Đề tiếng Anh khó khiến điểm sàn Đại học Ngoại ngữ giảm sâu chưa từng có, nhiều ngành tụt tới 5 điểm
(CLO) Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố mức điểm sàn xét tuyển đại học chính quy năm 2025, áp dụng cho tất cả phương thức xét tuyển sau khi quy đổi tương đương về thang điểm 30.

Điều khiến nhiều phụ huynh và học sinh “choáng váng” là mức điểm sàn năm nay giảm mạnh, có ngành tụt tới 5 điểm so với năm trước.
Nếu như năm 2024, mức điểm sàn của trường dao động từ 20 đến 21 thì năm nay chỉ còn từ 15 đến 19 điểm. Một số ngành "hot" như ngôn ngữ Anh, Trung, Nhật, Nga... đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh.
Theo đại diện nhà trường, dự kiến điểm chuẩn năm 2025 có thể thấp hơn năm trước từ 1,5 đến 2 điểm thậm chí với một số ngành, mức giảm có thể lớn hơn.
Nguyên nhân chủ yếu khiến điểm sàn giảm sâu đến từ việc môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay trở nên "khó nhằn" hơn hẳn.
Mặc dù là môn tự chọn nhưng vẫn có gần 353.000 thí sinh đăng ký dự thi chỉ bằng 1/3 so với mọi năm. Kết quả cũng kém khả quan: chỉ có 141 thí sinh đạt điểm 10 (giảm gấp 4 lần so với năm ngoái), điểm trung bình chỉ là 5,38 (giảm 0,13 điểm).

Đặc biệt đáng chú ý là hơn 134.000 thí sinh tương đương gần 40% – có điểm dưới 5. Tỷ lệ thí sinh đạt từ 7 điểm trở lên chỉ hơn 15%, giảm hơn 10% so với năm 2024.
Những con số này lý giải vì sao mặt bằng điểm đầu vào của một trường đào tạo ngoại ngữ hàng đầu như Trường Đại học Ngoại ngữ lại sụt mạnh đến vậy.
Không chỉ thí sinh sử dụng kết quả thi tiếng Anh bị ảnh hưởng, các em xét tuyển bằng tổ hợp có môn tiếng Anh (như D01, D07, D15...) cũng gặp bất lợi rõ rệt.
Trong khi đó, các nhóm thí sinh dùng chứng chỉ quốc tế như IELTS, các tổ hợp khối A, C không có môn ngoại ngữ, hay thậm chí thí sinh dùng điểm thi tiếng Anh năm 2024... lại có lợi thế hơn hẳn trong cuộc đua vào đại học năm nay.

Các chuyên gia giáo dục nhận định, phổ điểm tiếng Anh năm nay được xem là “đẹp” theo tiêu chí phân loại thí sinh rõ ràng – điều có lợi cho công tác tuyển sinh đại học.
Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ thi tốt nghiệp, đây lại là phổ điểm “đẹp trên giấy nhưng xấu trong thực tế”, bởi áp lực dồn lên thí sinh quá lớn khi phải cạnh tranh với nhiều nhóm đối tượng sử dụng điểm xét tuyển khác nhau, trong đó có cả những nhóm có điểm đầu vào vượt trội.
Trước tình hình này, Trường Đại học Ngoại ngữ với 42 tổ hợp xét tuyển, trong đó có 6 tổ hợp kết hợp môn tiếng Anh dự báo sẽ phải linh hoạt điều chỉnh chiến lược tuyển sinh.
Điểm chuẩn vào các ngành như sư phạm tiếng Anh, sư phạm tiếng Trung vốn yêu cầu trung bình 9,7 điểm/môn năm ngoái thì năm nay được dự báo chỉ còn khoảng 23–25 điểm.
Sự biến động mạnh mẽ trong điểm sàn đầu vào đang cho thấy sức ép ngày càng lớn từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và nhu cầu cấp thiết phải đa dạng hóa phương thức tuyển sinh phù hợp với bối cảnh mới.
Trong đó, các trường đại học đặc biệt là trường chuyên về ngoại ngữ sẽ cần xem xét lại tiêu chí đầu vào sao cho vừa đảm bảo chất lượng, vừa không tạo áp lực quá mức cho thí sinh.