Đề xuất miễn bồi hoàn học phí với du học sinh gặp sự cố bất khả kháng
(CLO) Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 86/2021/NĐ-CP về việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật, với nhiều điểm điều chỉnh quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc thực tiễn và tăng tính nhân văn trong quản lý du học sinh sử dụng ngân sách nhà nước.
Một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo là đề xuất miễn nghĩa vụ bồi hoàn chi phí đào tạo với du học sinh học bổng ngân sách nhà nước gặp hoàn cảnh bất khả kháng, không thể hoàn thành chương trình học.
Ba nhóm đối tượng được đề xuất xét miễn gồm: Du học sinh gặp chiến sự, thiên tai, dịch bệnh tại địa điểm học, có xác nhận của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại. Du học sinh mắc bệnh nặng hoặc vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, có hồ sơ bệnh án từ cơ sở y tế có thẩm quyền trong nước hoặc quốc tế, xác nhận không thể tiếp tục học tập. Du học sinh mắc bệnh hiểm nghèo hoặc từ trần, có hồ sơ y tế hợp lệ.

Đây được xem là bước điều chỉnh cần thiết và mang tính nhân văn, giảm áp lực tài chính với các trường hợp rơi vào hoàn cảnh đặc biệt ngoài ý muốn, phù hợp thông lệ quốc tế.
Theo quy định hiện hành, du học sinh phải nộp lại toàn bộ chi phí đào tạo một lần trong vòng 120 ngày kể từ khi có quyết định thu hồi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số tiền học bổng rất lớn, việc yêu cầu thanh toán gấp dễ gây khó khăn, nhất là với những người mới về nước hoặc chưa có việc làm.
Dự thảo sửa đổi theo hướng gia hạn thời gian hoàn trả: Trong vòng 120 ngày kể từ khi nhận thông báo từ cơ quan quản lý, du học sinh (hoặc gia đình) phải bắt đầu hoàn trả, nhưng tổng thời gian trả có thể kéo dài bằng thời gian đào tạo đã được cấp học bổng.
Chi phí bồi hoàn cũng được chuyển về nộp cho ngân sách nhà nước theo phân cấp quản lý, thay vì tài khoản riêng tại kho bạc như trước, đảm bảo thống nhất và minh bạch tài chính công.
Dự thảo cũng quy định rõ, du học sinh đã tốt nghiệp nhưng ở lại nước ngoài học lên hoặc thực tập sẽ không được cấp vé máy bay về nước, và chỉ được phép ở lại nếu có sự đồng ý từ cơ quan cử đi học hoặc quản lý trực tiếp.
Quy định này nhằm tránh tình trạng học xong không quay về làm việc theo cam kết, gây lãng phí nguồn lực ngân sách và mất cân đối phân bổ nhân sự theo kế hoạch nhà nước.
Bên cạnh những điểm nêu trên, dự thảo nghị định sửa đổi còn hướng đến đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tuyển sinh, quản lý và cấp giấy phép liên quan đến du học sinh. Siết chặt điều kiện hoạt động của tổ chức dịch vụ tư vấn du học, nâng cao chất lượng, tránh tình trạng lừa đảo hoặc thiếu minh bạch. Cuối cùng là rà soát lại trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phối hợp quản lý công dân ra nước ngoài học tập.
Việc sửa đổi Nghị định 86/2021/NĐ-CP lần này được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện trên cơ sở đánh giá thực tiễn sau hơn 2 năm áp dụng, phản ánh đúng nhu cầu quản lý hiện đại, linh hoạt và có trách nhiệm đối với công dân được hưởng chính sách du học bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Với những thay đổi được đề xuất, dự thảo kỳ vọng sẽ vừa nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách công, vừa gỡ khó cho du học sinh trong những tình huống đặc biệt, đồng thời siết chặt kỷ luật với các trường hợp vi phạm nghĩa vụ sau khi được nhà nước đầu tư đào tạo.
Dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ người dân, chuyên gia và các cơ quan quản lý trước khi trình Chính phủ xem xét, thông qua.