Đất sét… nở hoa qua bàn tay của nghệ nhân 8X
(CLO) Nghệ nhân đất sét Trần Thị Tường Vui đã trở thành một cái tên quen thuộc trong lĩnh vực các ngành nghề thủ công ở TP. HCM. Với mong muốn đưa sản phẩm Việt ra thế giới, chị không ngừng sáng tạo, trau chuốt sản phẩm đất sét “nở” hoa.
Quyết tâm đưa đất sét Việt ra thế giới
Là người con xứ Huế lên TP. HCM lập nghiệp, chị Trần Thị Tương Vui (ngụ quận 4) vốn ấp ủ mong ước khởi nghiệp ở lĩnh vực thủ công, mang đậm tính dân tộc. Năm 2009, trong một lần xem trên tivi về nghệ thuật tạo hình hoa bằng đất sét, chị Vui cảm thấy thú vị và bắt đầu tìm hiểu bộ môn nghệ thủ công này.

Bài liên quan
Thăm nghệ nhân hoa lụa 'canh giữ' mùa xuân của người phụ nữ Việt Nam
Về An Giang ghé thăm làng nghề nhang
Gương mặt 6 nghệ nhân người dân tộc thiểu số của Lâm Đồng vừa được vinh danh
Nghệ nhân Lò Văn Biến - người thắp lửa tình yêu những điệu Xòe cổ
Thời gian đầu, nữ nghệ nhân gặp không ít khó khăn bởi hiếm có trường lớp nào đào tạo bài bản về tạo hình đất sét. Tự mài mò, học hỏi qua sách, báo và mạng Internet, chị Vui cố gắng hoàn thiện sản phẩm từ những bông hoa đầu tiên, đúc kết kinh nghiệm qua những phản hồi của khách hàng.

Mỗi loại hoa đều được chị Vui nghiên cứu kỹ càng đặc điểm, hình dáng.
“Lúc đó cứ rảnh là tôi lại tự học nặn đất sét, có khi mê mẩn quá ngồi từ sáng hôm trước tới sáng hôm sau luôn. Có đơn hàng đầu tiên, tôi vui lắm, cố gắng hoàn thiện từng ngày. Vì hiếm có người dạy, nếu có thì học phí đắt nên phải tự học”, chị Vui kể.
Theo nữ nghệ nhân, cái quan trọng nhất để tạo ra hoa làm từ đất sét, chính là tạo hình và pha trộn màu sắc sao cho giống với màu của hoa tươi. Vì thế, những sản phẩm của chị Vui đều có mức mô phỏng giống từ 80-90% mẫu thật.

Các sản phẩm đều có độ chân thật lên đến 80-90%.
“Không phải cứ nặn đại hình bông hoa là được. Mà phải làm sao cho người khác nhìn bông hoa đất sét mà trọng lượng, kích thước, cấu tạo bên trong y như thật. Hoa giả mà sinh động, uyển chuyển, cách phối màu khéo tạo nên nhiều sắc độ khác nhau từ đậm tới nhạt để tạo hiệu ứng”, chị Vui nói.
Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh, người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi tính thẩm mỹ, độ kiên nhẫn cao. Không những thế, nhiều người sưu tầm tác phẩm nghệ thuật ngày nay dường như khắt khe hơn, đòi hỏi các sản phẩm làm ra phải có chất lượng cao hơn trước.

Sự cạnh tranh trên thị trường là động lực để người nghệ nhân càng sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ hơn.
Ngoài nguyên liệu chính là đất sét Việt, chị Vui còn kết hợp thêm nhiều nguyên liệu khác như kẽm, keo,… nhằm cố định và khiến cho tác phẩm trở nên “thực” hơn.
Trước hết, người nghệ nhân phải tham khảo, phác thảo trước từng loại cây, hoa trước khi bắt tay vào nặn đất sét cho từng chi tiết.

Mọi chi tiết của hoa đều được làm riêng biệt, chi tiết, sau đó mới ráp lại với nhau.
“Những cục đất sét được nhào nặn, thêm màu, bột, hồ... để mịn và dai hơn. Công đoạn pha màu rất quan trọng, phải đúng tỷ lệ, loại đất để dễ tạo hình, khi hoa khô thì bắt mắt và chân thật hơn. Thời điểm Tết, mỗi ngày tôi dùng hơn chục cân đất sét", chị Vui nói.

Tùy vào kích thước quyết định số lượng đất sét được sử dụng.
Sau đó, chị Vui sẽ trực tiếp dùng kẽm tạo hình thân cây trong lúc đợi đất sét khô, tạo hình thêm một số chi tiết khác như lá, đất,... rồi mới kết hợp tất cả chi tiết lại. Nghệ nhân cũng sẽ dùng keo sữa bôi bên ngoài để mướt lại phần thân, dùng thêm đất sét để tạo hiệu ứng màu để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Phần gốc cây được làm y như thật.
“Công đoạn khó nhất khi làm đất sét là tạo bộ gốc cho cây. Gốc cũng là khung nâng đỡ toàn cây nên phải chắc chắn, cần phối nhiều màu để ra dáng xù xì như thật”, người nghệ nhân bộc bạch.

Mỗi sản phẩm, người nghệ nhân thường mất khoảng 1 tuần đến 1 tháng để hoàn thành, tùy vào kích thước và độ khó, được bán với giá 250 nghìn đồng/cành và cao nhất là 30-40 triệu đồng cho một sản phẩm có kích thước lớn.
Trung bình mỗi tháng, chị Vui có thể nhận được từ 10-15 đơn nhỏ lẻ và khoảng 4 đơn đối với các sản phẩm lớn, chủ yếu phục vụ cho các đoàn phim.
Đặc biệt, chị Vui luôn cố gắng chăm chút tỉ mỉ để tạo ra sự khác biệt nhất định giữa các cánh hoa, nụ hoa, chứ không hoàn toàn chỉ là rập khuôn giống nhau. Chị cho rằng, thân cây, nụ hoa, cánh hoa sẽ có màu không giống nhau, cách phối màu khéo sẽ tạo nên nhiều sắc độ khác nhau từ đậm tới nhạt.

Công đoạn phối màu cũng được chị Vui đầu tư không kém.
Dịp Tết năm ngoái, chị Vui vừa hoàn thành xong sản phẩm “độc nhất vô nhị” khi quyết định tạo hình cây mai bonsai bằng đất sét. Cây mai này có chiều cao khoảng 2m, tán rộng 1m2. Trên cành có khoảng hơn 600 bông mai và hơn 6.000 nụ mai, từ nụ mai xanh vàng và nụ non. Trên cây mai vừa có hoa to, hoa nhỏ, hoa búp,… tạo sự sống động y như thật.

Cây mai được nghệ nhân thực hiện trong vòng 3 tháng với 35kg đất sét. Ảnh: NVCC
Sản phẩm này cũng giúp chị Vui trở thành nữ nghệ nhân đầu tiên tạo hình cây bonsai cao 2m bằng đất sét. Từ đó, chị bắt đầu đầu tư nhiều hơn cho các sản phẩm “đồ sộ” như cây đào 1m2, cây mộc hương cao 1m7,…
Trăn trở chuyện truyền nghề
Lý giải về quyết định chọn đất sét Việt làm nguyên liệu chính, chị Vui cười, nói gọn: “Vì mình là người Việt”. Người nghệ nhân chia sẻ, bản chất của đất sét Việt có màu tươi hơn, bền, bóng và an toàn hơn hai loại đất sét của Nhật Bản, Thái Lan. Không dừng lại ở đó, giá thành khá rẻ, loại đất sét này cũng giữ được độ dẻo nên việc tạo hình sản phẩm rất thích hợp.

Được biết, sau khi thành công sử dụng nguyên liệu này suốt 10 năm làm nghề, chị Vui còn giới thiệu cho các nghệ nhân khác ứng dụng vào sản phẩm.
Năm 2015, khi thị trường tạo hình đất sét cạnh tranh, chị Vui tập trung đi vào sáng tạo, để cho ra những tác phẩm kỳ công hơn, đẹp hơn như ra mắt dòng hàng nụ đất sét để tiếp cận thị trường. Giờ đây, hoa đất sét của Vui đã trưng bày ở một số hội chợ, bán được ra nước ngoài khi khách mua đem trưng bày ở một số hội chợ nhỏ tại Nhật, Mỹ, Đức, Đan Mạch và mua làm quà tặng cho Việt kiều.

Sản phẩm của chị Vui dần được xuất hiện ở nhiều nước khác nhau, chủ yếu dùng trong việc trang trí nhà cửa, trưng bày cửa hàng, trong các đoàn phim,... Ảnh: NVCC
Theo nghề đã 10 năm, nữ nghệ nhân cũng đôi lần trăn trở khi lượng người theo đuổi bộ môn này ngày càng ít đi. Chị chia sẻ, vì đầu ra thiếu hụt, nhiều nghệ nhân mới vào nghệ cứ tưởng “dễ ăn”, liền hụt hẫng rời đi, tìm công việc khác. Là một nghệ nhân, luôn ấp ủ mong ước đưa sản phẩm Việt ra thế giới, chị Vui mong muốn ngày càng có nhiều người biết đến bộ môn này hơn.
“Vừa vào nghề ai cũng phải trải qua khó khăn, bản thân tôi cũng phải trau chuốt sản phẩm từng ngày để được đổi mới, hoàn thiện hơn. Có thể nói không phải nghề này ai cũng làm được, phải thật sự kiên nhẫn, khéo tay và có ‘duyên’ thì mới ổn định lâu dài. Bởi một môn nghệ thuật nếu gấp gáp, vội vã thì khó thành công”, chị Vui tâm sự.