Dấu hiệu lãng phí từ Dự án xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ tại Hải Dương

16/01/2025 14:00

(NB&CL) Dây chuyền xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ không khai thác, sử dụng từ năm 2005 đến nay, đã cũ và lạc hậu, phần mô tơ bị cháy hỏng, gây lãng phí tài sản Nhà nước.

Dự án “đắp chiếu” nhiều năm

Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, Dự án xây dựng nhà máy xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ tại Hải Dương được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 3513/QĐ-UB ngày 8/9/2004 và phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 722/QĐ-UB ngày 28/02/2005 của UBND tỉnh Hải Dương.

Địa điểm thực hiện dự án tại xã Cẩm Định, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) với diện tích quy hoạch sử dụng đất 1,42ha; quy mô nhà máy: công suất giai đoạn đầu xử lý 6.000 tấn phế thải/năm, thu hồi 4.000 tấn phân hữu cơ/năm theo công nghệ xử lý phế thải của Cộng hoà Séc. Giao Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn làm chủ đầu tư với thời gian khởi công: tháng 10/2004, hoàn thành tháng 10/2005.

dau hieu lang phi tu du an xu ly phe thai chan nuoi thanh phan huu co tai hai duong hinh 1

Dự án Nhà máy xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ và sản xuất hạt nhựa của Công ty CP Việt Tiên Sơn tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Đ.Sơn

Tổng khái toán vốn đầu tư: 19.125,1 triệu đồng, trong đó, thiết bị chính: 11.775 triệu đồng (là nguồn vốn viện trợ ODA để đầu tư xây lắp và mua sắm lắp đặt, vận chuyển thiết bị chỉnh về đến Cảng Hải Phòng, đào tạo, trợ giúp kỹ thuật của Cộng Hoà Séc 21 triệu curon tương ứng 750.000 USD, tương đương 11.775 triệu đồng áp dụng cơ chế ngân sách Nhà nước (NSTW) cấp phát toàn bộ vốn viện trợ cho dự án); xây lắp + thiết bị phụ trợ + KTCB khác: 7.350,0 triệu đồng (là vốn đối ứng trong đó ngân sách nhà nước là 753,5 triệu đồng bao gồm vốn chuẩn bị đầu tư, dự phòng và vốn do Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn đầu tư 6.596,5 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, công trình phụ và dự phòng). Sau khi dự án được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn đã thực hiện xây dựng nhà xưởng, các công trình phụ trợ, chạy thử và dự phòng từ nguồn vốn của Công ty với giá trị là 6.596,6 triệu đồng.

Ngày 10/3/2006, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương chủ trì Hội nghị bàn giao Nhà máy sản xuất phân vi sinh (dây chuyền máy móc đồng bộ do Chính phủ Cộng hoà Séc viện trợ không hoàn lại) có các đại diện tham gia gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn, dây chuyền xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ từ năm 2005 đến thời điểm khảo sát (năm 2022) đã không vận hành, khai thác sử dụng được do nguyên liệu đầu vào của Việt Nam không thích hợp và ngay khi bắt đầu vận hành, hệ thống mô tơ điện bị cháy cho đến thời điểm khảo sát chưa khắc phục sửa chữa.

Thanh tra tỉnh Hải Dương cũng khẳng định, qua kiểm tra hiện trạng và báo cáo của đại diện Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn thời điểm tháng 9/2024, máy móc, thiết bị thuộc dây chuyền đã không sử dụng từ năm 2005 đến thời điểm kiểm tra.

Kiến nghị thu hồi dây chuyền xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ

Theo Kết luận của Thanh tra tỉnh Hải Dương, tại thời điểm tiếp nhận nguồn vốn ODA của Cộng hoà Séc (Quyết định số 2044/QĐ-UB ngày 25/5/2004 của UBND tỉnh Hải Dương về việc tiếp nhận nguồn vốn ODA của Cộng hoà Séc đối với Dự án sản xuất phân vi sinh từ phế thải chăn nuôi), việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA thực hiện theo Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 4/5/2001 của Chính phủ, việc cho phép Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn là doanh nghiệp ngoài nhà nước góp vốn đối ứng là thực hiện không đúng quy định của Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 04/5/2001 của Chính phủ.

UBND tỉnh giao cho Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn vận hành, sử dụng máy móc, thiết bị là tài sản nhà nước là thiếu căn cứ. Việc giao tài sản nhà nước cho Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn nhưng không xác định về lợi nhuận (nếu có) được phân bổ (trong khi Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn sử dụng tài sản nhà nước), nghĩa vụ của Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn hoặc đơn vị có liên quan đối với tài sản nhà nước dẫn đến từ khi chạy thử (năm 2005) đã hỏng nhưng không được sửa chữa, không đơn vị nào chịu trách nhiệm sửa chữa dẫn đến hiện nay, theo khảo sát của ngành chức năng là dây chuyền xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ không khai thác, sử dụng từ năm 2005, đã cũ và lạc hậu, phần mô tơ bị cháy hỏng, gây lãng phí tài sản nhà nước.

Trong các văn bản của Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn (khi báo cáo Bí thư Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh) đều khẳng định: “Công ty đã và đang thực hiện đúng dự án được phê duyệt”. Nội dung báo cáo trên là không đúng thực tế vì khi chạy thử năm 2005 dây chuyền đã hỏng, không hoạt động được, Công ty đã hợp tác sản xuất với Công ty Cổ phần phân bón Fitohoocmon sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh theo quy trình công nghệ của Fitohoocmon, theo mẫu bao bì và bản quyền của Công ty Cổ phần phân bón Fitohoocmon, sử dụng máy móc, công nghệ do Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn trang bị, không sử dụng dây chuyền thiết bị của Cộng hòa Séc dẫn đến việc cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh là Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cho UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư không chính xác về mục tiêu đầu tư khi điều chỉnh bằng Quyết định số 1107/QĐ-UBND ngày 05/04/2017 của UBND tỉnh Hải Dương nêu trên…

Qua đó, Thanh tra tỉnh Hải Dương kiến nghị UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định thu hồi tài sản là dây chuyền xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ đã tạm bàn giao cho Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn năm 2016. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cán bộ có liên quan đến các sai phạm trên.

Trâm Anh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dấu hiệu lãng phí từ Dự án xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ tại Hải Dương
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO