Tin tức

Đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia

Nguyễn Hường 20/05/2025 14:18

(CLO) Quỹ Nhà ở quốc gia sẽ thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê.

Ngày 20/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, việc xây dựng Nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh hiện nay.

Nghị quyết nhằm tạo cơ chế ưu đãi hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; thúc đẩy sự phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, Nghị quyết có tác động kép: giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp, gắn với việc hoàn thành mục tiêu thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; cân đối cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa bất động sản, từ đó tác động hạ giá thành phân khúc nhà ở thương mại, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh hơn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày dự thảo Nghị quyết.

Theo Bộ trưởng, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 657 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 597.152 căn.

Trong đó, 103 dự án dự án hoàn thành với quy mô 66.755 căn; 140 dự án dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 124.352 căn; 414 dự án dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 406.045 căn.

“Với số lượng 66.755 căn hộ hoàn thành, đến nay mới đạt khoảng 15,6% mục tiêu của Đề án đến năm 2025”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề cập thực tế thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không sử dụng vốn đầu tư công còn phức tạp, kéo dài.

Theo ước tính trong trường hợp dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân đã có quy hoạch xây dựng được duyệt, đã có chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và được đưa vào danh mục, kế hoạch sử dụng đất của địa phương thì thời gian để thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư theo pháp luật về đấu thầu (sau khi đã chấp thuận chủ trương đầu tư) là khoảng gần 300 ngày.

Tại một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, trong trường hợp triển khai linh hoạt các thủ tục song song và áp dụng thời gian thực hiện tối thiểu theo quy định thì tổng thời gian thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp mời quan tâm có từ 2 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu cũng là trên 200 ngày.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, hoàn thành mục tiêu Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, bảo đảm “nguyên tắc một việc chỉ do một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm”, Chính phủ đề xuất thí điểm: UBND cấp tỉnh giao chủ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao chủ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân sau khi được UBND cấp tỉnh thống nhất bằng văn bản danh mục dự án, vị trí khu đất để đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; trình tự, thủ tục giao Chính phủ quy định chi tiết.

Thời gian thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu đề xuất tại dự thảo Nghị quyết dự kiến tối đa 75 ngày, cắt giảm được khoảng 200 ngày, tương ứng khoảng 70% thời gian thực hiện so với quy định hiện hành.

Đáng lưu ý, dự thảo Nghị quyết còn đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia (Điều 4). Theo đó, Quỹ Nhà ở quốc gia là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương.

2(1).jpg
Các Đại biểu Quốc hội dự phiên họp.

Quỹ được hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp, tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công và các nguồn huy động hợp pháp khác. Quỹ thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê.

Giải thích về đề xuất này, theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, Việt Nam chưa có quỹ nhà ở quốc gia hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở xã hội đảm bảo dài hạn, bền vững.

Hiện nay, cả nước chỉ có một số quỹ phát triển nhà ở như: Quỹ phát triển nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương, Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Đồng Nai, Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,… Các quỹ này có chức năng và hoạt động chủ yếu là cho vay đối tượng có thu nhập thấp để tạo lập nhà ở; cho vay các dự án nhà ở thuộc chương trình nhà ở của địa phương; cho vay vốn đối với các hộ gia đình, cá nhân xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho công nhân thuê; đầu tư trực tiếp tạo lập quỹ nhà ở xã hội, quản lý quỹ nhà ở xã hội, nhà tái định cư; quản lý, khai thác các khu nhà lưu trú công nhân... Tuy nhiên, do nguồn vốn hoạt động của quỹ phát triển nhà ở còn hạn chế, nên hầu hết quỹ phát triển nhà ở địa phương đã sáp nhập vào quỹ đầu tư phát triển địa phương.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO