Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng
(CLO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, sáng 29/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 95,95 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm, với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, việc triển khai một số nghị quyết còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Toàn cảnh phiên họp.
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong từng lĩnh vực, trong đó, tập trung thực hiện các nội dung sau đây:
Về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Nghị quyết đề nghị tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả các giải pháp tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, thuận lợi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; tập trung phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các đô thị lớn và các cực tăng trưởng để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế. Tập trung ưu tiên, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao phúc lợi xã hội...
Đối với lĩnh vực tài chính, Nghị quyết yêu cầu tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện kết nối Cơ sở dữ liệu tài sản công chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, bảo đảm việc khai thác dữ liệu của các cơ quan dân cử; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là công tác đấu thầu mua sắm tài sản công; sớm ban hành hoặc đề xuất ban hành các chính sách và giải quyết dứt điểm các tài sản công dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Rà soát, hoàn thiện pháp luật, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và trong công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp, bảo đảm các nguyên tắc cổ phần hóa các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, không để thất thoát, lãng phí, tham nhũng vốn, tài sản nhà nước.

Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Nghị quyết nêu rõ cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các dự án, công trình giao thông trọng điểm, dự án liên kết vùng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền để nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án đường bộ cao tốc và phân kỳ đầu tư phù hợp. Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho dự án hạ tầng giao thông. Trong năm 2024, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến hệ thống thu phí điện tử không dừng và có giải pháp xử lý các vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng và hành lang an toàn giao thông; xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về tổ chức giao thông, hiện tượng tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông sau khi giải tỏa…
Về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Nghị quyết đề nghị quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Việt Nam.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Nghị quyết quy định tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Thực hiện nghiêm việc bố trí đủ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước…