Tin tức

Đề nghị nhất thể hóa chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND cấp xã

Nguyễn Hường 23/05/2025 18:10

(CLO) Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (đoàn TP Hà Nội) đề nghị nhất thể hóa chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND cấp xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính để tăng cường hiệu quả điều hành…

Ngày 23/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh: Chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, phường là một quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, mà còn để kiến tạo nên một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, gắn với kỳ vọng đổi mới tư duy và phương thức quản trị ở cơ sở.

Nếu thực hiện tốt, đây sẽ là cú hích mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển đồng bộ từ gốc rễ – nơi gần dân nhất, nơi mọi chính sách, mọi chủ trương đều phải đi vào đời sống một cách cụ thể, sát sườn. “Chính vì vậy, tôi đặt ra một câu hỏi không mới, nhưng cần thiết trong thời điểm hiện nay: Chúng ta có nên mạnh dạn trao quyền cho những người đủ năng lực, cụ thể là để Bí thư Đảng ủy xã, phường đồng thời đảm nhiệm chức danh Chủ tịch UBND cùng cấp”.

2(1).jpg
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (đoàn TP Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, trong một bộ máy tinh giản và hiệu lực cao, sự đồng nhất giữa vai trò lãnh đạo Đảng và điều hành chính quyền sẽ giúp các quyết sách được thông suốt, giảm độ trễ và tăng hiệu quả thực thi. Một người, nếu đủ tâm và đủ tầm, sẽ tạo ra một chính quyền gần dân hơn, quyết đoán hơn, dám nghĩ – dám làm – dám chịu trách nhiệm.

Theo Đại biểu Bùi Hoài Sơn, cũng sẽ có những băn khoăn về nguy cơ tập trung quyền lực, lo ngại về tính độc đoán. Nhưng xin hãy nhớ rằng, chúng ta không trao quyền trong một môi trường không có kiểm soát. Hệ thống chính trị cấp cơ sở vẫn còn đó Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, cùng những thiết chế giám sát chặt chẽ đã được thiết lập và hoàn thiện nhiều năm qua. Vấn đề không nằm ở việc một người kiêm nhiệm hai chức danh, mà nằm ở chỗ người đó có vì dân, có đủ năng lực và có bị kiểm soát hiệu quả hay không.

“Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần một tư duy mới, dũng cảm hơn trong tổ chức bộ máy hành chính cơ sở. Việc trao quyền cho Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã, phường – nếu được cân nhắc kỹ lưỡng và thí điểm phù hợp – có thể là một bước đi táo bạo nhưng đúng đắn, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và phát triển đất nước”, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn nói.

Cũng thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm nay tuy là một thách thức lớn nhưng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sẽ cố gắng để đạt được.

3(1).jpg
Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trở lên và tiến tới tăng trưởng hai con số, tôi cho rằng, cần có những giải pháp rất cụ thể để kích thích các động lực tăng trưởng truyền thống như: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; chính sách tài khóa cần đồng hành với chính sách tiền tệ; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển, vì khu vực này chiếm trên 50% GDP của toàn nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, thủ tục hành chính, đặc biệt ở các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Trong đó vai trò của khoa học công nghệ, chuyển đổi số là rất quan trọng, cần có chính sách ưu đãi đầu tư mạnh vào các lĩnh vực này.

Đặc biệt, việc sắp xếp lại bộ máy hành chính cũng sẽ mang lại hiệu quả, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Sau khi sắp xếp xong, bộ máy quản lý hành chính nhà nước sẽ được nâng cao, mang tính hiệu quả tốt hơn, xử lý nhanh hơn các vấn đề về dịch vụ hành chính công. Lúc đó, đáp ứng được yêu cầu về thời gian cũng như chất lượng dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, các cơ quan hành chính cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, rút ngắn thời gian xử lý, nâng cao chất lượng dịch vụ…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đề nghị nhất thể hóa chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND cấp xã
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO