Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh cần nguồn lực rất lớn

Thứ ba, 10/09/2024 14:21 PM - 0 Trả lời

(CLO) Việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, từ các khu vực khác nhau trong nền kinh tế là rất quan trọng và cấp thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh cần nguồn lực rất lớn

Tại Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh” diễn ra vào ngày 10/9, bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo chia sẻ về cơn bão Yagi và nhấn mạnh, Yagi là điển hình cho diễn biến ngày càng thất thường và khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, cũng cho thấy sự khốc liệt của thiên tai.

Trước những thay đổi khó lường của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

de dat duoc muc tieu tang truong xanh can nguon luc rat lon hinh 1

Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: VV)

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, bà Lan nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Theo ước tính của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), để thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam cần khoảng 330-370 tỷ USD. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD.

Trong đó, nguồn quốc gia tự thực hiện dự báo khoảng 24,722 tỷ USD, chiếm 36% và nhu cầu đối với nguồn lực hỗ trợ của quốc tế dự kiến khoảng 44,028 tỷ USD, chiếm 64%.

Đặc biệt, Việt Nam cần nhiều nguồn lực hơn nữa để đạt được các cam kết về khí hậu theo Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững quốc gia. Do đó, việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, từ các khu vực khác nhau trong nền kinh tế là rất quan trọng và cấp thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững.

Bà Lan cũng cho biết, nguồn lực tài chính thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam đã được xác định trong Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/7/2022) bao gồm: Nguồn lực từ ngân sách nhà nước (như: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chính sách ưu đãi về thuế); nguồn lực từ khu vực tư nhân (như: tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh; thu từ trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon…); nguồn lực từ hỗ trợ quốc tế (ODA, vốn hỗ trợ và vay ưu đãi cho tăng trưởng xanh); và nguồn cộng đồng xã hội khác (vốn huy động công - tư cho các dự án xanh, các quỹ trong nước nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu).

Cần có thêm hỗ trợ tài chính, như thuế, phí, lãi suất, cho các sản phẩm, dịch vụ “xanh”

Về các chính sách cụ thể, TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính,  Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, chính sách thu ngân sách phát huy hiệu quả, điều tiết hành vi theo hướng khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Chính sách động viên ngân sách nhà nước được điều chỉnh kịp thời, linh hoạt, ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân có thêm nguồn lực cho đầu tư và tiêu dùng; qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Về chính sách chi ngân sách nhà nước, cơ quan nhà nước đã hoàn thiện các quy định ưu tiên chi đầu tư và chi thường xuyên cho mục tiêu tăng trưởng xanh; xây dựng các chương trình, chiến lược và các kế hoạch hành động quốc gia liên quan tăng trưởng xanh; hoàn thiện các quy định về mua sắm công trong sử dụng các sản phẩm dán nhãn năng lượng, dán nhãn xanh bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường chứng khoán xanh từng bước được hình thành; Một số chính sách tài chính xanh khác (bảo hiểm xanh, phát triển thị trường tín chỉ carbon) cũng được ban hành.

Bàn về góc độ phát triển các công cụ tài chính xanh nhìn từ Chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán đến năm 2030, ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán  đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu “phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững”.

Các công cụ này sẽ là các trụ cột quan trọng trong việc xây dựng thị trường vốn xanh, bền vững, góp phần phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn, nguồn tài chính cần thiết cho các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, xanh và các dự án bảo vệ môi trường khác, từ đó, giúp làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng không tái tạo và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

de dat duoc muc tieu tang truong xanh can nguon luc rat lon hinh 2

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: KTDB)

Liên quan tới vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị một số nhóm giải pháp chính. Cụ thể, ông Lực kiến nghị gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Chính phủ sớm ban hành Danh mục “phân loại xanh” (Danh mục xanh/Green Taxonomy), trong đó nên có xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và tổ chức thẩm định/xác nhận đủ tiêu chuẩn xanh.

TS Cấn Văn Lực cũng kiến nghị có cơ chế, tiêu chí, phương thức đo lường/kiểm kê mức độ phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng khác nhau để có định hướng chính sách điều tiết phù hợp.

Ngoài ra cần có thêm hỗ trợ tài chính, như thuế, phí, lãi suất, cho các sản phẩm, dịch vụ “xanh”; nghiên cứu thành lập “Quỹ chuyển đổi xanh”, “Quỹ đầu tư mạo hiểm xanh”, “Quỹ tăng trưởng xanh”.

Ông Lực cũng đề xuất thành lập thị trường tín chỉ Carbon; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ban hành tiêu chí, chuẩn mực và huy động nguồn lực. Ngoài ra, cần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia quá trình xanh hóa, tăng cường giáo dục tài chính.

Định Trần

Bình Luận

Tin khác

Italy vẫn là thiên đường dành cho người giàu châu Âu

Italy vẫn là thiên đường dành cho người giàu châu Âu

(CLO) Những người nộp thuế giàu có ở Anh và Pháp vẫn muốn chuyển đến Italy mặc dù quốc gia này gần đây đã quyết định tăng gấp đôi mức thuế suất cố định đối với thu nhập của những người nước ngoài giàu có lên 200.000 euro/năm.

Kinh tế vĩ mô
Các quốc gia EU chỉ trích IMF vì tiếp tục làm việc tại Nga

Các quốc gia EU chỉ trích IMF vì tiếp tục làm việc tại Nga

(CLO) Một số quốc gia EU đã phản đối Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về quyết định nối lại các chuyến đi tới Nga, Politico đưa tin, trích dẫn một lá thư mà các quốc gia này được cho là đã viết cho giám đốc quỹ Kristalina Georgieva.

Kinh tế vĩ mô
Ước tính thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng

Ước tính thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng

(CLO) Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 diễn ra vào sáng 15/9, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo về tình hình thiệt hại và đưa ra các giải pháp khắc phục hậu quả mưa bão, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Kinh tế vĩ mô
Nhiều công ty phương Tây rút lui khỏi Trung Quốc

Nhiều công ty phương Tây rút lui khỏi Trung Quốc

(CLO) Theo báo cáo công bố tuần này của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải, Trung Quốc đang dần mất đi sức hấp dẫn như một điểm đến đầu tư cho các công ty phương Tây.

Kinh tế vĩ mô
Luật Đầu tư công (sửa đổi): Phân cấp nhiều hơn thẩm quyền cho UBND

Luật Đầu tư công (sửa đổi): Phân cấp nhiều hơn thẩm quyền cho UBND

(CLO) Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ phân cấp nhiều hơn thẩm quyền cho UBND, những phân cấp này phù hợp với các chính sách pháp luật trong nước.

Kinh tế vĩ mô