Điều này khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi, đằng sau việc hợp tác đó có thực chất là vực dậy tên tuổi cho Thép Gia Sàng hay chỉ là bước khởi động cho thương vụ khác của Thái Hưng.
“Đất vàng” trao tay, Thép Gia Sàng tiếp tục ngưng sản xuất
Sau khi cổ phần hóa từ 2011, Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng (phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) liên tục rơi vào cảnh sản xuất thua lỗ.
Năm 2013 với số nợ không có khả năng thanh toán lên tới hơn 120 tỷ đồng, trên 300 lao động mất việc làm, tài sản thì bị mất trộm…Để tìm lối thoát, thép Gia Sàng đã tìm được đối tác lớn - Công ty CP TM Thái Hưng. Ngày 22/7/2016, Công ty CP luyện cán thép Gia Sàng và Công ty CP TM Thái Hưng và đã có ký kết hợp tác bàn giao tài sản và hợp tác sản xuất.
Sau khi kiểm kê tài sản của Công ty CP Luyện cán thép Gia, đại diện các bên đã có văn bản bàn giao gồm khu đất 22,6 ha với 5 giầy quyền sử dụng đất cùng tất cả tài sản trên diện tích đất.
Đổi lại, Công ty Thái Hưng sẽ tự bỏ tiền đầu tư để tái khởi động sản xuất thép cán tại nhà máy tiếp nhận từ Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng, và từng bước có phương án xử lý khoản nợ không có khả năng thanh toán lên tới hơn 120 tỷ đồng, xử lý những vấn đề doanh nghiệp này không giải quyết được trong thời gian trước, tạo điều kiện việc làm cho 300 công nhân của thép Gia Sàng.
Không chỉ vậy, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên là cổ đông nắm giữ 39,66% cổ phần tại Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng cũng việc đồng ý nhượng thương hiệu TISCO miễn phí đối với một số loại sản phẩm trong thời gian ba năm, nhằm hỗ trợ thép Gia Sàng hồi phục với quản trị của Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng.
Sau ký kết, hàng trăm công nhân của thép Gia Sàng vui mừng được trở lại làm việc. Ngày 28/12/2016 chính thức đánh dấu sự trở lại của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng bằng mẻ thép cán đầu tiên sau gần 4 năm dừng hoạt động.
Tuy nhiên, sáu tháng sau khi tưng bừng khôi phục sản xuất, từ trung tuần tháng 6/2017 Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng lại tạm dừng mọi hoạt động.
Ông Bùi Long Xuyên, Tổng Giám Đốc Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng từng chia sẻ, chấp ngừng sản xuất để đảm bảo an toàn cho người lao động, cộng đồng, môi trường trước thực trạng nhà xưởng đã quá cũ nát.
Về định hướng cho những giải pháp mà Công ty đưa ra trong thời gian sắp tới, vị lãnh đạo thép Gia Sàng cho biết, trước mắt Công ty sẽ rà soát kỹ lưỡng thực trạng nhà máy và nghiên cứu những giải pháp cải tiến công nghệ nhằm đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong sản xuất.
Điều đáng nói là chưa biết bao giờ thép Gia Sàng mới khôi phục sản xuất, trong khi Công ty Thái Hưng lại xin chuyển đổi lô đất 22,6ha từ đất công nghiệp sang đất ở để phân lô bán nền!?
Một góc nhà xưởng Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng
"Thái Hưng" là ai?
Công ty Thái Hưng là cái tên mới nổi lên trong ngành thép.Tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ kim khí Thái Hưng được thành lập ngày 22/5/1993 theo Quyết định số 291/QĐ-UB của UBND tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên). Sau 10 năm hoạt động, năm 2003, Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ Kim khí Thái Hưng chính thức chuyển đổi thành mô hình Công ty cổ phần như ngày nay.
Theo giới thiệu, hoạt động chính của Thái Hưng là sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có 3 nhóm ngành nghề chính: Sản xuất phôi thép, cốp pha thép; kinh doanh thép xây dựng, phôi thép, phế liệu kim loại và dịch vụ vận tải, khách sạn, nhà hàng…với vốn điều lệ hiện tại của Thái Hưng là 1.000 tỷ đồng.
Có thể nói, Thái Hưng là công ty gia đình khá đình đám. 2 thành viên sáng lập công ty là vợ chồng bà Nguyễn Thị Cải, ông Nguyễn Quốc Thái từng là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty Thái Hưng. Sau này cả hai cùng trao quyền lực cho các con. Hiện nay, các vị trí trong ban lãnh đạo Công ty Thái Hưng đều do các con của ông bà Thái nắm giữ.
Ngoài ông Nguyễn Văn Tuấn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, anh trai và 2 chị gái của ông Tuấn đều là thành viên HĐQT và đều giữ chức vụ Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc Công ty Thái Hưng.
Bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng giám đốc của Thái Hưng, cũng là chị gái ông Tuấn.Chồng bà Vinh hiện cũng nằm trong ban lãnh đạo của Công ty Thái Hưng, đồng thời đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Việt Ý.
Hồi tháng 6/2017, Hội đồng quản trị CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) đã thông qua kết quả bầu Chủ tịch HĐQT. Theo đó, ngoài một loạt những thay đổi về nhân sự cấp cao của Tisco thì chức chủ tịch HĐQT đã được trao cho ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại Thái Hưng.
Trong năm 2017, Thái Hưng đặt mục tiêu doanh thu 15.500 - 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng. Trước khi liên tiếp mua cổ phiếu TIS của Tisco, năm 2016, Công ty Thái Hưng đã chi phối toàn bộ công ty thép lớn khác là Công ty cổ phần Thép Việt Ý (mã VIS). Tháng 8/2016, khi Tổng công ty Sông Đà thoái vốn tại Thép Việt Ý, Thái Hưng đã mua thêm cổ phần từ đợt thoái vốn của Sông Đà tại doanh nghiệp này và sau đó tiếp tục mua vào khối lượng lớn cổ phiếu VIS.
Cụ thể, tháng 11/2016, Thái Hưng đã mua thêm gần 12,8 triệu cổ phiếu VIS, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 25,99% cổ phần tại Thép Việt Ý và nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty thép này lên 50,98%. Đến tháng 4/2017, Thái Hưng tiếp tục công bố việc chào mua công khai cổ phiếu VIS với số lượng chào mua là 7 triệu cổ phiếu, tương ứng với 14,22% cổ phần Thép Việt Ý.
Đầu tháng 11/2017 Thái Hưng bất ngờ chuyển nhượng 14,76 triệu cổ phiếu VIS cho đối tác ngoại Kyoei Steel Ltd – là một công ty thép của Nhật Bản - giảm tỷ lệ sở hữu của Thái Hưng tại Việt Ý xuống 45,66%. Số cổ phiếu Thái Hưng chuyển nhượng cho Kyoei Steel tương ứng 20% vốn điều lệ của Thép Việt Ý.
Tuy nhiên, mới đây, ngày 24/11/2017, Thép Việt Ý đã nhận hồ sơ chào mua công khai của Thái Hưng. Cụ thể, Thái Hưng đăng ký chào mua 3,7 triệu cổ phiếu VIS tương ứng 5,35% vốn điều lệ của Thép Việt Ý với giá chào mua dự kiến 28.000 đồng/cổ phiếu.
Sau khi chào mua công khai thành công đợt này, Thái Hưng sẽ lại nâng tỷ lệ sở hữu tại Thép Việt Ý lên 51,01%.
(còn tiếp)
Theo VnMedia