Để người dân được thụ hưởng những thành quả khi đã nhường đất để xây dựng các khu công nghiệp
(CLO) Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng tại Hội nghị cho ý kiến vào các nội dung liên quan đến các đề án, đồ án, tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh diễn ra chiều ngày 10/11 tại Thanh Hoá.
Theo đó, tại hội nghị, Đề án giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp (KCN) trong Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn là một trong những nội dung được dành nhiều thời gian thảo luận nhằm tạo động lực phát triển cho tỉnh Thanh Hoá trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BTH
Hiện nay, KKT Nghi Sơn có 25 phân KCN với diện tích khoảng 9.057,9 ha, trong đó có 23 KCN hiện hữu (19 KCN chưa có chủ đầu tư hạ tầng, 4 KCN đã có nhà đầu tư hạ tầng) và 2 phân khu kho tàng KT-01, phân khu dịch vụ hậu cần công nghiệp DV-01.
Theo các đại biểu, việc giải phóng mặt bằng tại các KCN trong KKT Nghi Sơn tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư phát triển KKT Nghi Sơn là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị với định hướng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX; Quyết định số 621 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc ban hành Chương trình phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN giai đoạn 2021 - 2025.
Tại hội nghị, các ý kiến cũng đã phân tích và đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hoá cần nghiên cứu làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến bố trí khu tái định cư nhằm tạo thuận lợi cho người dân di dời, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng KCN; công tác tuyên truyền vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân; việc chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm cho người dân bị ảnh hưởng vùng dự án… Cùng đó, đề nghị trong Đề án cần phải làm rõ phân kỳ đầu tư, huy động nguồn vốn đầu tư; việc lựa chọn ưu tiên nhà đầu tư vào KCN.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng nêu rõ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với Đề án được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình tại hội nghị. Tuy nhiên, Đề án cần phải làm rõ, lý giải vì sao phải lựa chọn ưu tiên đầu tư, giải phóng mặt bằng KCN số 6, số 20, số 21. Cùng với đó, trong đề án cần phải làm rõ về mặt nhận thức, giải phóng mặt bằng, KCN số 6, 20, 21 là “cuộc cách mạng” làm thay đổi một lần nữa về hạ tầng tại Nghi Sơn.
Nội dung giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Nghi Sơn; của Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN; trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của các sở, ban, ngành, đoàn thể. Việc lựa chọn ưu tiên đầu tư, giải phòng mặt bằng KCN số 6, số 20, số 21 cần phải dựa trên định hướng phát triển, định hướng thu hút đầu tư, khả năng tổ chức thực hiện của tỉnh và sự quan tâm của nhà đầu tư.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, việc giải phóng mặt bằng, xây dựng tái định cư cho người dân là vấn đề khó nhất, nếu không có tái định cư thì không bao giờ giải phóng được mặt bằng. Vì vậy, trong Đề án cần phải có những giải pháp để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân; việc lựa chọn vị trí để xây dựng Khu tái định cư cần phải được công khai với người dân; bên cạnh đó cần quan tâm đến các chế độ, chính sách để người dân được thụ hưởng những thành quả khi đã nhường đất để xây dựng các KCN.
Cùng với đó, trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng phải minh bạch, rõ ràng, đồng thời tổ chức để người dân được đến thăm vị trí và tham gia ý kiến xây dựng khu tái định cư mà mình đến ở. Cùng với đó, quan tâm đến sinh kế để người dân tham gia dịch vụ ở các KCN; quan tâm chuyển đổi nghề để ổn định cuộc sống ngay trong khu tái định cư và KCN.
Hà Anh