Để doanh nghiệp Việt lớn mạnh: Rất cần đôi tay nâng đỡ của Nhà nước

Thứ năm, 26/12/2019 10:40 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) "Không có doanh nghiệp thì không thể có nền kinh tế lớn, thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng. Không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu doanh nhân và cá nhân xuất sắc".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp có chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững” diễn ra ngày 23/12 tại Hà Nội. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, môi trường kinh doanh không minh bạch, bị phân biệt đối xử, chi phí ngoài luồng cao, khó đoán về thay đổi chính sách,... khiến DN tư nhân Việt Nam hơn 30 năm qua không lớn được, thậm chí quy mô ngày càng nhỏ để tránh rủi ro. Cũng tại Hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, doanh nghiệp yếu kém chắc chắn có “trách nhiệm của Nhà nước”.

Doanh nghiệp Việt: Không chịu lớn!

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2019, Việt Nam có khoảng 17.000 doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn và 21.000 DN quy mô vừa. Con số này quá khiêm tốn so với tổng số 750.000 doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế hiện nay.

Đáng chú ý, mặc dù được xếp hạng là doanh nghiệp lớn nhưng quy mô trung bình còn rất nhỏ bé so với các quốc gia trong khu vực. Các doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam chỉ có quy mô vốn hóa trung bình 186 triệu USD năm 2018, trong khi mức trung bình của các doanh nghiệp tại Philippines là 1,2 tỷ USD, Singapore 1,07 tỷ USD, Thái Lan 835 triệu USD, Indonesia 809 triệu USD và Malaysia là 553 triệu USD.

galaxys825a2281

Cũng theo Bộ KH-ĐT, thời gian qua, số lượng các doanh nghiệp tư nhân từ nhỏ vươn lên quy mô vừa và từ quy mô vừa lên quy mô lớn tại Việt Nam rất thấp.

Câu chuyện doanh nghiệp tư nhân Việt Nam “không chịu lớn” được biết đến từ thời điểm 2009, qua điều tra khảo sát của các cơ quan chức năng. Vậy nhưng sau 10 năm, tình trạng này vẫn không được cải thiện.  

Không chỉ nhỏ bé về quy mô, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng rất hạn chế, máy móc thiết bị đa phần lạc hậu. Thống kê cho thấy, hơn 50% doanh nghiệp tư nhân vay vốn ngân hàng, chủ yếu để trang trải hoạt động, ít đầu tư cho đổi mới sáng tạo, thiết bị máy móc hay công nghệ. Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, khoảng 0,2 - 0,3% tổng doanh thu.

Cùng với đó, nguồn nhân lực của doanh nghiệp tư nhân cũng rất yếu kém. Theo một kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, có tới 55,63% số chủ DN nhỏ và vừa hiện nay có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3% chủ DN có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp. Vì vậy, việc nắm bắt cơ hội, những cải cách đều không cao và ít hướng tầm nhìn đúng cho sự phát triển đi lên của doanh nghiệp. Còn lực lượng lao động, có tới 75% chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.

Giới chuyên môn nhận định, doanh nghiệp tư nhân “không chịu lớn”, thậm chí nhỏ đi, là do môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn thiếu thuận lợi. TS. Nguyễn Hồng Sơn - Đại học Kinh tế (ĐH QGHN) cho rằng các rào cản liên quan đến môi trường đầu tư và kinh doanh phải nhắc đến là thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật, tiếp cận thông tin và các nguồn lực về vốn, đất đai, chi phí không chính thức và đặc biệt là sự phân biệt đối xử. Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có những cải cách tích cực, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn giữa quy định và thực thi, ông Sơn nhận xét.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, qua khảo sát cho thấy, lúc khởi nghiệp chủ doanh nghiệp nào cũng tràn đầy kỳ vọng về tương lai. Tuy nhiên, khi đi vào sản xuất kinh doanh, do vấp phải những vấn đề trên nên rất nhiều DN nản lòng.

Chẳng hạn, khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, hơn 40% DN tham gia khảo sát phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính. Hơn 58% số DN vẫn gặp nhũng nhiễu. Còn 48%, tương đương với gần 350.000 DN, vẫn phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Cho dù những tỷ lệ trên đã giảm so với 2017 nhưng vẫn còn rất cao, theo nhận định của VCCI.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cũng chỉ ra rằng, một trong những điểm đang “trói” doanh nghiệp hiện nay chính là khả năng khó tiên đoán về sự thay đổi và thực thi chính sách pháp luật kinh doanh. Điều này dẫn đến thực tế là quyền tự do kinh doanh có cải thiện nhưng an toàn của doanh nghiệp thì chưa. Do vậy, ứng xử về đầu tư vẫn thiên về ngắn hạn, nhỏ lẻ và không thể mang tính chiến lược dài hạn.

Như vậy, sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa có được một thế hệ các doanh nghiệp ngang tầm thế giới. Đây là một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay.

Bai-tren

Bất ổn vì chính sách bất định

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, chất lượng của văn bản pháp luật có ảnh hưởng rất quan trọng tới năng lực cạnh tranh của DN.

Tham khảo từ các quốc gia khác và cơ quan chuyên môn, VCCI nhìn nhận một văn bản tốt phải có những tiêu chí sau: sự cần thiết của văn bản được ban hành; phù hợp với thực tiễn; không có sự chồng chéo mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác; có tính khả thi, minh bạch; chi phí tuân thủ thấp; đảm bảo quyền tự do kinh doanh; thúc đẩy cạnh tranh; ngăn ngừa nguy cơ nhũng nhiễu và có thời hạn đủ dài để các DN yên tâm hoạt động.

So sánh đối chiếu với các văn bản pháp luật của Việt Nam hiện nay, còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Không ít văn bản pháp luật của Việt Nam ban hành nhưng không cho thấy sự cần thiết; mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật khác; tính khả thi và minh bạch thấp; chi phí tuân thủ cao; hạn chế kinh doanh và dễ bị nhũng nhiễu,...

Năm 2018, Việt Nam ban hành 891 văn bản các loại, trong đó có 16 luật, 18 nghị định của Quốc hội, 169 nghị định của Chính phủ, 54 quyết định của Chính phủ, 50 thông tư của các bộ ngành. Tính bình quân cứ một luật có 10,5 nghị định và 37 thông tư. Nhiều đạo luật ban hành rất thông thoáng, nhưng nghị định và thông tư lại không theo tinh thần của luật, gây khó khăn cho DN.

Các nhà đầu tư lo ngại, chỉ sau một đêm ngủ dậy, xuất hiện một văn bản pháp luật kinh doanh mới ban hành khiến hoạt động của họ không ổn định, gặp rủi ro, ông Tuấn nói.

Khảo sát của VCCI cho thấy, những khó khăn các DN nhỏ đề cập tới là tiếp cận vốn, đất đai, thị trường, khách hàng,... Nhưng các DN lớn lại chia sẻ, khó khăn lớn nhất với họ là rủi ro về thay đổi chính sách và thủ tục hành chính. Sự ổn định về chính sách rất quan trọng. VCCI nhận được rất nhiều lời kêu than về một số văn bản pháp luật ban hành, hồi tố ngược lại 4 - 5 năm về trước, khiến DN đang hoạt động gặp bất lợi, khó khăn.

Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý cho mô hình kinh doanh mới còn bị động, lúng túng, thường dùng tư duy của mô hình kinh doanh cũ soạn ra văn bản pháp luật áp dụng cho mô hình kinh doanh mới, hoặc bỏ mặc, theo ông Tuấn.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, thị trường mở cửa, nhưng DN trong nước lại bị trói ở khâu thực thi pháp luật, không tận dụng được cơ hội do hội nhập tạo ra. Quyền tự do kinh doanh đã được cải thiện, nhưng an toàn trong hoạt động kinh doanh thì chưa. Vì vậy mà nhà đầu tư không được bảo vệ. Càng hội nhập, DN càng thua ngay trên sân nhà.

nha-may-vinsmart

Bất ổn kinh doanh không được ai bảo vệ, tòa án không phải là nơi bảo vệ cho tranh chấp nên rất rủi ro. Sửa luật hiện nay cũng chỉ giống như cắt ngọn, về cơ bản không giải quyết được tận gốc rễ vấn đề, ông Cung nhận xét.

Luật còn chồng chéo mâu thuẫn nhau, trong khi sửa luật không đơn giản bởi các bộ ngành đều muốn giữ quyền của mình.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ, chỉ ra rằng, chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh của DN Việt Nam so với các nước khu vực tương đương nhau, nhưng chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam cao, khiến giá thành sản phẩm, dịch vụ cao khó cạnh tranh. Luật pháp tốt thì chi phí tuân thủ sẽ thấp.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, nhất thiết phải công khai, minh bạch dự thảo văn bản để người dân và DN có thể tham gia góp ý kiến, hạn chế tối đa việc áp dụng các thủ tục rút gọn. Bên cạnh đó, cần thiết phải tiến hành đánh giá tác động kinh tế - xã hội của các văn bản pháp luật và chính sách mới trước khi ban hành để không tạo ra những hệ quả không mong đợi.

Khánh An

Tin khác

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn