện thoại iPhone, xe điện, máy bay quân sự và cả hệ thống radar.

Khác với thuế quan – thứ Mỹ có thể trả đũa dễ dàng – đất hiếm là lĩnh vực Mỹ gần như bất lực. Dù sở hữu trữ lượng không nhỏ, Mỹ vẫn phụ thuộc sâu vào Trung Quốc về khâu tinh luyện, khi Bắc Kinh hiện kiểm soát đến 92% công đoạn xử lý toàn cầu, theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Ngày 15/4, ông Trump đã ra lệnh điều tra khả năng áp thuế lên các khoáng sản chiến lược – bao gồm cả đất hiếm – để đánh giá rủi ro với an ninh quốc gia Mỹ. Trong một sắc lệnh hành pháp, ông Trump thừa nhận chuỗi cung ứng của Mỹ “dễ tổn thương và thiếu khả năng phục hồi”.

untitled(3).png
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Công ty Đất hiếm JL MAG tại thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây, vào ngày 20/5/2019. Ảnh: Tân Hoa Xã

Sau sắc lệnh của Trung Quốc, ít nhất 5 lô hàng đất hiếm của các công ty Mỹ và châu Âu đã bị giữ lại tại cửa khẩu Trung Quốc, theo lời John Ormerod – người sáng lập công ty tư vấn JOC. Các doanh nghiệp phương Tây hiện đang cuống cuồng tìm hiểu thủ tục xin phép xuất khẩu theo luật mới của Bắc Kinh.

Joshua Ballard, CEO của USA Rare Earth, nói rằng các loại đất hiếm “nặng” – vốn quý hơn, hiếm hơn và phức tạp hơn – chiếm trọng tâm của đợt kiểm soát này, và Trung Quốc hiện chiếm 98% chuỗi cung ứng của nhóm khoáng sản này. “Trung Quốc không có nhiều đòn thuế quan để đánh Mỹ, nhưng về đất hiếm, họ có đòn bẩy rất lớn”, Ballard khẳng định.

Không chỉ nhắm vào khoáng chất thô, Trung Quốc còn kiểm soát cả các sản phẩm chứa đất hiếm như nam châm – thành phần then chốt trong xe điện, điện thoại, máy bay chiến đấu F-35 và tàu ngầm hạt nhân.

“Giờ đây, hàng loạt mặt hàng nằm trong diện kiểm soát, kể cả khi chỉ chứa lượng nhỏ đất hiếm”, theo chuyên gia Thomas Kruemmer tại Singapore.

Trung Quốc không bỗng dưng có được vị thế này. Ngành công nghiệp đất hiếm của nước này bắt đầu từ thập niên 1950 và bùng nổ vào cuối những năm 1970 nhờ lao động rẻ, tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo và công nghệ du nhập từ Mỹ, Nhật và châu Âu.

Từ thời cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã nhìn thấy vai trò chiến lược của đất hiếm. Câu nói nổi tiếng của ông Đặng năm 1992 – “Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm” – giờ đã trở thành sự thật.

Trong khi đó, Mỹ từng có những công ty sản xuất nam châm đất hiếm, nhưng theo Ormerod, họ đã rút lui vì không thể cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Việc rút lui không chỉ làm mất thị phần, mà còn khiến Mỹ mất cả công nghệ và nguồn nhân lực. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, từ 2020 đến 2023, Mỹ phải nhập tới 70% hợp chất và kim loại đất hiếm từ Trung Quốc.

Đây không phải lần đầu Bắc Kinh dùng “bài đất hiếm” để đáp trả. Năm 2010, Trung Quốc từng ngừng cung cấp đất hiếm cho Nhật vì tranh chấp lãnh thổ. Cuối năm 2023, nước này tiếp tục cấm xuất khẩu công nghệ khai thác và tách đất hiếm.

Dù vậy, nhiều công ty Mỹ đang xem đây là cơ hội để phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Từ năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đổ hơn 439 triệu USD để xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm trong nước, đặt mục tiêu đến 2027 sẽ đủ sức phục vụ toàn bộ nhu cầu quốc phòng.

Một số doanh nghiệp như Phoenix Tailings (bang Massachusetts) đã phát triển công nghệ chế biến “không chất thải, không phát thải”, lấy nguyên liệu từ Mỹ, Canada và Úc. Công ty này hiện sản xuất 40 tấn kim loại/năm và đặt mục tiêu 400 tấn với nhà máy mới tại New Hampshire. “Chúng tôi không phụ thuộc vào Trung Quốc”, CEO Nicholas Myers nhấn mạnh.

USA Rare Earth thì đang xây dựng một nhà máy nam châm ở Texas nhằm hiện thực hóa giấc mơ “tự chủ đất hiếm” của nước Mỹ – nhưng rõ ràng, giấc mơ đó vẫn cần nhiều thời gian và hàng tỷ USD đầu tư để thành hình. Trong lúc đó, Bắc Kinh đã ra tay trước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đất hiếm: Lá bài của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO