Hậu trường Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV - năm 2019:

Đế chế Đường “Nhuệ” Thái Bình sụp đổ & dấu ấn của người làm báo

Thứ tư, 24/06/2020 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Loạt bài phóng sự điều tra với tựa đề: “Vạch trần bộ mặt của băng nhóm xã hội đen, tín dụng đen Đường “Nhuệ” lộng hành dưới vỏ bọc Công ty BĐS tại Thái Bình” của báo Pháp luật Việt Nam đã ít nhiều giúp cơ quan chức năng lập lại trật tự, kỷ cương, góp phần đảm bảo ổn định ANTT...

Tác phẩm này cũng được Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV – năm 2019 đánh giá cao. Nhưng ít người biết được rằng, những phóng viên, nhà báo tham gia loạt phóng sự đã phải trải qua những áp lực vô cùng nặng nề. Phóng viên Nguyễn Văn Du (Trung Du) đại diện nhóm tác giả thực hiện loạt bài đã chia sẻ với Báo Nhà báo và Công luận về tác phẩm này.

Rời “vùng an toàn”, dấn thân và đối mặt với thử thách

Trong độ chục năm trở lại đây, tại Thái Bình nổi lên một băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” dưới vỏ bọc doanh nghiệp bất động sản. Đó là Công ty Bất động sản Đường Dương có trụ sở tại TP. Thái Bình do Nguyễn Thị Dương làm Giám đốc và chồng Dương là Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”) điều hành.

Mặc dù tạo vỏ bọc hoàn hảo, hoành tráng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cũng như tích cực tham gia, tổ chức các chương trình từ thiện vì người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, song bên trong vỏ bọc ấy là những sự thật rợn người. “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, nhiều nhà báo, phóng viên thậm chí biết, có nghe nói đến những vụ bắt bớ, đánh đập, đòi nợ, bảo kê… nhưng ít ai dám vào cuộc điều tra, xem xét nhân chứng, chứng cớ.

Phóng viên Trung Du.

Phóng viên Trung Du.

Không ngại bị trả thù, không bỏ cuộc khi biết mình đang bắt đầu bước vào con đường đầy nguy hiểm ở phía trước, phóng viên Trung Du cùng các đồng nghiệp thuộc Cơ quan Đại diện Khu vực Duyên hải phía Bắc, báo Pháp luật Việt Nam hiểu rằng: Nếu mình không vượt qua được nỗi sợ hãi như bao đồng nghiệp khác đó, không vào cuộc tìm hiểu, phản ánh thì rồi liệu ai sẽ làm? Công lý, lẽ phải liệu còn tồn tại ở mảnh đất quê lúa Thái Bình vốn chân chất, hiền lành? Chính vì thế, phóng viên trẻ Trung Du đã tự mình đứng lên tìm hiểu, tự thu thập bằng chứng từ những nạn nhân của băng nhóm “xã hội đen” Đường “Nhuệ” tại tỉnh Thái Bình.

“Chạm mặt giang hồ”

Cuối năm 2018, phóng viên Trung Du liên tiếp nhận những phản ánh của người dân và tiếp cận được một số nguồn tin, nạn nhân của băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” do vợ chồng Dương - Đường cầm đầu. Từ những câu chuyện, tài liệu, hình ảnh, file ghi âm, clip do những nhân chứng sống cung cấp, cầu cứu, phóng viên xác định đây là ổ nhóm tội phạm nguy hiểm, có tổ chức, gây bức xúc, nhức nhối dư luận trong thời gian dài, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì lại chưa bị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng “bóc gỡ”.

Gặp gỡ những con người, những nạn nhân đang trong cảnh khốn cùng của cuộc đời, anh càng hiểu hơn và nghĩ rằng cần dùng sức mạnh của ngòi bút, để chống lại một thế lực ngầm, cố gắng công khai tội ác của chúng trên mặt báo. Trung Du chia sẻ: Còn nhớ lần đầu tiên gặp gỡ một nhân vật là con trai hai vợ chồng chủ doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ Lâm Quyết tại TP. Thái Bình để tiếp cận đơn thư, tài liệu, khi đó anh này còn phải mặc một lớp áo giáp bên trong người, dù bên ngoài vẫn khoác cảnh phục Công an Nhân dân, vì sợ bị người của Đường “Nhuệ” bắt gặp và đâm chém bất cứ lúc nào…

Trong quá trình điều tra, tìm hiểu mở rộng phạm vi thông tin, phóng viên còn phát hiện băng nhóm này thu “phế” của cả những gia đình tang hiếu tại Thái Bình nếu muốn đem thân nhân đi hỏa táng tại Nam Định... Làm luật cả người chết, thu nhiều tỷ đồng từ những ca hỏa táng.

“Càng đi sâu vào các vụ việc càng thôi thúc tôi bằng mọi cách phải cùng các đồng nghiệp đưa được những tội ác của băng nhóm này ra trước công luận. Để cơ quan chức năng có thêm cơ sở phục vụ công tác tấn công trấn áp tội phạm, lập lại kỷ cương, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội”, phóng viên Trung Du nhớ lại.

Đến tháng 2/2019, những bài báo đầu tiên theo đơn thư cầu cứu của các nạn nhân tại Thái Bình được đăng tải đồng loạt trên hầu như tất cả các ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam, bước đầu nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận, bạn đọc.

Từ Tổng Biên tập Đào Văn Hội, đến lãnh đạo ban, các đồng nghiệp trong cơ quan đều căn dặn, động viên, dặn dò nhóm phóng viên của báo đang theo đuổi vụ việc phải làm việc thật nghiêm túc, cẩn trọng, kiên trì đeo bám, theo đuổi thông tin, bởi vì vụ việc nhạy cảm, phức tạp và hơn hết đối tượng bị phản ánh lại cực kỳ manh động, có rất nhiều tiền của và có các mối quan hệ rộng rãi trong xã hội.

Sau khi một số bài viết đầu tiên được đăng tải, xuất hiện nhiều người tự xưng là chỗ quen biết với vợ chồng Dương - Đường gọi điện cho một số phóng viên của báo dọa dẫm sẽ kiện, khiếu nại các bài viết, rồi có nhiều người thì lên tiếng xin xỏ giúp mong được báo dừng loạt bài lại...

Đỉnh điểm, phóng viên trẻ Trung Du còn bị đe dọa, khủng bố điện thoại, đặc biệt đích thân Đường “Nhuệ” kéo theo đàn em lần tìm đến tận chỗ vợ phóng viên đang làm tại TP. Thái Bình mạt sát, uy hiếp, dọa dẫm, ép vợ anh gọi điện thoại cho anh để “nói chuyện”. Anh chia sẻ: “Rất may vợ tôi không bị đánh đập, hành hung. Sau này tôi mới biết, thời điểm đó vợ tôi vừa mang thai con đầu lòng được 4 tuần tuổi. Sau ngày hôm đó dù vợ tôi không bị ảnh hưởng sức khỏe hay tính mạng, nhưng tinh thần thì bị hoang mang, sợ hãi”.

Ngòi bút góp phần giữ bình yên trên quê hương Thái Bình

Chỉ một vài bài báo đăng tải, rất nhiều nạn nhân tiếp tục bị uy hiếp, những phần tử của “thế giới ngầm” như bị kích động càng điên cuồng chống trả. Một trong nhiều nạn nhân có đơn cầu cứu nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam là bà Đinh Thị Lý, trú TP. Thái Bình bị các số điện thoại lạ, sim rác gọi điện, nhắn tin dọa giết cả nhà vì dám nhờ báo chí lên tiếng giúp mình.

Phóng viên Trung Du tiếp tục chia sẻ: “Lãnh đạo báo luôn quán triệt tinh thần kiên quyết không khoan nhượng, thỏa hiệp với cái xấu, cái ác và quyết tâm đeo bám sự việc đến cùng”. Ngày 28/3/2019, Tổng Biên tập đã quyết định ký công văn gửi về UBND tỉnh Thái Bình, Công an tỉnh Thái Bình, Công an TP. Thái Bình, đề nghị các cơ quan này phối hợp với nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam trao đổi, xác minh, làm rõ thêm các nội dung thông tin mà bạn đọc quan tâm, các nạn nhân cầu cứu, góp phần lập lại trật tự, kỷ cương, đảm bảo ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Ngay sau đó, Báo Pháp luật Việt Nam tiến hành cho đăng tải hàng loạt các bài viết mang tính phân tích, liên hệ, cảnh báo tiếp theo về vụ việc này. Đến tháng 4/2020, đồng chí Thượng tá Nguyễn Thanh Trường - tân Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các lực lượng trong toàn đơn vị kiên quyết đấu tranh, khởi tố, bắt tạm giam vợ chồng Dương - Đường để mở rộng điều tra các hành vi vi phạm pháp luật khác nhau, xuất phát từ một vụ việc “Cố ý gây thương tích” vừa mới xảy ra.

Vụ án “Dương - Đường và các đồng phạm” - từ một vụ án “Cố ý gây thương tích” tưởng chừng rất nhỏ, đến thời điểm này đã trở thành một vụ án lớn, phức tạp. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Thái Bình điều tra làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của băng nhóm do Đường “Nhuệ” cầm đầu… Người dân ở khắp làng quê Thái Bình vui mừng khi cuối cùng pháp luật đã được thực thi, những người bị chèn ép đã tìm thấy tự do, kẻ ác bước đầu bị trừng trị.

Khi mà nhiều cấp, ngành còn chưa vào cuộc, địa phương dường như buông lỏng quản lý, thờ ơ, bàng quan trước những tiếng kêu cứu của người dân thì một lần nữa, đội ngũ phóng viên, nhà báo đã dùng ngòi bút để mang đến chiến thắng về cho người dân vô tội, những người yếu thế. Hành trình đi tìm công lý đôi khi vấp phải bao khó khăn, nhưng sự thật cuối cùng cũng đã được phơi bày và trong hành trình đó, nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam nói chung, bản thân phóng viên trẻ Trung Du vẫn kiên định với mục tiêu ban đầu mà mình lựa chọn.

Lê Nhật

Tin khác

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

(CLO) Chiều ngày 25/4, nhằm Triển khai Kế hoạch công tác năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024.

Nghề báo
Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

(CLO) Chiều 25/4, Lễ trao Giải thưởng Báo chí Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) năm 2023 đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Nghề báo
Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

(CLO) Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII.

Nghề báo
Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ  2024”

Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2024”

(CLO) Cuộc đua xe đạp lần thứ 5 “Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân” sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 5/5 trên tổng lộ trình 525 km từ Thủ đô Hà Nội tới thành phố Điện Biên Phủ.

Nghề báo
Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

(CLO) Ngày 25/4/2024, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Lê Trần Nguyên Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Q. Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao học bổng cho sinh viên có thành tích học tập cao, sinh viên nghèo vượt khó tại Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn; Khoa Viết Văn – Báo chí, Đại học Văn hóa và Học viện báo chí và Tuyên truyền.

Nghề báo