Đề xuất cấp chứng chỉ nhà giáo: 'Đầu voi' nay thành 'đuôi chuột'

15/10/2024 19:54

(CLO) Dự thảo đầu tiên của Luật Nhà giáo đề cập rất rõ và rất dài về vấn đề cấp chứng chỉ nhà giáo được xem như một đột phá trong luật nhưng nay nội dung này đã bị rút trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.

Luật Nhà giáo đang là đề tài gây chú ý của dư luận, đặc biệt chỉ trong thời gian ngắn thông tin nội dung dự thảo của luật này đã có sự thay đổi ngoạn mục. Từ chỗ mạnh dạn đề xuất cấp chứng chỉ nhà giáo, giảm học phí cho con giáo viên, lương nhà giáo cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp thì nay nhiều nội dụng đã được rút khỏi dự thảo.

Liên quan đến chứng chỉ nhà giáo, trước đây có nhiều nhà giáo và nhà khoa học ủng hộ nhiệt tình, thậm chí nhiều người coi đó là một đột phá để đưa nghề giáo từ nghiệp dư thành nghề chuyên nghiệp như một số ý kiến từng bình luận.

de xuat cap chung chi nha giao dau voi nay thanh duoi chuot hinh 1

Đã có nhiều hội thảo liên quan đến chính sách về nhà giáo nhưng kết quả có được những chính sách đột phá hay không vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời (ảnh nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Đơn cử, PGS.TS Lê Thái Hưng Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội từng cho biết: Ở nhiều quốc gia trên thế giới, chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là một yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo rằng các giáo viên, giảng viên đủ điều kiện và có đủ năng lực, phẩm chất để giảng dạy.

Các cơ quan cấp phép yêu cầu các ứng viên phải hoàn thành một chương trình đào tạo giáo viên được công nhận, vượt qua các kỳ thi về kỹ năng cơ bản và chuyên môn, và thường xuyên cập nhật kiến thức để duy trì chứng chỉ qua các khoá đào tạo nâng cao.

Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn bảo vệ quyền lợi của người học bằng cách đảm bảo rằng họ được giáo dục bởi những người có trình độ chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp. Việc tuân thủ những yêu cầu này cũng giúp tăng cường niềm tin của xã hội vào hệ thống giáo dục và hỗ trợ sự phát triển chuyên nghiệp của giáo viên.

“Tại Việt Nam, việc đưa ra quy định bắt buộc về cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo sẽ là một thay đổi căn bản góp phần đảm bảo chất lượng đội ngũ nhà giáo viên, về cả kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp”, PGS.TS Lê Thái Hưng nhận định.

Cùng quan điểm, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, trên thế giới, một lĩnh vực nào đó trở thành một nghề thì đó là bước chuyển rất quan trọng cho một khái niệm. Để một việc làm trở thành một nghề thì đội ngũ phải được đào tạo ở trình độ đại học, phải có bộ quy tắc về đạo đức nghề nghiệp, phải có chứng chỉ hành nghề và có tổ chức nghề nghiệp.

Khi công bố dạy học là một nghề thì đương nhiên sẽ đẩy vị thế của việc dạy học đi lên và buộc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, muốn dạy học, nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề. “Điều này khẳng định, nghề giáo không phải là một hoạt động nghiệp dư nữa mà là một hoạt động chuyên nghiệp và giáo viên trở thành một nhà giáo chuyên nghiệp”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu quan điểm.

Nhìn chung, việc đề xuất cấp chứng chỉ nhà giáo từng thu hút nhiều ý kiến, trong đó có những ý kiến tán đồng. Tuy nhiên, mới đây trả lời báo chí về vấn đề này, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Đây là một nội dung mới, cần thận trọng nên ban soạn thảo đã không đưa vào dự thảo luật ở thời điểm này và sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thí điểm. Có thể nội dung này sẽ được đưa trở lại ở chu kỳ sửa đổi, bổ sung luật”.

Qua đó để thấy, có những nội dung mới đầu được xem là giải pháp đột phá thì dần dần mờ nhạt trong dự thảo luật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đề xuất cấp chứng chỉ nhà giáo: 'Đầu voi' nay thành 'đuôi chuột'
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO