Đề xuất giao Bộ GD&ĐT quản lý tất cả cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng

Thứ sáu, 19/03/2021 09:49 AM - 0 Trả lời

(CLO) Theo đó, quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng đã được trao cho một đơn vị chưa từng được giao trách nhiệm và chưa từng có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học.

Bất cập trong quản lý các trường Cao đẳng

Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam vừa có kiến nghị gửi Trường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Chính phủ đưa quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng để Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quản lý.

Trong kiến nghị Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, từ đầu năm 2017 công tác quản lý nhà nước đối với hệ cao đẳng không còn do Bộ GD&ĐT đảm nhiệm, tạo “điểm nghẽn” cản trở phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và phát triển nguồn nhân lực.

Trong khi, theo thông lệ chung hiện nay để đáp ứng hội nhập quốc tế các nước cần tuân theo “Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế” do UNESCO ban hành.

Hiện nay đào tạo cao đẳng được cho là đi ngược với thông lệ quốc tế (ảnh nguồn internet).

Hiện nay đào tạo cao đẳng được cho là đi ngược với thông lệ quốc tế (ảnh nguồn internet).

Phiên bản mới nhất là ISCED -2011, được ban hành năm 2011, có hiệu lực trên toàn thế giới từ 2014, cho tất cả thành viên UNESCO, trong đó có Việt Nam, để xác định trình độ của các chương trình giáo dục và đào tạo.

Chương trình thuộc hệ cao đẳng – cấp độ đầu tiên của giáo dục đại học thường được thiết kế nhằm cung cấp cho nguời học các kiến thức, kỹ năng và năng lực chuyên nghiệp.

Trong Luật Giáo dục nghề nghiệp (cuối 2014) ranh giới giữa giáo dục nghề với giáo dục chuyên nghiệp được che khuất bởi quan niệm “giáo dục nghề nghiệp” là “một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng…”.

Sự dịch chuyển trên dẫn tới các cơ sở giáo dục cao đẳng không được coi là cơ sở giáo dục đại học, quản lý giáo dục nghề nghiệp bị chia sẻ.

Kể từ khi các chương trình cao đẳng nghề được ra đời theo Luật Dạy nghề và được Bộ LĐTB&XH chỉ đạo thiết kế và đặc biệt, kể từ khi các trường cao đẳng (chuyên nghiệp) và cao đẳng nghề đều phải chuyển sang mô hình “cao đẳng mới hợp nhất” (khác với thông lệ quốc tế) theo Luật Giáo dục nghề nghiệp công tác đào tạo cao đẳng của Việt Nam đã và đang phạm phải ít nhất hai sai lầm rất nghiêm trọng.

Thứ nhất, khi trình độ người lao động đa số chỉ cần đạt trung học nghề là đủ (do công nghiệp chế tạo còn chưa giữ vai trò chủ chốt trong nền kinh tế của đất nước) nhưng nếu cơ quan quản lý lại nâng cấp ồ ạt các trường trung cấp nghề lên thành cao đẳng trong khi chương trình vẫn không thay đổi đáng kể theo chuẩn dẫn tới tình trạng đào tạo “siêu tốc”, thí dụ như hình thức đào tạo đang được quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông “tốt nghiệp trung học cơ sở, học 3 năm có bằng cao đẳng, nhận danh hiệu kỹ sư thực hành”.

Đây là hiện tượng chạy đua theo hư danh để rồi tạo ra nguồn lực không tương xứng với trình độ đào tạo, không phù hợp với thông lệ chung của thế giới và hậu quả là nguồn nhân lực của ta sẽ không được thế giới công nhận.

Do đó cần phải làm rõ, khi nâng trình độ học vấn của chương trình đào tạo cần song song thực hiện nâng đẳng cấp của trường, cấp độ đào tạo lên để bằng tốt nghiệp phù hợp với trình độ đào tạo.

Còn nếu chỉ cố gắng chạy theo “phong trào” chạy đua lên cao đẳng để “câu kéo” người học nhưng không đảm bảo thời gian học và nội dung học cần thiết đương nhiên sẽ đào tạo ra loại nhân lực rởm, gây tổn hại cho uy tín và chất lượng của nguồn nhân lực do chúng ta đào tạo ra.

Thứ hai, thời gian qua có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa Cao đẳng nghề với Cao đẳng chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo.

Cao đẳng nghề đào tạo nguồn lao động trực tiếp sản xuất nên chương trình có thể có tỷ lệ thời gian học lý thuyết – thực hành khoảng 30:70 là phù hợp, nhưng cao đẳng chuyên nghiệp đào tạo ra các kỹ thuật viên đòi hỏi phải có tỷ lệ tương xứng giữa thời gian học lý thuyết và thực hành của người học chứ không phải giống như cao đẳng nghề.

Theo thông lệ chung (cả Việt Nam và thế giới), Giáo dục nghề đào tạo nhân lực trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tức là đào tạo thợ và nhân viên, trong khi Giáo dục chuyên nghiệp đào tạo chuyên gia các loại (kỹ thuật viên, cán sự, giáo viên, kỹ sư, chuyên viên, bác sĩ, luật sư,..).

Việc nhầm lẫn mục tiêu đào tạo dẫn tới quy định hợp nhất giữa Giáo dục nghề với Giáo dục chuyên nghiệp để thành cái gọi là “Giáo dục nghề nghiệp” theo kiểu “đào tạo nghề” như chỉ đạo vừa qua của Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp dẫn tới thủ tiêu nguồn nhân lực “kỹ thuật viên”, làm méo mó cơ cấu nguồn nhân lực cần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, nguyên nhân của các sai lầm nghiêm trọng đó:

Một là, đào tạo cao đẳng đã bị tách ra khỏi bậc giáo dục đại học để quy về một bậc học không có trong thực tế, trái ngược với thông lệ quốc tế.

Hai là, quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng đã được trao cho một đơn vị chưa từng được giao trách nhiệm và chưa từng có kinh nghiệm quản lý GDĐH.

Nói theo tinh thần Nghị quyết XIII, những vấn đề kể trên đang là “điểm nghẽn” gây khó khăn cho công tác hướng nghiệp, phân luồng và liên thông; khó khăn trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể về giáo dục đào tạo; hạn chế trong tuyển sinh đào tạo, kiểm định chất lượng;

Chồng chéo trong quản lý. Và trên hết là làm biến dạng và cản trở “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” như kỳ vọng của Đảng, của dân.

Chuyển các Trường Cao đẳng chuyên nghiệp về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý

Theo Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, một trong những bài học của đổi mới được Đại hội Đảng XIII chỉ ra phải “giải quyết kịp thời có hiệu quả” những “vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn”.

Đối với giáo dục một trong những nảy sinh đó là công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng.

Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam xin đươc kiến nghị tới các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: “Quốc hội sớm điều chỉnh các Luật về giáo dục (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp) theo các định hướng:

Đưa trình độ cao đẳng về trở lại bậc giáo dục đại học.

Đổi tên Luật Giáo dục nghề nghiệp thành Luật giáo dục nghề với các trình độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao cấp nghề.

Khuyến khích phát triển trung học nghề, chấp nhận sự tương đương giữa 2 bằng trung học phổ thông và trung học nghề như ở ISCED-11 để trên cơ sở đó thực hiện sự phân luồng triệt để học sinh sau trung học cơ sở.

Đưa quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng về chung một đầu mối với các cấp độ khác thuộc giáo dục đại học, tức là về lại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với tinh thần “xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” như chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết XIII, Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam trân trọng đề nghị các cấp lãnh đạo có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo tập trung quản lý nhà nước về giáo dục đại học vào một đầu mối;

Giao Bộ GD&ĐT quản lý nhà nước đối với tất cả các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng.

Theo tinh thần của Nghị quyết 19 Ban CHTW Khóa 12 một lĩnh vực giáo dục chỉ nên giao cho một cơ quản quản lý nhà nước thì mới hiệu quả và không xảy ra xung đột.

Trinh Phúc

Tin khác

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục
Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

(CLO) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định vừa tổ chức trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024 dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Giáo dục
Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

(CLO) Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, cán bộ, công chức và người lao động ngành giáo dục Hà Nội được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).

Giáo dục
Học sinh có 5 ngày để thử nghiệm đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

Học sinh có 5 ngày để thử nghiệm đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

(CLO) Từ ngày 24 đến 28/4, học sinh lớp 12 trên cả nước thực hành thử nghiệm đăng ký dự thi trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên hệ thống quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo dục
Ngày mai học sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

Ngày mai học sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Ngày 24/4, học sinh lớp 12 trên cả nước có thể thử đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên hệ thống quản lý thi.

Giáo dục