Đấu giá nghệ thuật: Lần đầu tiên Việt Nam đạt chuẩn quốc tế

Thứ bảy, 20/06/2020 09:03 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tháng Sáu này, một sự kiện được những người mộ điệu trong giới nghệ thuật hết sức hào hứng chờ đón. Đó là lần đầu tiên, một cuộc đấu giá nghệ thuật đạt chuẩn quốc tế sẽ diễn ra tại Việt Nam.

Ngày 27/06 tới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Say mê (PI Auction House) - Với sự hợp tác chính thức từ sàn đấu giá Drouot tại Pháp – Sẽ tổ chức phiên đấu giá nghệ thuật đạt chuẩn quốc tế đầu tiên với tên gọi “Arts du Vietnam – Nghệ thuật Việt Nam” tại Khách sạn Sofiel Metropole Hà Nội.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, những tác phẩm hội hoạ trong nước do Nhà đấu giá Việt Nam giới thiệu có thể chủ động tiếp cận được người yêu nghệ thuật và những nhà sưu tập lớn trên thế giới.

Lễ hội đầu năm, sơn mài của Nguyễn Gia Trí

Lễ hội đầu năm, sơn mài của Nguyễn Gia Trí

Từ những bất lợi

Thời gian qua, các hoạt động của thị trường nghệ thuật thứ cấp trong nước ngày càng được đa dạng và chuyên nghiệp hóa, có nhiều tác động đối với thị trường sưu tập và thay đổi rất nhiều tới nhận thức của công chúng về hội họa Việt Nam. Tuy nhiên, việc một số các nhà đấu giá nghệ thuật trong nước chưa tham gia vào sân chơi chung của quốc tế cũng tạo ra những bất lợi không nhỏ cho sự phát triển của thị trường mỹ thuật Việt

Thiếu nữ áo dài, phấn màu trên giấy của Nam Sơn

Thiếu nữ áo dài, phấn màu trên giấy của Nam Sơn

Các bất lợi đó là gì? Thứ nhất, chúng ta không thể chủ động trong các giao dịch nghệ thuật Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Từ trước đến nay, những tác phẩm của Việt Nam được nhà đấu giá nước ngoài phần lớn là của các họa sĩ sống và làm việc tại nước ngoài hoặc được các nhà sưu tập nước ngoài sở hữu , điều đó có thể khiến nền hội họa Việt Nam bị thu hẹp dưới góc nhìn của người yêu nghệ thuật quốc tế.

Chưa kể đến những tác phẩm nghệ thuật “có vấn đề” về tính thật giả, những giá trị nghệ thuật bị đánh tráo khiến công chúng yêu nghệ thuật trong nước chỉ biết phản ánh trong nước chứ việc tác động trực tiếp đến các Nhà đấu giá quốc tế là rất khó khăn.

Đồi ô liu, sơn dầu trên toan, Joseph Inguimberty

Đồi ô liu, sơn dầu trên toan, Joseph Inguimberty

Thứ hai, các giao dịch trong nước chưa hề được quốc tế công nhận, điển hình là các website chuyên ngành về thị trường nghệ thuật như Artprice, MutualArt, Artnet... không ghi nhận giá tranh Việt tại các giao dịch trong nước trong khi vẫn cập nhật giá gõ búa của các tác phẩm đó tại những phiên đấu giá nước ngoài.

Thứ ba, việc đứng ngoài thị trường nghệ thuật quốc tế khiến Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội quảng bá nghệ thuật Việt Nam đến thế giới.

Mèo, sơn mài trên đĩa gỗ, Nguyễn Sáng

Mèo, sơn mài trên đĩa gỗ, Nguyễn Sáng

Năm ngoái (2019), thị trường nghệ thuật toàn cầu đã chứng kiến 550 nghìn hiện vật được bán thông qua đấu giá, mang lại doanh thu lên tới 13,3 tỷ đô-la. Đây là số lượng lô hàng năm cao nhất từng được bán kể từ năm 1945, tạo nên thị trường nghệ thuật đại chúng sâu rộng nhất từng được ghi nhận. Nếu chúng ta còn chậm trễ trong việc chủ động đưa nghệ thuật của mình đến thế giới thì tham vọng trở thành một “mắt xích” trong mạng lưới liên kết nghệ thuật toàn cầu sẽ còn rất xa.

Nắm bắt được các vấn đề này, Nhà đấu giá PI đã có một quyết định đột phá, đó là bắt tay hợp tác với sàn đấu giá Drouot tại Pháp.

Ông Đô Sơn, Giám đốc PI Aution House chia sẻ: “Với vị thế hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động đưa các tác phẩm tốt nhất, đẹp nhất, mang tính đại diện của nghệ thuật Việt Nam đến với quốc tế. Sau các phiên đấu giá theo quy chuẩn quốc tế, các giao dịch trong nước đã có thể bắt đầu được ghi nhận trong hệ quy chiếu giá của thế giới. Sự công khai, minh bạch này là một bước tiến lớn đối với thị trường Việt Nam. Bởi không chỉ ở Việt Nam, việc thiếu thông tin về hệ thống giá cả và lịch sử giao dịch là một trong những trở ngại lớn nhất của ngành kinh doanh nghệ thuật”.

Tại sao là Drouot?

Drouot là sàn đấu giá do Napoleon đệ Nhất thành lập vào vào năm 1851. Drouot bắt đầu là một "La Chambre Nationale des Commissaires-Priseurs Judrecare" (Phòng đấu giá tư pháp quốc gia) của Pháp. Cho đến nay, đây được coi là nơi tham chiếu cho thị trường nghệ thuật của châu Âu. Sàn đấu giá Drouot còn là nơi tập hợp của hơn 200 nhà đấu giá trên toàn thế giới.

Trừu tượng, sơn dầu trên toan, Lê Bá Đảng

Trừu tượng, sơn dầu trên toan, Lê Bá Đảng

Nói về hành trình tìm kiếm “cái bắt tay xuyên lục địa” này, ông Đô Sơn cho biết: “Khác với Việt Nam chỉ đa phần đấu giá nghệ thuật hội họa, các hiện vật trên thế giới cực kì đa dạng và rộng lớn, từ tranh, tượng, gốm sứ, tem, thư cho tới trang sức, quần áo, thậm chí cả hiện vật chiến tranh; ngay cả từng thời ký sáng tác trong nghệ thuật cũng là một thị trường ngách riêng đối với họ.

Vì vậy, để tìm một đối tác cùng chuyên môn và gần nhất với thị trường Việt Nam cũng là một bài toán khó. Ngay từ đầu, chúng tôi đã nhận định Drouot là một trong những đối tác tiềm năng nhất. Với lịch sử đấu giá hơn 150 năm và là nền tảng kết nối hàng trăm nhà đấu giá trên toàn thế giới, Drouot luôn được coi là nơi tham chiếu cho thị trường nghệ thuật quốc tế. Chúng tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi là đối tác mới của họ”.

“Trước khi trở thành đối tác chính thức của Drouot, chúng tôi trải qua một quá trình xét duyệt khá phức tạp. Các chuyên viên của Drouot kiểm tra PI Auction House rất cẩn thận về nghiệp vụ đấu giá, sự minh bạch về lịch sử giao dịch cũng như chất lượng các tác phẩm mà chúng tôi từng công bố. Quá trình này phải kéo dài nhiều tháng trời” – Ông Sơn cho biết.

Chân dung thiếu nữ, sơn dầu trên toan, Bùi Xuân Phái

Chân dung thiếu nữ, sơn dầu trên toan, Bùi Xuân Phái

Phiên đấu giá “Arts du Vietnam” sắp được diễn ra sẽ là phiên đấu giá có quy mô lớn với 150 tác phẩm nghệ thuật trải dài từ thời kỳ “vàng” Đông Dương, Kháng chiến đến những cái tên Đương đại nổi bật.

Nổi bật nhất trong phiên đấu lần này là một tác phẩm phấn màu cực hiếm của họa sĩ Nam Sơn (“Thiếu nữ áo dài”, phấn màu trên giấy); một tác phẩm sơn mài khổ lớn của bậc thầy Nguyễn Gia Trí (“Lễ hội đầu năm”, Sơn mài trên vóc) và một tác phẩm sơn dầu được vẽ tại Pháp của họa sư Joseph Inguimberty, nguyên Trưởng khoa Hội họa của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương giai đoạn 1925 – 1946.

Ngoài ra còn có sự xuất hiện của nhiều tên tuổi quan trọng như: Tô Ngọc Vân (“Chân dung thiếu nữ”, chì và phấn màu trên giấy); Nguyễn Sáng (“Mèo”, sơn mài trên đĩa gỗ); Nguyễn Tư Nghiêm (“Tiên cưỡi rồng”, bột màu trên giấy); Bùi Xuân Phái (“Chân dung thiếu nữ”, sơn dầu trên toan); Lê Bá Đảng (“Không gian”, chất liệu tổng hợp trên vóc)…

Phiên “Nghệ thuật Việt Nam” sẽ được đấu giá trực tiếp trên sàn của PI Auction House tại Hà Nội và nền tảng Drouot Digital tại Paris.

Chắc chắn rằng phiên đấu giá đạt chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam này sẽ là một cú hích mạnh mẽ, một dấu mốc quan trọng trong việc tạo nên sự liên kết giữa thị trường nghệ thuật Việt Nam với bản đồ đấu giá nghệ thuật toàn cầu.

Tử Hưng

Tin khác

Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) “…Cuối năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật sang Trung Quốc rồi Liên Xô hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Xô Viết và Nguyên soái Stalin. Sau cuộc hội đàm Nguyên soái Stalin đã quyết định tặng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam một trung đoàn cơ giới pháo cao xạ 37 ly mà sau này Trung đoàn pháo cao xã 367 của chúng tôi đảm nhận đưa pháo lên chiến trường Điện Biên Phủ.”

Đời sống văn hóa
Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

“Vừa kéo pháo vào hôm trước, hôm sau ngày 26/1/1954 lại đột ngột nhận lệnh kéo pháo ra. Chúng tôi bàng hoàng cả người. Nhưng cũng nhờ có quyết định ấy của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mà chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng…”

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Chính thức khai mạc Lễ hội Tràng An 2024

Ninh Bình: Chính thức khai mạc Lễ hội Tràng An 2024

(CLO) Sáng 26/4, Lễ hội Tràng An 2024 đã chính thức được khai mạc với chủ đề "Về miền di sản Tràng An 2024". Đây là một sự kiện nằm trong các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Đời sống văn hóa
Du khách thưởng lãm 65 bộ ảnh về Thành phố Hải Phòng tại Hà Nội

Du khách thưởng lãm 65 bộ ảnh về Thành phố Hải Phòng tại Hà Nội

(CLO) Ngày 26/4, tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (TP Hà Nội), UBND TP. Hải Phòng phối hợp Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề "Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai".

Đời sống văn hóa
Khánh thành khu trưng bày chuyên đề “Sức mạnh Hậu cần trong chiến thắng Điện Biên Phủ”

Khánh thành khu trưng bày chuyên đề “Sức mạnh Hậu cần trong chiến thắng Điện Biên Phủ”

(CLO) Chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng ngày 26/4, tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Tổng cục Hậu cần (TCHC) chỉ đạo Cục Chính trị phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức khai mạc, cắt băng khánh thành khu trưng bày chuyên đề “Sức mạnh Hậu cần trong chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa