Đề xuất truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
(CLO) Bộ Nội vụ vừa đề xuất xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật khi phát hiện hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Bộ Nội đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Các trường hợp bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
Theo dự thảo, các trường hợp bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại điểm g Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội được đề xuất quy định như sau:
1. Không đăng ký tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đối với khoản tiền lương để ngoài sổ kế toán.
2. Người sử dụng lao động sử dụng giấy tờ, tài liệu, thông tin không có thật để được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Các trường hợp không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại khoản 4 Điều 38, khoản 2 Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội được đề xuất quy định như sau:
1. Người sử dụng lao động đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng thời hạn do gặp phải sự cố khách quan không thể lường trước được và khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
2. Người sử dụng lao động không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp do gặp phải sự cố khách quan không thể lường trước được và khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
Theo dự thảo, khi phát hiện hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng đồng thời các biện pháp xử lý sau:
Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.