Đầu năm luyến nhớ và khai bút trong lòng phố cổ Hội An
Đầu năm luyến nhớ và khai bút trong lòng phố cổ Hội An
(Congluan.vn) - Đầu năm nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh rong ruổi du xuân. Qua Hội An, cảm xúc về vùng đất hội tụ những anh tài thơ văn đã làm anh xúc động. Đến nỗi, anh xuất thần thành bài thơ Chết ở Hội An tặng bạn thơ như một sự ganh tị lãng mạn dành cho những tài nhân nơi phố cổ.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ngồi cạnh GS-TS. Trần Văn Khê,
Nghệ sĩ Hải Phượng, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh
và Bí thư Quảng Nam, ông Nguyễn Đức Hải (người đứng phía sau Giáo sư)
tại "Những ngày văn hóa Việt - Nhật ỡ Hội An"
(Ảnh: Báo Quảng Nam)
Từ Đà Nẵng đi Hội An trong 30 cây số. Nhưng ấn tượng đầu tiên của tôi là thất vọng. Tại sao? Con đường thơ mộng ngày xưa nối Tu-ran với Fe-fo (tên người Pháp gọi Đà Nẵng và Hội An) đã thay đổi quá hiện đại. Đường cao tốc xe bốn chiều. Qua khỏi núi Ngũ Hành Sơn chẳng thấy hoa chạc chìu đâu? Những con đường hoa chân quê nở rộ đã bị thay thế bằng bê tông trải nhựa hiện đại hóa. Chưa hết, song song con đường huyết đạo là một con đường biển tưng bừng gió lộng không xa nối Hội An với Đà Nẵng. Cảm giác choáng ngợp trong tôi nhanh chóng được thay bằng nổi buồn. Phố cổ phải chăng bị phá vỡ bằng những lối dẫn về quá cao tốc? Đó là một trong những câu hỏi thiết nghĩ nên đặt trên bàn cơ quan quản lý về du lịch, truyền thống và di sản phố cổ.
Bởi lẽ, nhắc đến Hội An ai chẳng mong tìm cảm giác từ câu ca dao quen thuộc "Ai xa phố Hội chùa Cầu / Để thương để nhớ để sầu cho ai / Để sầu cho khách vãng lai / Để thương để nhớ cho ai chịu sầu". Cái sầu dễ thương và dịu nhẹ ấy sao có thể tốc bay trên khói bụi của đường cao tốc và khói xe hơi đời mới cho được!
Vậy thì sao? Phải làm một lồng kính để chụp Hội An lại như kiến trúc sư Ba Lan Kazic phát biểu ư? Câu trả lời không dễ dàng! Nhưng phố Hội bây giờ không chỉ của riêng Hội An, Đà Nẵng hay Quảng Nam. Hay trong tâm trí người dân Việt mà còn của cả thế giới nữa!...
Hội An, trong nhiếp ảnh xưa vẫn còn giữ được
những nét độc đáo cho đến hôm nay...
Tôi đã từng có nhiều dịp đến với Hội An. Đáng nhớ nhất là lần thay mặt Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban tổ chức chương trình Tuần lễ “Lễ hội văn hóa Việt Nhật" mời giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê về nói chuyện và giao lưu trung tuần tháng 8.2009. Lần đó Thầy Khê buộc tôi phải nhận làm thư ký riêng cho Thầy, Thầy mới chịu đi. Nguyên do là người thư ký của Thầy vừa trở lại Pháp thăm gia đình chưa về kịp. Tôi rất vinh dự khi lần đầu tiên được làm Thư ký cho một nghệ sĩ lớn, một nhà nghiên cứu âm nhạc đức độ và tài danh như Thầy Trần Văn Khê.
Chuyến đi đó tôi được ăn ngủ cùng phòng với Thầy. Được thay Thầy xếp đặt các cuộc gặp gỡ báo chí và cùng Thầy đi đến các buổi Thầy nói chuyện. Phải nói chỉ trong một tuần lễ, tôi được Thầy chỉ bảo và dạy dỗ biết bao điều. Hơn cả hàng năm dài đọc sách. Tôi ghen tỵ với nghệ sĩ đàn tranh Bích Phượng và nói vui với Phượng rằng: -"Có lẽ em là người sung sướng nhất trong các nghệ sĩ trẻ được làm việc với Thầy! Một ngày được tháp tùng thầy giỏi không chỉ nâng cao tay nghề mà còn văn hóa kiến thức...". Bích Phượng là một học trò cưng về đàn tranh và nhạc truyền thống dân tộc của Thầy Trần Văn Khê. Cô đã cùng Thầy đi biểu diễn và giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam ra với thế giới.
Nhưng tại sao tôi lại dùng hình ảnh Thầy Trần Văn Khê khi đang trở về Hội An? Trong bài mở đầu thiên dọc đường gió bụi mà tôi định viết? Thứ nhất là tôi nhớ lại chuyến đi cùng Thầy đầy ý nghĩa khi về Hội An. Và thứ hai, quan trọng hơn, tôi thấy nhìn từ phía nào đó, Hội An cũng như Thầy, "văn hóa trầm tích ngàn năm". Làm sao thấy được mọi vẻ đẹp trầm tích, trầm hương nếu không đốt lên, cháy lên? Việc gì giữ một bảo vật nghìn tuổi cũng đầy gian truân và khó khăn trước quy luật biến thiên trời đất. Đô thị cổ không phải là cái Bảo tàng trưng bầy, phô phang hàng đống thứ trong đó. Quan trọng là những món nào, thứ nào là bảo chứng của tính cách Quảng Nam, là tâm hồn người Việt đi mở cõi? Cái giữ được đôi khi không nói được điều gì cả! Và với văn hóa những cái ngỡ đã mất vẫn tỏa hương! Lẽ biến dịch vô thường là lại rất bình thường là vậy!... Hội An một ngàn năm như Thầy Khê một trăm tuổi! Đó là suy nghĩ thực của tôi trong ý nghĩa văn hóa!
Nhà thơ Chế Lan Viên và nhà thơ Đông Trình
tại chùa Cầu - Hội An, 4.1985
Vì thế bài viết đầu tiên này tôi muốn viết về những người làm văn hóa ở phố cổ Hội An. Gọi họ là những “kỳ nhân phố Hội” là muốn nói đến những con người “lạ lùng”, yêu thơ, yêu văn chương một cách mãnh liệt. Tình yêu đó nếu có sánh với nghìn năm rêu phong mái cổ hay nhỉnh hơn trên dưới thế kỷ của Fai - Fô thì trước sau như một, bền bỉ, âm trầm, hừng hực sức sống. Nó đã góp phần bồi đắp làm nên giao diện hay sắc thái văn hóa của một vùng đất nằm êm đềm bên dòng sông Thu.
Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đã có một thời gian lưu trú hoặc học tại Hội An như Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Bùi Giáng, Nguyễn Văn Xuân, Hoàng Châu Ký đến Phan Huỳnh Điểu, Nguyên Ngọc, Đông Trình, Tần Hoài Dạ Vũ... Rất tiếc đến bây giờ vẫn chưa có một thống kê nào hoàn chỉnh dạng “biên niên ký” sưu tầm lại những câu chuyện, giai thoại văn nghệ huy hoàng và rực rỡ đó.
Ví dụ như câu chuyện mà khi thực hiện bài viết này, qua tìm hiểu, chúng tôi mới phát hiện nhà thơ Chế Lan Viên khá “nặng nợ” với Hội An: ông đã từng có mối tình đầu ở đây. Biết thế, để cảm những câu thơ của ông “Hội An không là quê/ Mà là hương, khổ thế!/ Quên quê - ai có thể/ Hương ư? Ôi dễ gì...!”. Năm 1985, Chế Lan Viên có dịp trở lại chùa Cầu và kể cho bạn bè nghe “bí mật” say lòng về chiếc hôn thời trẻ.
Sông Hoài hay đoạn sông Thu Bồn chảy qua Hội An. Dòng sông chở nhiều khúc tâm tình"bên bồi bên lở" đầy thương nhớ của văn nghệ sĩ Quảng Nam
Hay với Đông Trình, nhà thơ có tên tuổi ở miền Trung thì ông may mắn có được những bài thơ hay viết về Hội An vì thời đi học của ông ở đây:“Hồn phố sâu nên đường phố không dài/ Những ô cửa vàng đèn mờ mái đợi/ Em đi học về tóc xõa mềm vai...”. Có lẽ “hồn phố sâu” đã giúp cho nhiều văn nhân không cảm thấy Hội An là quá bé với những con đường quá ngắn mà mỗi bước như quán tưởng, rền vang cùng rêu phong năm tháng.
Nhà thơ cao niên nhất Hội An hiện nay là Vũ Minh. Ông sinh năm 1924 và được xem như “kẻ gác đền” nắm giữ chìa khóa mở nhiều bí mật lòng thành cổ. Hội An xưa phục hiện trong những bài thơ Thôn Nhỏ, Âm vang lòng biển... có dư vị riêng. Đặc biệt bài Người thắp đèn, nhà thơ giúp bạn đọc “soi về” những lớp điển tích để làm sống lại những sắc tố huyền diệu của văn hóa. “Dưới ngọn đèn chùa Cầu rực rỡ/ gươm thần Bắc Đế khua vang/ để ếm sống lưng con cù nổi dậy/ cái đầu ở tận bên Ấn Độ/ cái đuôi quẫy mạnh đất Phù Tang...”.
Ông Vũ Minh là người có tình yêu thơ kỳ lạ. Ông sẵn sàng đọc thơ bất cứ lúc nào. Nếu bị dập tắt tình yêu thơ ca, không cho đọc thì ông sẽ khóc vật vã và tức tưởi. Một lần tôi chứng kiến và đã sửng sốt trước tình yêu đó của ông. Đó là buổi tọa đàm văn học, vì thời gian hạn hẹp nên chỉ có phần giới thiệu các nhà thơ mà không có phần giao lưu đọc thơ. Nhưng ông Vũ Minh đã đến từ rất sớm, ăn mặc chỉnh tề sang trọng, đợi sẵn. Và điều gì tới đã tới. Ông muốn lên sân khấu để đọc thơ nhưng bảo vệ ngăn ông lại. Thế là ông vừa khóc, vừa vùng vẫy đến ngất đi. Nếu chứng kiến tình yêu thơ của ông lần đầu tiên chắc chắn cảm giác là “khủng khiếp”. Nhưng với những ai đã quen chỉ mỉm cười bởi điều đó không lạ lẫm gì! Tôi thì thấy rất lạ lùng. Hình như có một điều gì đó vượt lên hay chưa thể diễn đạt hết trong thơ. Đó là tình yêu của ông với quê hương sông Hoài, phố cổ. Gọi ông “kỳ nhân” cũng xứng vậy!
Ngày xưa chảy quanh phố cổ có sông Hoài bây giờ chuyển thành sông Hoài. Đó là ngụ ngôn hiện đại mà bạn bè văn chương đùa khi nói về chuyện tình của cặp vợ chồng nhà thơ Phùng Tấn Đông nhà văn Khiếu Thị Hoài. Phùng Tấn Đông là “quái kiệt”, anh đã quá nổi tiếng với bạn đọc yêu thơ miền Trung bởi sự tìm tòi, khẳng định một nhánh riêng. Vạm vỡ, cô đơn, những bài thơ lành như đất nhưng cũng sống động sắc màu như đất khi được “hóa kiếp” luân chuyển thành muôn hình vạn trạng như làng gốm Thanh Hà nổi tiếng quê anh. Anh làm việc ở phòng văn hóa thông tin Hội An, tham gia viết nhiều kịch bản, biên soạn các chương trình giao lưu văn hóa lễ hội. Và qua thơ thì “khối trầm” đó nung nấu dữ dội hơn. Như nhánh sông Hoài đổ dồn, quành ra biển: “Thu Bồn ơi tôi đã gặp những người già suốt một đời chưa kịp lên bờ/ những chiếc ghe bầu không sinh nở nằm úp mặt sông/ cũng chính là em đã phả vào tôi mùi thịt da dậy thì ngào ngạt suốt đời trăng/ Thu Bồn chảy miên man những rừng lục bình không kịp dừng để tím...”. Khiếu Thị Hoài viết văn, quê Thái Bình, tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du. Vì yêu tài năng và cá tính ngang tàng của “chàng thơ”, “nàng văn” đã trở thành “dâu phố Hội”.
Một “kỳ nhân” khác được nhiều bạn trẻ hay du khách nước ngoài ngưỡng mộ là nhà văn Cao Kim. Ông được mệnh danh “Pavel Corsaghin” nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Nga Nicolai Alexeevich Ostrovsky. Ông là tấm gương phấn đấu chiến thắng nghịch cảnh đầy nghị lực. Là một người lính, trong chiến tranh, ông đã bị thương rất nặng. Thương binh ¼. Trong những ngày kề cận cái chết, câu nói của Pavel “Cái quý nhất của con người là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã hoài phí. Để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng tất cả đời ta, sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...” (Thép đã tôi thế đấy) đã “cứu sống” ông. Ông tập viết văn, làm thơ. Đến nay, nhiều tác phẩm ông như Mẹ và đồng đội (1999), Chiến đấu giữa đòn thù (2005), Thơ viết trên xe lăn (1998)... được bạn đọc yêu quý. Ông tự học tiếng Anh để bây giờ là Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng Tân An, chuyên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. “Phá rào cản ngôn ngữ cũng là bước tự khẳng định mình với thế giới...”. Ý chí và sức làm việc của ông thật đáng trân trọng.
Hội An còn có “kỳ nhân” Nguyễn Miên Thượng. Nhà thơ mù. Cuộc đời giang hồ nhiều gay cấn ly kỳ bởi ông đi đây đi đó nhiều nơi, đã từng làm xiếc, ảo thuật, bán thuốc Sơn Đông mãi võ... Với căn bệnh kỳ lạ như một lời tiên tri, ông đã bị mù hoàn toàn. Giờ đây sáng tạo trong bóng tối những bài thơ là cách thế của ông với đời. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ Tình yêu và màu nắng, Một chút mùa Thu bay, Trăng sang mùa... Có bài ông viết về Hội An đáng yêu: “Chiều qua phố cổ chùa Cầu/ Dịu dàng tiếng guốc Triều Châu rơi đều/ Người qua ngã nón nghiêng chào/ Hội An nhè nhẹ thấm vào tim ta...”.
Các cây bút yêu thơ, yêu nghệ thuật “quên bờ bến” có thể xem là những “kỳ nhân” khác như Phạm Phù Sa (Phạm Phú Sương), Đinh Lê Vũ, Huỳnh Thị Nhung, Trần Nghi Hoàng... là những nét điểm xuyết, dễ thương cho văn đàn phố Hội. Dễ thương như tửu điếm có cái tên A Rồi trên đường xuôi về biển Cửa Đại mà cả họ hay ngồi. Đây là một quán đồ biển bốn bề lộng gió. Cái tên “a, rồi” gắn liền với hai điển tích một là tìm kiếm mãi câu thơ đồng vọng trong hồn bây giờ chợt hiện và hai là nhậu xong, sờ tay vào túi để lấy tiền mới “a rồi” quên mất ví ở nhà(!). “Hô - mơ” Nguyễn Miên Thượng là nhà thơ thường quên một cách dễ thương như vậy! Cái giọng Quảng Nam thốt lên hai chữ “a rồi” nghe êm ái và cũng đầy bí mật như một bài thơ...
Mới thôi, trở lại lần này nhà thơ Phạm Phú Sương đã mất. Không còn anh hát bài chòi lô tô ngày xuân. "Cờ ra con mấy/ Con mấy con cờ ra...". Nhà thơ đã đi đâu về đâu? Ô hô! Thời gian lại phủ bụi lên bạn tôi, Hội An. Nhớ Phạm Phú Sương, tôi viết tặng anh bài thơ.
Chùa Cầu - Một thắng cảnh Hội An
Bài thơ tặng anh PHẠM PHÚ SƯƠNG
hay CHẾT Ở HỘI AN
"Chết ở Hội An
Hồn bay cờ phướng
Ngày huy hoàng đẹp tiếng khóc
Mở mắt nghe lễ nhạc réo rắc
Lắng tai nhìn vui hồn nhiên
Chết ở Hội An
Nằm im cũng được
Rục rịch chút chút cũng được
Chẳng ai làm phiền!
Vui đằng khác!
Cuộc đời dăm ba trò trống!
Chết cách chơi tới hơn!
Đã đời không chịu nổi
Tới bến làm ai muốn khóc
Nằm im im một mình muốn nói
Nhìn tàn tro bay lên
Chết ở Hội An
Mắt vẫn chờ tiếng lệnh tay ông Tổng
Đũa tre lẹp chẹp, lắc cắc
Hô bài chòi
“Cờ ra con mấy! Con mấy cờ ra!...”
Tàn cuộc xếp lá sắc bùa ông ơi!
Còn mình tôi!
Chết ở Hội An
Trống giong cờ mở
Mở hội đưa ma cuối làng
Tai hát tiếng hu hơ con tò vò nhỏ xíu
Xé cây rạch đất
Bay lên
Chết ở Hội An
Đeo cánh mỏng tò he trở lại
Nuốt cục tiếc nghẹt cổ
Đời mấy khi... Bao dài? Bao ngắn?
Cuộc người bâu đen đỏ thiêu thân
“Cờ ra con mấy! Con mấy cờ ra!...”
Vui ơi là vui
Miệng bập thuốc
Nhả mây trời đây đó
Chết ở Hội An
Không nhắm mắt
Mưa dâng nước sông Thu…
(Hội An, ngày trở lại không còn Anh)
Đường về Đà Nẵng tuy gần nhưng hoàng hôn đã xuống. Đôi khi dọc đường gió bụi một mình ta! Miên man bao câu hỏi. Bao trò chơi đắng cay phù thế! Ô thôi thôi! Thân ngựa dặm trường chinh. Có gì quý hơn trên cuộc đời này ngoài tình cảm anh em bạn bè? Tôi nhận ra điều ấy một mình lặng lẽ khi chia tay phố Hội! Chẳng thấy bóng ai tiễn biệt một đoạn dài như Thái tử Đan tiễn Kinh Kha trên sông Dịch!...
Lạnh! Về thôi, Người ơi!...
Hội An, Cà phê Co Co Cửa Đại chiều mồng 2 Tết Giáp Ngọ 2014
Nguyễn Hữu Hồng Minh
Xem tin bài cùng tác giả: