Đề xuất cho Sở GD&ĐT tuyển dụng, luân chuyển giáo viên thay xã, phường
(CLO) Trước những bất cập trong tuyển dụng và luân chuyển giáo viên tại các địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh đề xuất được trao quyền chủ trì các khâu tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm giáo viên thay vì giao cho UBND cấp xã như quy định hiện hành.
Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư hướng dẫn Luật Giáo dục, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM nêu rõ: Hiện nay, việc phân quyền tuyển dụng giữa Sở và chính quyền địa phương chưa thống nhất.
Trong khi Nghị định 142 của Chính phủ trao quyền cho Sở trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự ngành giáo dục, thì Luật Tổ chức chính quyền địa phương lại giao nhiệm vụ này cho Chủ tịch UBND xã.

Thực tế triển khai tại TP HCM cho thấy nhiều bất cập nảy sinh nếu để xã, phường phụ trách công tác nhân sự giáo dục. Trong số 168 đơn vị hành chính cấp xã của thành phố, có tới 4 xã chỉ có một trường tiểu học và 19 xã chỉ có một trường THCS.
“Không thể luân chuyển cán bộ nếu mỗi địa bàn chỉ có một trường, trong khi quy định yêu cầu cán bộ quản lý không làm quá hai nhiệm kỳ ở một đơn vị”, ông Phong lý giải.
Ngoài ra, nhiều xã, phường hiện không có công chức chuyên trách giáo dục, khiến việc tuyển dụng và bổ nhiệm nhân sự càng thêm khó khăn.
Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT TP HCM kiến nghị được chủ trì tuyển dụng giáo viên hoặc giao quyền cho thủ trưởng các trường đáp ứng điều kiện.
“Sở sẽ tổ chức tập huấn, phê duyệt kế hoạch tuyển dụng, công nhận kết quả và giám sát quy trình”, ông Phong nhấn mạnh.

Với việc bổ nhiệm giáo viên các trường thuộc UBND cấp xã, Sở đề nghị Chủ tịch xã vẫn là người ký quyết định, nhưng cần có ý kiến chuyên môn từ Sở để bảo đảm chất lượng và thống nhất quản lý ngành.
Đồng quan điểm, ông Đinh Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết tỉnh này cũng vướng mắc trong điều động giáo viên sau khi chuyển sang chính quyền hai cấp.
“Giáo viên ở trường khó khăn được luân chuyển đến trường khác trong huyện cũ, nhưng nay lại thuộc hai xã khác nhau nên gặp cản trở”, ông Sơn nêu ví dụ.
Ông đề xuất Bộ GD&ĐT giao quyền điều động, luân chuyển giáo viên cho Sở nhằm đảm bảo linh hoạt và tránh rườm rà thủ tục hành chính.
Đại diện ngành giáo dục Quảng Ninh cũng chỉ ra thêm bất cập: Trong 54 đơn vị cấp xã mới của tỉnh, hơn một nửa không có cán bộ phụ trách giáo dục trong Phòng Văn hóa – Xã hội.
Do đó, đơn vị này kiến nghị Bộ GD&ĐT làm việc với Bộ Nội vụ để làm rõ vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho cán bộ ngành giáo dục cấp xã.
Trước những kiến nghị này, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, Bộ đang xây dựng thông tư hướng dẫn về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, dự kiến công bố dự thảo vào tháng 11 tới.
Bộ sẽ nghiên cứu kỹ các đề xuất để đảm bảo sự phù hợp với thực tiễn và tăng cường quyền chủ động cho ngành giáo dục như tinh thần của Luật Giáo dục vừa được Quốc hội thông qua.