Để tình trạng chợ tự phát "mọc ra" làm tăng nguy cơ mất an toàn phòng dịch
(CLO) Chợ tự phát "mọc ra" tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa thương nhân trong chợ, cũng như không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩn, lẫn mất an toàn phòng, chống dịch trên địa bàn TP. HCM.
Chiều 6/12, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.
Tại buổi họp báo, đại diện Sở Công thương TP. HCM cho biết, tính đến ngày 6/12, tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường TP. HCM là 8.961,1 tấn/ngày.

Một người kéo xe đẩy bán cá ở Bình Thạnh.
Riêng tại 3 chợ đầu mối, ngày 6/12, tổng lượng hàng đưa về ước đạt 3.423,2 tấn/đêm. Mặt hàng chủ yếu là thịt gia súc, gia cầm (khoảng 741,7 tấn); thủy hải sản (khoảng 435,1 tấn); rau củ quả, trái cây (2.246,4 tấn).
Đến nay, có 2/3 chợ đầu mối (chợ Hóc Môn, chợ Bình Điền) đã tổ chức hoạt động lại sau khi xây dựng phương án phòng, chống dịch. Riêng Chợ Đầu mối Thủ Đức chỉ hoạt động điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa.
Cũng theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. HCM, hiện nay tình trạng mua bán tự xuất hiện nhiều, rất nghiêm trọng, khách mua sắm và người bán hàng tại các điểm – khu vực kinh doanh tự phát không thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Nhiều khách mua sắm để thuận tiện đã lựa chọn việc mua tại các điểm kinh doanh tự phát để không bị kiểm tra theo các quy định của chợ chính thống.

Một chợ tự phát ở Bình Thạnh. Ảnh: Thái Sơn.
Đại diện Sở cũng thông tin, các hệ thống phân phối đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cho trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách. Do vậy, hàng hóa đa dạng và phong phú về chủng loại, riêng các mặt hàng tươi sống như thịt heo, thịt bò, cá, rau củ quả phục vụ bữa ăn hàng ngày được bày bán trên quầy, kệ đầy đủ.
Hiện, tổng số chợ truyền thống đã hoạt động lại là 186/234 chợ. Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn.
Toàn TP có 106/106 siêu thị đang hoạt động; 75/3.101 cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động. Nguyên nhân các cửa hàng tiện lợi trên đóng cửa do điều động nhân sự cho siêu thị, kho, trung tâm phân phối hoặc tạm ngưng để cải tạo, sửa chữa; một số cửa hàng có doanh thu kém, không thể duy trì hoạt động.