Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp

21/06/2023 10:00

(NB&CL) Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp hiện tại là dòng tiền, thị trường, đơn hàng và khả năng hấp thụ vốn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lại là thủ tục hành chính.

Doanh nghiệp Việt gặp khó: Tháo gỡ thế nào?

Doanh nghiệp Việt hiện đang đứng trước rất nhiều khó khăn khi số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc giải thể ngày càng gia tăng. Các ngành xuất khẩu chủ lực như giày dép, dệt may, đồ gỗ - nội thất, nông nghiệp, chế biến chế tạo… đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh buộc nhiều doanh nghiệp đã phải rút lui khỏi thị trường. Chuyên đề “Doanh nghiệp Việt gặp khó: Tháo gỡ thế nào?” sẽ cung cấp cho bạn đọc một số giải pháp, kiến giải đến từ các tư lệnh ngành, các chuyên gia kinh tế xoay quanh việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt hiện nay.

Thách thức bủa vây doanh nghiệp

Trong báo cáo của Chính phủ đã nêu, suốt năm 2022 và đầu năm nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,  các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực, ban hành nhiều Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị để tháo gỡ ách tắc, khó khăn, để có cơ sở pháp lý giải quyết được tồn tại, hạn chế, để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng.

Dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp trong nước vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp hiện tại là dòng tiền, thị trường, đơn hàng và khả năng hấp thụ vốn.

Tiếp đến, doanh nghiệp còn phải đối mặt với các khó khăn từ thị trường thế giới, từ năng lực cạnh tranh nội tại, như năng suất lao động, khả năng chống chịu chưa thể cải thiện nhanh.

day manh cai cach thu tuc hanh chinh de ho tro doanh nghiep hinh 1

“Nếu doanh nghiệp không có đơn hàng thì cũng không vay vốn để làm gì. Trước hết, các vấn đề doanh nghiệp cần phải giải quyết là có đơn hàng, có sản xuất thì mới có thể hấp thụ vốn. Trong thời gian tới, doanh nghiệp cần tháo gỡ, để có dòng tiền trả nợ đến hạn, trả lương, đóng thuế…”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Tuy nhiên, khó khăn rất lớn hiện tại là ách tắc thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp đang kêu ca, lo ngại về tình hình thực hiện các thủ tục rất chậm ở nhiều địa phương, nhất là trong bối cảnh có tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, làm chậm tiến độ giải quyết công việc.

Ông Dũng nhấn mạnh, nếu chúng ta không giải quyết nhanh vấn đề này thì hoạt động của doanh nghiệp bị cản trở, doanh nghiệp sẽ khó khăn. Mà doanh nghiệp khó thì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

“Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tôi rất mong các địa phương cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Dũng nói.

Ông Dũng lo ngại, môi trường kinh doanh vừa qua làm tốt, cắt giảm hàng ngàn điều kiện kinh doanh, cắt giảm nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng bây giờ, ở đâu đó, các chính sách mới ban hành lại xuất hiện rào cản mới, thủ tục mới.

day manh cai cach thu tuc hanh chinh de ho tro doanh nghiep hinh 2

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: T.L

“Ở địa phương phối hợp không chặt chẽ, lấy ý kiến các ngành nhiều quá, nhiều cái không cần thiết, không đúng. Cần chấn chỉnh ngay thì mới hỗ trợ được doanh nghiệp”, Bộ trưởng kiến nghị.

Ngoài ra, còn một khó khăn, thách thức nữa cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải đó là hệ thống pháp luật đang chồng chéo, không rõ ràng. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ, các bộ ngành đang tập trung rà soát, có nhiều đề xuất và được Quốc hội ủng hộ như các cơ chế đặc thù, đặc biệt để tháo gỡ nhanh, vấn đề thực thi là địa phương, nhất là người đứng đầu.

“Rất cần sự tham gia giám sát, đôn đốc của các vị đại biểu Quốc hội tại địa phương, để cùng với Chính phủ thúc đẩy tốc độ tháo gỡ khó khăn. Chứ một Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Chính phủ thôi thì rất khó”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục kiến nghị.

Có thể kéo dài chính sách giảm thuế suất thuế VAT

Ông Nguyễn Đình Việt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn đánh giá tại báo cáo của Chính phủ đánh giá “môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện”.

Tuy nhiên, số liệu khảo sát năm 2022 của VCCI cho thấy, chỉ 35% doanh nghiệp tư nhân và 33% doanh nghiệp FDI có dự định mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới.

Dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Việt cho rằng môi trường đầu tư hiện nay rất kẹt, đấu tranh suốt mấy năm nay, thể chế đã cải thiện, cải tiến rất nhiều để giảm bớt các điều kiện kinh doanh và các loại kinh doanh có điều kiện, nhưng bây giờ thông qua các văn bản của các bộ, ngành, địa phương đã phát sinh hàng ngàn thủ tục mới. Bộ trưởng cũng cho rằng đây là vấn đề rất lớn hiện nay, làm cản trở và ách tắc các hoạt động của nền kinh tế.

Dẫn tiếp khảo sát của VCCI, có tới 71,7% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” cao đáng kể so với con số 57,4 của năm 2021, ông Việt đề nghị Chính phủ có đánh giá kỹ lưỡng, thực chất hơn về vấn đề này để sớm có giải pháp hỗ trợ, cải thiện môi trường kinh doanh.

Hiện nay, doanh nghiệp, người dân rất khó khăn, thu hút đầu tư FDI đang có dấu hiệu suy giảm, thách thức rất lớn, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất là rất quan trọng, có ý nghĩa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Chính phủ đã có nhiều giải pháp, đề xuất nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn như đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2%, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và nhiều chính sách như giãn nợ, giảm tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp thuế.

Tuy nhiên, các chính sách này còn rời rạc, tại nhiều văn bản khác nhau, thậm chí ngắt quãng như chính sách giảm thuế 2% thực hiện trong năm 2022, kết thúc ngày 31/12/2022, đến nay sau 6 tháng dừng thực hiện, nay lại đề xuất tiếp tục áp dụng từ 1/7/2023 và chỉ thực hiện đến 31/12/2023.

Ông Việt đề nghị Chính phủ nghiên cứu có đề xuất các chính sách tổng thể hơn để doanh nghiệp, người dân chủ động trong dự báo, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, có giải pháp hiệu quả vượt qua khó khăn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Đại biểu Quốc hội Đoàn Cần Thơ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT với phần lớn mặt hàng đang có thuế suất VAT là 10% chưa đủ dài. Bởi lẽ, cầu nội địa đang giảm sâu, cần có những chính sách dài hơi hơn.

Ông Hùng cho rằng, chính sách này sẽ khiến ngân sách giảm thu, như với chính sách này của năm ngoái, ngân sách đã hụt thu 44.000 tỷ đồng, nhưng đã giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, dành nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất, giúp người tiêu dùng tăng chi tiêu, từ đó đóng trở lại cho ngân sách, từ đó bù đắp cho ngân sách vượt hơn con số hụt thu.

“Tôi đồng ý và đánh giá cao đề xuất này của Chính phủ, nhưng có câu hỏi là sao không đề xuất sớm hơn, để thực hiện từ tháng 1/2023. Theo đề xuất hiện tại là thực hiện từ tháng 7/2023 đến hết năm, là 6 tháng, với khoản hụt thu dự tính là 35.000 tỷ đồng. Nhưng bối cảnh 2023 khác với 2022, khó khăn hơn, không hiểu giảm thuế này có giúp nhiều cho doanh nghiệp như năm ngoái không”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng lo ngại.

Đây là lý do vị đại biểu này cho rằng, có thể cân nhắc tăng mức giảm thuế suất, lên 3% thay vì 2% hoặc kéo dài thời gian lên 1 năm, tới giữa năm 2024.

Mỹ Anh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO