Đầu tư KH&CN trong nông nghiệp nông thôn: Hiệu quả rõ rệt
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở nước ta đạt được nhiều thành tựu. Từ một quốc gia thiếu lương thực, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới. Các kết quả nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KH&CN đã đóng góp tới 30%..
(NB-CL) Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở nước ta đạt được nhiều thành tựu. Từ một quốc gia thiếu lương thực, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới. Các kết quả nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KH&CN đã đóng góp tới 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp. Tuy nhiên, để KH&CN đóng góp nhiều hơn nữa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, rất cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.
Ứng dụng KH&CN tạo bứt phá
Trong nông nghiệp, KH&CN đóng vai trò lớn về lai tạo, nhân giống cây trồng mới, tăng năng suất, thay thế giống nhập ngoại. Việc ứng dụng công nghệ mới giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà-phê, hạt tiêu, điều, cao-su. Ðến nay, hơn 170 giống lúa được công nhận... Nhờ đó, hơn 90% diện tích lúa đã được trồng bằng các giống mới. Năng suất lúa bình quân năm 2007 đạt 49,5 tạ/ha, gấp 2,4 lần năm 1980 và năm 2010 đạt hơn 52,3 tạ/ha, đưa Việt Nam từ nước thiếu lương thực triền miên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới.
Nghiên cứu tạo cây trồng chuyển gen được chú trọng triển khai và đã đạt được một số kết quả khả quan ban đầu, các nhà khoa học đang hướng đến việc tạo ra những cây chuyển gen “thế hệ thứ hai” nhằm tăng giá trị dinh dưỡng hoặc có những đặc điểm thích hợp cho công nghiệp chế biến.
[caption id="attachment_29075" align="aligncenter" width="500"]Việt Nam cũng đã giành được 03 giải thưởng về đột biến tạo giống lúa bằng kỹ thuật bức xạ trong tổng số 23 giải thưởng được Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Quốc tế (FAO) trao cho các nước thành viên, trong đó giải thưởng “Thành tựu xuất sắc” về đột biến tạo giống trao cho Viện Di truyền Nông nghiệp, hai giải thưởng về thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống trao cho tập thể Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam và Trung tâm Hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh và hai cá nhân (Hồ Quang Cua và Trần Tấn Phương) thuộc Sở KH&CN Sóc Trăng.
Với thuỷ sản, đóng góp lớn nhất của KH&CN là công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến giúp tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu. Năm 2009, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 4,26 tỉ USD, tăng hơn 47 lần so với năm 1985. Giá trị kim ngạch xuất khẩu từ nuôi trồng thuỷ sản chiếm bình quân từ 57% - 58% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Các mặt hàng thuỷ sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo yêu cầu về chất lượng thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp đã tạo ra tới 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp, giúp Việt Nam gia tăng giá trị sản lượng nông - lâm - thủy sản xuất khẩu lên mức trên 31 tỷ USD vào năm 2014 tăng 1,5 lần so với bình quân các năm 2010 – 2012 (20 tỷ USD/năm).
Thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn
Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” (Chương trình) do Bộ KH&CN và các Bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện từ năm 1998 cũng đã gặt hái được nhiều thành công sau 15 năm triển khai, thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nước ta.
Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN cao sản xuất rau trái vụ đạt tiêu chuẩn VietGap và hoa chất lượng cao tại Sơn La” do Công ty cổ phần Hoa Nhiệt Đới chủ trì thực hiện từ năm 2012. Dự án đã hình thành nghề trồng hoa và rau chất lượng cao tại địa phương, tạo việc làm ổn định, thu nhập cao cho hơn 150 lao động (bình quân là 4.500.000đ/người/ tháng). Trước khi có dự án, doanh thu của Công ty chỉ đạt 88 tỷ đồng/năm (năm 2011), sau khi triển khai thực hiện dự án đã tăng lên 131 tỷ đồng (năm 2012, 2013), năm 2014 đạt 219 tỷ đồng. Sau khi dự án kết thúc, Công ty tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trồng hoa (tổng đầu tư tăng thêm đến nay là 15 tỷ đồng; diện tích nhà trồng lan Hồ điệp vào năm 2011 là 3.000 m2 đến nay đã đạt 18.000 m2) đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình nhân giống cây hòe, chiết tách rutin đạt chất lượng cao phục vụ nhu cầu sản xuất thuốc trong nước và xuất khẩu tại Thái Bình” do Công ty CPTM dược vật tư y tế Khải Hà chủ trì thực hiện từ năm 2010. Dự án đã mang lại hiệu quả cao cho người dân và Công ty chủ trì dự án. Thông qua việc thực hiện dự án, Công ty đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 30 công nhân và kỹ thuật viên tại nhà máy và khoảng 1.000 hộ gia đình tham gia dự án với mức thu nhập cao gấp 8,28 lần so với trồng lúa. Sản phẩm rutin sử dụng công nghệ từ dự án có chất lượng cao hơn và giá thành rẻ hơn so với các công ty có hệ thống chiết xuất theo công nghệ của Trung Quốc (giá rutin bán ra thị trường của Công ty hiện nay là 980.000đ/1 kg so với giá chung là 1.050.000đ/1kg), giúp công ty tăng sức cạnh tranh lớn trên thị trường trong và ngoài nước. Khi dự án kết thúc, các mô hình trồng hòe tiếp tục được nhân rộng với người dân khu vực Thái Thụy và các vùng xung quanh.
Các dự án trong lĩnh vực chăn nuôi đã hỗ trợ cho địa phương về kinh phí, công nghệ để từng bước giải quyết được những khó khăn trong ngành chăn nuôi như con giống, dinh dưỡng,... Thông qua các dự án, tư duy sản xuất của người dân đã có thay đổi, từ đối phó sang phòng ngừa những vấn đề chuồng trại, con giống, dinh dưỡng, thú y, vệ sinh an toàn sinh học. Dự án đã cung cấp những kiến thức cơ bản nhất định về các yếu tố trên để người dân có thể áp dụng vào thực tiễn. Các dự án đã chuyển giao, tiếp nhận gần 660 quy trình công nghệ, đào tạo hơn 830 kỹ thuật viên, tập huấn cho trên 13.100 lượt nông dân đã giúp các đơn vị chủ trì dự án làm chủ được các công nghệ về sản xuất giống, chăn nuôi bò thịt, lợn, gia cầm, nuôi ong lấy mật, nuôi đà điểu sinh sản và lấy thịt, tiếp nhận các kỹ thuật trồng cỏ, chế biến thức ăn, phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm,…
Các dự án thuộc Chương trình cũng tập trung xây dựng các mô hình cấp nước, xử lý nước, xử lý môi trường phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, dự án cung cấp nước sạch, tưới tiết kiệm nước đã triển khai được 23 dự án tại các tỉnh, thành phố Bắc Giang, Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Bình Thuận. Dự án tiết kiệm năng lượng đã thực hiện tổng số 7 dự án tại các tỉnh Hòa Bình, Bạc Liêu, Cà Mau, Đã Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị.
Có thể nói, việc ứng dụng tiến bộ KH&CN đã làm thay đổi diện mạo của nông nghiệp và nông thôn. Các công nghệ tiên tiến, phù hợp được lựa chọn, xây dựng được những mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả hướng vào giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương như nâng cao năng suất, chất lượng và đa đạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá, có tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp hiện có ở nông thôn đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy các lợi thế về ngành nghề truyền thống. Với những kết quả đạt được, Chương trình rất cần được tiếp tục xây dựng và triển khai trên cơ sở đổi mới để phù hợp với tình hình phát triển hiện nay, đưa KH&CN lan tỏa, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.❏
Nguyễn Nam