Đề nghị bổ sung thêm tòa chuyên biệt thuộc Trung tâm tài chính quốc tế
(CLO) Về hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân (TAND), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy kiến nghị, bổ sung thêm tòa chuyên biệt thuộc Trung tâm tài chính quốc tế, bên cạnh TAND Tối cao, TAND cấp tỉnh và TAND khu vực.
Ngày 19/5, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn ĐBQH Bắc Kạn) cho biết, ngày 6/5 vừa qua, Bộ Chính trị đã kết luận một số nội dung của Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, trong đó giao TAND Tối cao nghiên cứu thành lập tòa chuyên biệt ở trung tâm này. Bộ Chính trị cho phép áp dụng các nguyên tắc của hệ thống thông luật Common law (hệ thống pháp luật dựa trên các án lệ, tức là các phán quyết của tòa án trong các vụ án cụ thể) trong việc giải quyết các tranh chấp tại trung tâm.
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy lưu ý, dự thảo luật chưa kịp thời thể chế hóa nội dung nêu trên, do phải gửi tài liệu đến các đại biểu trước ngày 29/4. Theo bà Thủy, việc ấp ủ về thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế - một hệ thống quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam đã có từ lâu và đến nay đang trở thành hiện thực khi Bộ Chính trị thông qua chủ trương, định hướng và những nội dung lớn cho việc thành lập các trung tâm này ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Phát biểu tại hội nghị của Chính phủ, các chuyên gia quốc tế đều khẳng định sự thành công của một trung tâm tài chính quốc tế là yếu tố then chốt trong việc tạo niềm tin của các nhà đầu tư. Trong đó, hệ thống pháp luật hoàn thiện, một hệ thống pháp luật tốt là cam kết vững chắc của quốc gia rằng mọi hoạt động đầu tư sẽ được bảo vệ, mọi tranh chấp sẽ được phán xử một cách công bằng và không ai có quyền can thiệp vào những nguyên tắc đã được định ra trước đó.
“Nếu thiếu một hệ thống pháp luật và thiếu một cơ chế giải quyết tranh chấp đáng tin cậy thì chắc chắn không có một nhà đầu tư nào dám để lại 1 USD cho dù có cam kết miễn thuế 100% hoặc cơ sở hạ tầng có hiện đại đến mấy đi nữa”, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy bày tỏ ý kiến.
Đại biểu dẫn chứng, nhìn ra thế giới, hầu hết các mô hình Trung tâm tài chính quốc tế thành công đều hoạt động dựa trên việc áp dụng hệ thống thông luật Common Law, đây là hệ thống pháp luật dựa trên án lệ, rất uyển chuyển, rất linh hoạt nhưng cũng rất ổn định, đặc biệt là tính minh bạch rất cao.
Chẳng hạn như Trung tâm tài chính quốc tế tại Dubai cho phép áp dụng hệ thống thông luật để giải quyết các tranh chấp và có các quy tắc giải quyết tranh chấp riêng, có tòa án riêng và tách bạch hoàn toàn với hệ thống luật hồi giáo… Đây là một trong những yếu tố then chốt khiến cho Trung tâm Dubai trở thành Trung tâm tài chính quốc tế số 1 ở Trung Đông, hiện đang thu hút hàng nghìn doanh nghiệp tài chính, ngân hàng đa quốc gia.
Hay như tại Trung tâm tài chính quốc tế tại Kazakhstan, tất cả tranh chấp được áp dụng hệ thống thông luật để giải quyết, có tòa án riêng, tất cả các văn bản được ban hành trong tòa án này đều bằng tiếng Anh, thậm chí còn mời thẩm phán người Anh sang làm việc tại tòa án này.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy phân tích thêm, ngoài ra, nguồn nhân lực giải quyết tranh chấp tại Trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi chất lượng rất cao, được đào tạo và được thực hành theo đúng chuẩn mực quốc tế.
Điều này nhằm bảo đảm có đủ năng lực để giải quyết, ra phán quyết một cách chính xác, nhanh chóng đối với các tranh chấp giữa các nhà đầu tư quốc tế với nhau cũng như giữa các nhà đầu tư quốc tế với các cơ quan quản lý nhà nước.
Vì vậy, Đại biểu kiến nghị bổ sung vào dự thảo 4 nội dung. Thứ nhất, tại điều 4 về hệ thống tổ chức TAND, đề nghị bổ sung thêm tòa chuyên biệt thuộc Trung tâm tài chính quốc tế, bên cạnh TAND Tối cao, TAND cấp tỉnh, TAND khu vực.
Thứ hai, kiến nghị bổ sung Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có thêm nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng các nguyên tắc của hệ thống thông luật làm cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp tại Trung tâm tài chính quốc tế.
Thứ ba, đối với tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán, đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định tiêu chuẩn có tính chất mở và mang tính chất đặc thù. làm cơ sở cho việc tuyển chọn thẩm phán xét xử tại Trung tâm tài chính quốc tế thời gian tới.
Thứ tư, về thẩm quyền của tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế, kiến nghị trong Luật Tổ chức TAND không nên quy định quá cụ thể về thẩm quyền của tòa án này. ĐBQH Nguyễn Thị Thủy kiến nghị TAND tối cao trong thời gian tới sớm có một đề án để giải quyết toàn diện vấn đề này. Trong đó giải quyết cụ thể các vấn đề như tổ chức bộ máy bên trong tại tòa chuyên biệt thuộc Trung tâm tài chính quốc tế, mối quan hệ tố tụng giữa tòa án chuyên biệt với các tòa án khác; việc tuyển chọn nhân lực thẩm phán cho việc xét xử tại trung tâm; các nguyên tắc tố tụng và trình tự tố tụng cho hoạt động của tòa án chuyên biệt này.