Tin tức

Đề xuất chuyển thẩm quyền tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ về Chủ tịch UBND cấp tỉnh

Đăng Khoa 13/05/2025 20:29

(CLO) Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng đang được xây dựng theo hướng điều chỉnh thẩm quyền của nhiều cấp chính quyền, đáng chú ý là đề xuất chuyển thẩm quyền quyết định tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ từ Chủ tịch UBND cấp huyện về Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Chiều 13/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, gồm: Luật Quốc phòng; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Phòng không nhân dân; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Dân quân tự vệ; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh.

dsc6845_20250217085447332.jpg
Đề xuất Chủ tịch tỉnh quyết định tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ

Việc sửa đổi các luật nêu trên nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đặc biệt là những định hướng trong Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời bảo đảm sự thống nhất với Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) liên quan đến mô hình chính quyền hai cấp.

Trong nhóm nội dung sửa đổi quan trọng, đáng chú ý là đề xuất bổ sung thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền quyết định danh sách gọi công dân nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; quyết định tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ – nhiệm vụ hiện đang thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND cấp tỉnh còn được đề xuất trao quyền thành lập Hội đồng khám sức khỏe khu vực theo đề nghị của Sở Y tế.

Trong khi đó, thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã cũng được mở rộng, bao gồm quyền ra lệnh gọi từng công dân nhập ngũ, ra lệnh sơ tuyển và khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Việc chuyển giao thẩm quyền như trên là nhằm phù hợp với định hướng tổ chức lại bộ máy chính quyền theo hai cấp hành chính: tỉnh và xã, thay vì ba cấp như trước đây.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các luật chuyên ngành. Ví dụ, trong Luật Quốc phòng, điều chỉnh thẩm quyền về khu vực phòng thủ, thiết quân luật, giới nghiêm. Trong Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, quy định rõ hơn việc giải ngạch quân nhân chuyên nghiệp dự bị do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định. Trong Luật Nghĩa vụ quân sự, có tới 18 điều liên quan đến thẩm quyền được sửa đổi nhằm thống nhất với mô hình chính quyền hai cấp.

Phát biểu tại phiên thẩm định, Đại tá Nguyễn Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng) cho biết, việc sửa đổi lần này tập trung điều chỉnh vị trí, vai trò, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, đảm bảo không chồng chéo và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Dự án luật cũng tính đến tác động từ các thủ tục hành chính phát sinh để đảm bảo phù hợp thực tiễn và yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý và khả thi của dự thảo. Bà đề nghị Bộ Quốc phòng – cơ quan chủ trì soạn thảo – tiếp tục rà soát các quy định để xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng cấp, từng ngành, tránh chồng lấn, bất cập. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật liên quan đến quốc phòng và an ninh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đề xuất chuyển thẩm quyền tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ về Chủ tịch UBND cấp tỉnh
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO