Đề nghị quy định cấm sử dụng hóa chất độc hại tác động trực tiếp lên giống cây trồng
(CLO) Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) đề nghị bổ sung thêm hành vi bị cấm trong dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) - đó là hành vi sử dụng hóa chất độc hại tác động trực tiếp lên giống cây trồng, làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) quy định cấm các hành vi như: sản xuất, kinh doanh trái phép hóa chất; sửa chữa, làm giả giấy phép; cung cấp thông tin sai lệch; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc...
Ngày 8/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, phát biểu đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, hiện nay tình trạng lợi dụng nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử, sàn giao dịch trực tuyến để rao bán, quảng bá hóa chất nguy hiểm; nhất là tiền chất ma túy, hóa chất dễ cháy nổ... diễn ra rất phổ biến.
"Các hành vi này ẩn danh, khó truy xuất, có nguy cơ xâm hại an ninh hóa chất và an toàn cộng đồng, nhưng lại chưa được quy định rõ ràng trong hành vi nghiêm cấm", đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình phấn tích.
.jpg)
Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất bổ sung một khoản mới vào Điều 3 về hành vi bị nghiêm cấm là: “Lợi dụng nền tảng số, mạng xã hội, website, sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng cáo, rao bán, kinh doanh, cung cấp hóa chất nguy hiểm trái pháp luật”.
Đồng thời, nên có quy định giao trách nhiệm cho Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Công an trong kiểm tra, xử lý vi phạm trên môi trường mạng.
Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) cũng đề nghị bổ sung thêm hành vi bị cấm trong dự thảo Luật - đó là hành vi sử dụng hóa chất độc hại tác động trực tiếp lên giống cây trồng, làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
.jpg)
Bà Đoàn Thị Lê An nhấn mạnh: "Vấn đề này đã diễn ra rất nhiều trên các loại trái cây, rau, củ, quả làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng".
Nữ đại biểu Quốc hội đoàn Cao Bằng đề nghị, bổ sung quy định “các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất có trách nhiệm phân loại, ghi nhãn hóa chất theo quy định của Bộ Công Thương, báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; đồng thời, dừng việc đưa hóa chất vào sử dụng và lưu thông trên thị thường cho đến khi hoàn thành việc cập nhật thông tin theo quy định” tại khoản 5 Điều 25 dự thảo Luật.
Quan tâm đến phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung một điều khoản riêng về ứng phó sự cố hóa chất trên biển trong Mục 2, Chương VI.
.jpg)
Trong đó, quy định rõ về việc phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành liên quan (như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Yêu cầu bắt buộc các cơ sở vận chuyển, tồn trữ hóa chất tại các cảng biển, vùng ven biển, nhà máy lọc hóa dầu ven biển phải xây dựng phương án ứng phó sự cố hóa chất trên biển chặt chẽ hơn. Có cơ chế bồi thường, khắc phục hậu quả khi sự cố xảy ra, phục hồi môi trường biển; cơ chế phối hợp, huy động lực lượng, trang thiết bị chuyên dụng trong trường hợp sự cố xảy ra.
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí về nhiều nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) như đã nêu trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các ý kiến đã góp ý thêm về một số nội dung như: cần định hướng quan điểm tiếp cận đối với chiến lược công nghiệp hóa chất; nguyên tắc áp dụng hóa học xanh, hóa chất xanh, điều chỉnh phù hợp giữa định tính và định lượng, giữa bắt buộc và khuyến khích kèm theo cơ chế, chính sách hỗ trợ; các tiêu chuẩn, yêu cầu về quản lý an toàn hóa chất; cập nhật nội dung về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hóa chất; ưu đãi phát triển ngành công nghiệp hóa chất trọng điểm, hóa chất mới, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; vấn đề về phân cấp, ủy quyền...

Ghi nhận các ý kiến thảo luận sâu sát, tâm huyết, có trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là cơ sở để cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.
Cùng với đó, đề nghị, cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, giải trình thấu đáo, đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này.