Để "Đường về" của các liệt sỹ bớt gian nan...

Thứ năm, 25/07/2019 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hướng tới ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, VTV Đặc biệt dành thời lượng phát sóng một bộ phim được đánh giá là “thức tỉnh và lay động lòng người” của nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư - người từng giành rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế với các bộ phim như “Hai đứa trẻ”, “Miền đất hứa”, “Chông chênh”.

Đó là câu chuyện của “Đường về” với hình ảnh chân thực, đầy cảm xúc về câu chuyện nhầm lẫn hy hữu của hai bà mẹ liệt sỹ có con cùng tên, cùng quê, hy sinh và nhập ngũ cùng năm chỉ khác tên họ và đệm. Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư về câu chuyện hậu trường đặc biệt này. Anh chia sẻ:

1. Tôi không phải là đạo diễn đeo bám và chuyên về lĩnh vực này nhưng tôi cũng có người thân là liệt sỹ đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Vậy nên, tôi hiểu rằng, đó là một nỗi đau không gì xoa dịu được mà bất cứ gia đình nào gặp phải đều mong mỏi những điều kỳ diệu sẽ đến.

Thực ra, ban đầu, tôi cùng ekip có ý tưởng thực hiện một đề tài rộng hơn, bao trùm hơn, mong muốn gửi đến khán giả một bộ phim VTV Đặc biệt ý nghĩa nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, và đã triển khai ghi hình, thu thập dữ liệu từ hơn hai năm trước. Kịch bản của chúng tôi sẽ là rất nhiều câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau, kể về “Đường về” quê hương, về với mẹ của các Anh hùng Liệt sỹ. Các bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH ) trên đất nước ta giờ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, nhiều mẹ đã may mắn tìm được con, nhưng có nhiều người mẹ sống với nỗi nhớ, niềm mong mỏi tìm được con về mới yên lòng, nhắm mắt xuôi tay. Thế nhưng, trong quá trình khai thác tài liệu, nhóm sản xuất đã gặp một hoàn cảnh éo le, câu chuyện “mất con thêm một lần nữa”. Câu chuyện hy hữu này mà nguyên nhân là từ việc chưa khớp nối được thông tin trong hồ sơ lưu trữ của các Anh hùng Liệt sỹ, dẫn đến nhầm lẫn. Và ngay lập tức chúng tôi quyết định lựa chọn kể về câu chuyện ấy để từ cái riêng biệt nhìn thấy cái chung, từ câu chuyện nhầm lẫn và xót xa của hai bà mẹ, thấy được nỗi đau của rất nhiều bà mẹ VNAH trên đất nước ta. 

Nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư .

Nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư .

Năm 2002, sau nhiều năm tìm kiếm, mẹ Lưu Thị Hinh ở Ninh Bình tìm được hài cốt của người con trai liệt sỹ Đinh Duy Tuân tại An Giang. Vì nhiều lý do, gia đình để phần mộ của anh tại đây và lập bàn thờ, thờ tự từ xa. Năm 2018, các con mẹ Hinh đến thắp hương tại mộ mới biết hài cốt đã không còn ở đó 8 năm nay mà được gia đình mẹ Hà Thị Xuân cùng quê ở Ninh Bình chuyển về xây cất tại địa phương.  Hai người mẹ 83 tuổi đã phải đứng trước quyết định đau xót: khai quật mộ để xét nghiệm ADN. Thế nhưng điều xót xa nhất không chỉ nằm ở đó...

 Trên thực tế, tôi được biết, Nhà nước và nhiều tổ chức đã chung tay góp sức, hỗ trợ nhưng việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ vẫn còn không ít những câu chuyện éo le, đau lòng. Có những trường hợp công nghệ ADN vào cuộc nhưng cũng không có kết quả, vì mẫu xấu. Ở “Đường về” dù đã làm tới khâu cuối cùng nhưng cũng không thể xác định được chính xác danh tính, cũng giống nhiều gia đình khác nữa, máu xương của liệt sỹ đã hòa với đất mẹ. Chúng tôi may mắn ghi lại được những hình ảnh chạm vào trái tim của người xem, tâm tư riêng của hai mẹ liệt sỹ cũng là tâm trạng chung của nhiều bà mẹ có con hy sinh trong chiến tranh giờ vẫn chưa tìm lại được thi thể. Ở đó có những đòi hỏi, có những giằng xé, có những quyết định đau đến thấu tâm can nhưng cũng đầy nhân văn và ý nghĩa với cuộc đời.

2. Tôi cũng đã từng nói rằng, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ giống như việc ghép tranh mà nếu khuyết một mảnh ghép nào, dù nhỏ cũng không thể có một bức tranh hoàn thiện. Với “Đường về”, tôi không quá áp lực để đi tìm cái “mới” mà tôi chỉ đi tìm cái “riêng” cho bộ phim này vì mỗi câu chuyện về một liệt sỹ hay chặng đường tìm kiếm của thân nhân liệt sỹ đã là một câu chuyện riêng, không giống bất kỳ câu chuyện nào. Rõ ràng là những tác phẩm báo chí về chiến tranh, hậu chiến tranh là câu chuyện rất cũ nhưng tôi luôn đặt cho mình một mục tiêu làm nghề  đó là làm mới những điều đã cũ. “Đường về” chính là ví dụ cho điều ấy. Khó khăn lớn nhất là lựa chọn câu chuyện nào, vấn đề nào để đưa vào phim sao cho không bị trùng lặp với các bộ phim tài liệu trước đây đã làm? Câu chuyện thực tế đang diễn ra dù có những sai lệch không thể khớp nối, bởi thời gian đã bào mòn đi tất cả thì những hình ảnh rất đời, rất thực ấy cũng đòi hỏi chúng tôi phải sống với nhân vật một cách chân thành. Quê tôi ở Nam Định và mỗi dịp về quê, tôi lại ghé qua thăm các mẹ, một phần để giữ mối liên hệ với nhân vật, phần nữa cũng là để tranh thủ ghi hình, tìm kiếm những chi tiết đắt giá. Ban đầu, cũng đã có những hiểu lầm rằng chúng tôi được gia đình nhà kia thuê để làm khó gia đình nhà này nhưng rồi thời gian và sự tận tâm trách nhiệm của ekip đã dần lấy được thiện cảm và niềm tin tưởng của cả hai bà mẹ. Hai gia đình coi chúng tôi cũng như thế hệ con cháu trong nhà.

Tác giả cùng mẹ Hà Thị Xuân ra mộ liệt sỹ.

Tác giả cùng mẹ Hà Thị Xuân ra mộ liệt sỹ.

3. Thông điệp muốn truyền tải từ tác phẩm này đó là, thời gian là kẻ thù của tất cả, đặc biệt là với công cuộc tìm kiếm hài cốt và xác định danh tính của các Anh hùng Liệt sỹ. Mặc dù rất nhiều biện pháp được thực hiện, thậm chí ứng dụng công nghệ cao để xét nghiệm ADN, nhưng mỗi ngày tháng trôi qua đồng nghĩa với việc đối chứng, lắp ghép dữ liệu càng thêm khó, nhân chứng ngày càng ít, mẫu hài cốt ngày một xấu. Công tác xác định hài cốt - bước cuối cùng nhưng lại là khó nhất, gian nan nhất và nhiều éo le nhất, mà không phải ai cũng hiểu được. Thậm chí, ngay cả khi tưởng như tìm kiếm được rồi, để xác định được đó chính xác có phải phần mộ của người thân mình hay không, cũng là những thử thách đong đầy nước mắt. Theo thống kê, hiện nay có tới hơn 200 nghìn liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt và còn tới hơn 300 nghìn mộ liệt sỹ còn khuyết thông tin.  Khi bộ phim kết thúc, những cuộc đối thoại bàn bạc, ý kiến khác nhau xung quanh việc tìm kiếm xác định hài cốt liệt sỹ chắc chắn sẽ rất khó quên đối với mỗi người xem. Ở đó hiện diện đầy đủ cung bậc cảm xúc lo lắng - dằn vặt - vô định - đau xót - nhân văn. Để rồi khi điều kiện không thể thì mỗi gia đình lại biết nghĩ cho nhau, biết sống vì nhau, biết hy sinh cái riêng vì cái chung. Đến tận bây giờ tôi vẫn luôn nghĩ về câu nói của bà mẹ an ủi lẫn nhau: Bà cứ phải bình tĩnh, không chỉ riêng con nhà bà và con nhà tôi hy sinh, mà có rất nhiều người con trên đất nước này hy sinh thì mới giành được độc lập ngày hôm nay... Và điều ấy đã gửi tới thông điệp đáng suy ngẫm cho những gia đình chưa thể đón liệt sỹ trở về.

Với thời lượng 50 phút, chúng tôi mong muốn, “Đường về” sẽ là sợi dây bền chặt của tình cảm gia đình thiêng liêng của người Việt. Đồng thời, qua đó, còn muốn nhắn gửi với những người làm công tác liệt sỹ: chúng ta có thể làm gì để “Đường về” của các liệt sỹ bớt gian nan? Và nữa, với những gia đình thân nhân liệt sỹ cần có trách nhiệm hoàn cốt lại đúng nơi ban đầu sau khi xét nghiệm ADN không trùng với huyết thống gia đình, đừng để một lần nữa thân xác các liệt sỹ bị chia lìa... Có thể “Đường về” chưa phải là bức tranh hoàn hảo bởi đã có những “vết cứa” của thời gian. Nhưng giá trị nhân văn và thông điệp của tác phẩm sẽ rất ý nghĩa trong cuộc sống hôm nay, để chúng ta nhìn lại, suy ngẫm nhiều hơn về cuộc đời...

Hà Vân (ghi)

Tin khác

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Nghề báo
Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

(CLO) Ngày 19/4, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức phát động Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam mùa thứ 2 (VCA 2024). Giải thưởng năm nay có những điểm mới trong thể lệ dự thi, trong khâu tổ chức chấm giải và đặc biệt là có thêm hạng mục giải thưởng do cộng đồng bình chọn trực tuyến.

Nghề báo
Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

(CLO) Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ cho biết sẽ: "Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP để ban hành lại quy chế họp báo theo đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sửa đổi một số nội dung cho phù hợp".

Nghề báo
Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo