Đề nghị làm rõ việc lấy đồng lúa Khắc Kiệm cấp cho doanh nghiệp khai thác vàng

Thứ sáu, 09/11/2018 11:49 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nhiều người dân đang sinh sống tại thôn Khắc Kiệm, xóm Xuyên Sơn (xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) gửi đơn tới các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ việc UBND tỉnh Thái Nguyên lấy cả cánh đồng trồng lúa để cấp cho doanh nghiệp khai thác vàng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của hàng trăm nhân khẩu.

Bất an vì mất ruộng

Cụ thể, theo đơn phản ánh, bao năm qua người dân xóm Xuyên Sơn vất vả đi lại vì doanh nghiệp khai thác vàng phá nát con đường dân sinh, buộc người dân phải đi lòng vòng xung quanh khai trường, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bẩn.

Báo Công luận
Mỏ vàng Khắc Kiệm nếu được triển khai sẽ phải thu hồi hoàn toàn 25ha đất trồng lúa của người dân nơi đây.  Ảnh A.Đ

Bên cạnh đó, người dân tại đây bao năm phải gồng mình gánh chịu nước thải gây ô nhiễm từ 8 máng tuyển rửa vàng sa khoáng chạy suốt ngày đêm, nước thải này chạy thẳng ra suối, ngấm vào ruộng đồng khiến người dân không thể lấy nước trồng cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

“Việc UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép cho Công ty Thăng Long toàn bộ diện tích đất trồng lúa 2 vụ/năm của gần trăm hộ dân, hàng trăm nhân khẩu hiện sinh sống nhờ vào ruộng đồng, khiến nhiều năm nay nhân dân phải sống trong cảnh phập phồng, bất an chẳng biết khi nào mất ruộng. Gần 10 năm qua cánh đồng lúa Khắc Kiệm được cấp cho doanh nghiệp nhưng không triển khai bồi thường cho người dân”- các hộ dân cho biết.

Người dân cũng đề nghị làm rõ, Nhà nước được lợi gì từ việc cấp 3 điểm mỏ Bản Ná, cánh đồng Khắc Kiệm, thung lũng Nam Khắc Kiệm cho  doanh nghiệp khai thác vàng sa khoáng thu lợi mà không thông qua đấu giá quyền khai thác suốt nhiều năm qua. Hơn nữa, mới đây cơ quan chức năng còn phát hiện việc khai thác có dấu hiệu làm sai lệch trữ lượng và kéo dài thời gian khai thác, xâm hại rừng đặc dụng Thần Sa.

“Mong cơ quan chức năng sớm thu hồi dự án, trả lại ruộng đồng cho nhân dân canh tác, ổn định cuộc sống, không phải chịu cảnh phập phồng âu lo mất kế sinh nhai”- người dân khẩn thiết trong đơn gửi tới cơ quan chức năng. 

Được biết, trước đó, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định thanh tra toàn diện việc cấp phép, quy hoạch, khai thác vàng tại khu vực rừng đặc dụng Thần Sa theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình. Một trong những nội dung sẽ được làm rõ là việc cấp phép khai thác khoáng sản trùm lên cả cánh đồng Khắc Kiệm - Cánh đồng này nguồn sống chính của những người dân nơi đây. Và UBND tỉnh Thái Nguyên phải báo cáo kết quả thanh tra tới Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/11/2018.

Thăm dò, thay đổi trữ lượng, tiếp tục cấp gia hạn

Như báo Điện tử congluan.vn đã thông tin, có ý kiến cho rằng tỉnh Thái Nguyên đã không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bởi vào ngày 30/3/2015, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị 03 về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản, trong đó nhấn mạnh “không cấp phép mới thăm dò, khai thác vàng sa khoáng”; hạn chế và đi đến chấm dứt cấp phép khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ.

Báo Công luận
Quyết định phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng 2006 có từ tháng 8/2007 đến nay cả cánh đồng Khắc Kiệm tươi tốt có nguy cơ biến mất khiến người dân lo lắng mất kế sinh nhai. Ảnh A.Đ 

Tuy nhiên, theo tài liệu thu thập được, năm 2009 UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long (Công ty Thăng Long) được khai thác vàng sa khoáng với tổng diện tích 42,09 ha, thời hạn 6,5 năm và sẽ hết hạn vào ngày 20/10/2015. Đáng chú ý, mỏ vàng này bao trùm hoàn toàn lên cánh đồng Khắc Kiệm có diện tích 25ha.

Từ khi cấp phép cho đến khi hết hạn, doanh nghiệp vẫn chưa có hoạt động khai thác nào. Tuy nhiên, trước thời điểm giấy phép khai thác hết hạn khoảng 18 ngày (2/10/2015), Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký gia hạn lên 17 năm (đến năm 2032).

Đáng chú ý, tại quyết định năm 2009 cho phép Công ty Thăng Long khai thác lộ thiên với trữ lượng là 1.312.232 m3 cát quặng nguyên khai. Trong đó sản lượng khai thác là 240.000 m3 cát quặng trong một năm. Tuy nhiên, tháng 6/2015, Công ty Thăng Long lại có báo cáo kết quả thăm dò bổ sung và nâng cấp trữ lượng mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm trong đó có kết quả tính được trữ lượng là 254.212 m3 cát quặng. Sau đó, ngày 2/10/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Thăng Long với trữ lượng địa chất là 254.212 m3 cát quặng, trữ lượng khai thác là 241.502 m3 cát quặng và công suất khai thác là 17.000 m3 cát quặng/năm.

Và đến nay cũng chưa thấy có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chủ mỏ tiến hành các bước xin cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất lúa sang đất khai mỏ) lên phương án kiểm đếm đền bù cho người dân. Trong khi việc quy hoạch 3 loại rừng đã có quyết định phê duyệt từ năm 2006, đến nay trước nguy cơ cả cánh đồng lúa biến mất, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kế sinh nhai, khiến người dân luôn bất an, long lắng.

Trước đó, Báo Điện tử congluan.vn đã thông tin việc, đoàn liên ngành tỉnh Thái Nguyên do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, đưa ra kết "Công ty Thăng Long đã xây dựng khu vực văn phòng trên diện tích 1,67 ha, đồng thời xây dựng một khu tâm linh gồm đình, đền, chùa Bản Ná với diện tích khoảng 0,12 ha. Công ty Thăng Long đã đổ thải (phế liệu từ hoạt động khai thác vàng) ra ngoài phạm vi cấp phép khai thác mỏ lên diện tích rừng khoảng 5,78ha, trong đó có 5,30 ha là rừng đặc dụng, còn lại là quy hoạch các loại rừng khác". Mới đây đoàn liên ngành tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có báo cáo thể hiện diện tích bị xâm hại tổng cộng khoảng 12,25 ha, trong đó có hơn 11 ha rừng đặc dụng.

Nhóm PV

Tin khác

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

(CLO) Ngày 31/7/2008, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho thuê các ki ốt khán đài sân vận động huyện... Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện chính sách “xã hội hóa”, vẫn còn một số bất cập cần được làm rõ và khắc phục.

Điều tra
Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

(CLO) Ở mỗi gói thầu tham dự khác nhau, Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai lại thể hiện một hồ sơ năng lực với doanh thu khác nhau?

Điều tra
Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra