Đề xuất Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI
(CLO) Chính phủ yêu cầu rà soát, nghiên cứu, đề xuất Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 745/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI của Chính phủ”.

Theo đó, Đề án được thực hiện từ năm 2025 đến năm 2031 với 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: 1. Đánh giá, tổng kết việc thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; rà soát, nghiên cứu, đề xuất Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI;
2. Xây dựng kế hoạch thực hiện Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI;
3. Nghiên cứu, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc nghiên cứu, đề xuất xây dựng mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được xác định trong Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI.
Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ đánh giá, tổng kết thực hiện Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; rà soát, đề xuất Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI theo phạm vi, lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ bao gồm: Rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021; Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 ngày 22/01/2024; Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021...
Rà soát các nghị quyết, kết luận của Đảng về các ngành, lĩnh vực để đánh giá việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cần nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Đề xuất Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI, trong đó xác định cụ thể các định hướng và nhiệm vụ xây dựng pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo lĩnh vực cần triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI; căn cứ, nội dung cần được nghiên cứu, rà soát, thể chế hoá; cơ quan chủ trì thực hiện;
Dự kiến thời hạn hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và thời hạn cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nếu có).
Đồng thời, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan tổ chức các hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm nước ngoài, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học phục vụ việc nghiên cứu, rà soát để tham mưu giúp Chính phủ xác định việc sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất xây dựng mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được xác định trong định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI, bảo đảm chất lượng, tiến độ...