Đất Hòa Lạc “nóng sốt”, nông dân bỗng dưng có thêm nghề tay trái: Môi giới bất động sản

Thứ hai, 22/02/2021 06:44 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sau một thời gian dài, đất nền Hòa Lạc “nóng sốt”, nhiều nông dân khu vực này đã sành sỏi nghề môi giới nhà đất.

Do quá trình đô thị hóa, mở rộng ra các khu vực ven đô, ngoại thành Hà Nội, khiến giá trị đất làng, đất xã tăng giá chóng mặt, nhất là các khu vực nằm ở phía Tây Hà Nội như Hòa Lạc, Hoài Đức, Đan Phượng hoặc Thạch Thất.

Tổng hợp báo cáo từ Bộ Xây dựng, Hội môi giới bất động sản, chỉ trong 5 năm, giá trị đất nền tại khu Tây Hà Nội đã tăng gấp 3, thậm chí gấp 4 lần. Ngay trong năm 2020, bất chấp các tác động của đại dịch Covid-19, giá đất Hoài Đức, Hòa Lạc, Quốc Oai, Đan Phượng đã tăng 50% so với năm ngoái.

Đất nền ven đô, ngoại thành tăng “nóng” trong 5 năm gần đây.

Đất nền ven đô, ngoại thành tăng “nóng” trong 5 năm gần đây.

Đơn cử, trước năm 2015, giá đất đất làng, đất xã tại khu vực xã Phù Cát (Quốc Oai), xã Bình Yên (Thạch Thất), Tiến Xuân (Thạch Thất) chỉ dao động từ 5 - 8 triệu đồng/m2, thì nay đã tăng lên 25 triệu - 30 triệu đồng/m2. Thậm chí, các lô đất có vị trí đẹp, nằm gần lộ lớn, giá đất còn vượt ngưỡng 30 triệu đồng/m2.

Thay vì gắn bó với nghề nông như trước, hiện nay, nhiều làng, xã ven đô đã xuất hiện một bộ phận “đại gia” giàu xổi nhờ bán đất. Các công ty môi giới, văn phòng giao dịch đất “mọc lên như nấm” ở các làng ven đô.

Những người nông dân, trước đây chỉ biết tới cây lúa, con gà, con vịt, thì nay lại trở thành một chuyên gia bất động sản, sành sỏi nghề môi giới bán đất.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, anh Dương Văn Hoạch (SN 1987), trước là một nông dân giỏi, có nghề nuôi gà, nuôi vịt ở xã Bình Yên (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, anh cũng đã làm thêm nghề môi giới mua, bán đất một thời gian.

Từ năm 2015 tới nay, đất Hòa Lạc nói chung, và xã Bình Yên nói riêng liên tục “nóng sốt” và tăng giá bất thường. Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tới đây phát triển hàng loạt các dự án đất nền, từ bình dân cho tới cao cấp. Nhờ vậy, anh Hoạch học được thêm một nghề, đó là nghề môi giới nhà đất.

Theo anh Hoạch, làm môi giới nhà đất không vất vả như làm nông, thu nhập cao hơn, song lại không ổn định. Có thời điểm, anh Hoạch môi giới thành công, hoa hồng nhận được sẽ khoảng 2% - 3%, tùy lô đất. Ví dụ, nếu môi giới được một lô đất có giá trị 1 tỷ đồng, anh Hoạch nhận được hoa hồng khoảng 20 triệu - 30 triệu đồng.

“Trong những năm 2016 - 2018, đất Hòa Lạc “nóng” hầm hập, bán được nhiều, có tháng bán được 3 - 4 lô là bình thường. Còn bây giờ, thị trường chững lại, nhất là năm 2020 dịch bệnh bùng phát. Có tháng bán được 1 - 2 lô, có tháng “móm” không bán được lô nào”, anh Hoạch nói.

Chia sẻ kinh nghiệm, từ người nông dân trở thành chuyên gia môi giới bất động sản khu vực Hòa Lạc, anh Hoạch tiết lộ: Tất cả đều là học mót.

“Trong giai đoạn thị trường Hòa Lạc tăng nóng, rất nhiều nhà đầu tư tới đây tìm rót vốn, tìm hiểu thị trường. Sau này, các chủ đầu tư lớn cũng tới đây xây dựng dự án. Học từ mỗi người một ít. Trước là để tự đàm phán bán đất của mình khỏi bị lỗ. Sau giúp hàng xóm, người quen bán đất giá hời. Bán nhiều thành quen”, anh Hoạch nói thêm.

Không chỉ anh Hoạch, nhiều nông dân ở các xã xung quanh Hòa Lạc cũng đã quên mặt với các đoàn xe đưa đón nhà đầu tư, tới tìm hiểu thị trường. Ngay cả một số phụ nữ trung niên, bán trà đá, tạp hóa ven đường cũng rất sành sỏi, khi đề cập với việc đầu tư vào đâu, mua đất ở khu vực nào để “lướt sóng”, sinh lời nhanh chóng.

Sau một thời gian dài, đất nền Hòa Lạc “nóng sốt”, nhiều nông dân khu vực này đã sành sỏi nghề môi giới nhà đất.

Sau một thời gian dài, đất nền Hòa Lạc “nóng sốt”, nhiều nông dân khu vực này đã sành sỏi nghề môi giới nhà đất.

Bà Huệ, một hộ dân có hàng trà đá vỉa hè, nằm sát Quốc lộ 21, nằm gần hồ Vai Réo (Hòa Lạc) nói: Khu vực càng gần khu công nghệ cao Hòa Lạc, càng nhiều dự án đất nền.

Hầu như, chiều nào cũng có vài đoàn “cò” đất, hoặc nhân viên môi giới của các công ty bất động sản tới đây nghỉ ngơi, trao đổi công việc. Sau một thời gian tìm hiểu, bà Huệ học được thêm nghề môi giới nhà đất tự do. Tuy nhiên, bà chỉ làm “đại lý” cấp 2, cho các công ty môi giới bất động sản.

“Nếu có ai ngồi đây uống trà đá, muốn tìm hiểu đầu tư đất đai thì tôi giới thiệu. Ví dụ, người muốn mua đất xã nào, thì tôi giới thiệu sang tìm hiểu xã đó. Nếu một giao dịch thành công, tôi được chia vài triệu, hoặc vài chục triệu, tùy giá trị mảnh đất”, bà Huệ chia sẻ.

Khi được hỏi, làm thế nào để phân biệt được nhà đầu tư bất động sản đang có nhu cầu tìm hiểu thị trường, giữa khách vãng lai hoặc giới “cò” đất, bà Huệ nói: “Đơn giản”.

“Nếu là “cò” đất, hoặc nhân viên môi giới bất động sản, ở khu vực này đều biết mặt nhau hết. Nếu là khách vãng lai, họ chỉ làm cốc nước rồi đi. Còn nếu là nhà đầu tư, họ hỏi đủ thứ chuyện, từ đất khu vực này thế nào, chủ đất ra sao, đất tăng giá nhanh không, vô vàn câu hỏi. Mà tôi ở đây, nắm được hết”, bà Huệ tiết lộ.

Được biết, nghề môi giới bất động sản chỉ là nghề tay ngang của những người “cựu” nông dân đang sống ở khu vực Hòa Lạc. Bởi, nghề này không tạo ra thu nhập bền vững. Do đó, họ vẫn sống bằng nghề nông, hoặc một số nghề thủ công, gia truyền từ bao đời nay.

Lâm Vũ 

Tin khác

Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

(CLO) Ngày 28/3, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua 2 nghị quyết về danh mục các dự án cần thu hồi đất và danh mục dự án thu hồi đất để chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó có việc thu hồi đất cho 2 dự án khu đô thị cao cấp Tu Bông và Đầm Môn.

Bất động sản
Kỳ vọng vào sự trở lại dòng khách quốc tế để đánh thức thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Kỳ vọng vào sự trở lại dòng khách quốc tế để đánh thức thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

(CLO) Trong năm 2023, hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng tại phần lớn các quốc gia trên thế giới gần như đã khôi phục về mức trước đại dịch. Riêng tại Việt Nam, thị trường vẫn đang chờ đợi sự trở lại của dòng khách quốc tế, hứa hẹn có sự tăng trưởng trong năm 2024.

Bất động sản
Đà Nẵng Times Square: Chủ đầu tư nợ như “chúa Chổm”, dự án bị cầm cố ở ngân hàng

Đà Nẵng Times Square: Chủ đầu tư nợ như “chúa Chổm”, dự án bị cầm cố ở ngân hàng

(CLO) Trước khi được chuyển đổi từ condotel thành chung cư, trước khi được phép huy động vốn, Đà Nẵng Times Square của chủ đầu tư ngập nợ Kim Long Nam bị Đầu tư Phương Trang cầm cố ở ngân hàng.

Bất động sản
Thị trường đất nền bắt đầu đi vào guồng quay của chu kỳ phát triển mới

Thị trường đất nền bắt đầu đi vào guồng quay của chu kỳ phát triển mới

(CLO) Nhiều số liệu nghiên cứu thị trường cho thấy, nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm đất nền đang giữ nhịp tăng khá tốt, đặc biệt là sau giai đoạn Tết Nguyên đán. Đó là những dấu hiệu tích cực báo hiệu thị trường đất nền đang bắt đầu bắt nhịp với sự phát triển trong chu kỳ mới.

Bất động sản
Long An sử dụng 1.000ha đất để phát triển nhà ở xã hội

Long An sử dụng 1.000ha đất để phát triển nhà ở xã hội

(CLO) Theo mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh Long An dự kiến sẽ sử dụng 127 khu đất với tổng diện tích hơn 1.000ha để xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH).

Bất động sản