Kinh tế

Đề xuất Việt Nam có sàn giao dịch công nghệ

Định Trần 20/05/2025 17:18

(CLO) Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia toàn diện, trong đó có sự tham gia tích cực của các trường đại học, tổ chức sở hữu trí tuệ và các sàn giao dịch công nghệ…

Trong suốt 40 năm đổi mới, Việt Nam luôn coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tiềm năng to lớn của lĩnh vực này vẫn chưa được khai thác triệt để, chưa đóng góp tương xứng vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất lao động.

Trong bối cảnh toàn cầu biến động nhanh chóng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo không còn là lựa chọn mà là con đường bắt buộc nếu Việt Nam muốn bứt phá.

image-20231010163231-1(1).jpeg
Việt Nam cần có sàn giao dịch công nghệ. (Ảnh: ST)

Những chủ trương lớn như Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hay Nghị quyết số 193 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho lĩnh vực này, thể hiện rõ quyết tâm chính trị, đồng thời mở ra cơ hội “vàng” để Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển mới.

PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho rằng: Nghị quyết 57 đã “khoán” 10 điểm mới, có thể tạo ra bước ngoặt cho khoa học công nghệ trong nước bứt phá.

Dẫn ví dụ từ các nền kinh tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) hay Israel, những quốc gia không sở hữu tài nguyên thiên nhiên dồi dào, ông Tích cho rằng, sự bứt phá của họ đến từ đầu tư mạnh mẽ vào khoa học công nghệ, giáo dục chất lượng cao, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hiệu quả và thương mại hóa tri thức.

Các quốc gia này thành công vì biết cách biến tri thức thành giá trị thông qua các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao, phát triển công nghiệp công nghệ và xuất khẩu chất xám.

Trong khi đó, tại Việt Nam, tỷ lệ giá trị gia tăng do chính người Việt Nam tạo ra trong tổng GDP vẫn còn thấp (khoảng 40%), chi tiêu cho khoa học công nghệ vẫn ở mức thấp, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn yếu, thiếu liên kết giữa nghiên cứu – ứng dụng – thị trường…

Ông Tích cho rằng muốn đạt được sự phát triển vượt bậc như các nước tiên tiến, Việt Nam cần thay đổi tư duy căn bản, đặc biệt là về văn hóa đổi mới sáng tạo.

“Nếu không chấp nhận cái mới, không chấp nhận thất bại trong quá trình thử nghiệm, chúng ta sẽ không thể phát triển công nghệ cao”, ông Tích nhấn mạnh.

Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia toàn diện, trong đó có sự tham gia tích cực của các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức tài trợ công nghệ, tổ chức sở hữu trí tuệ và các sàn giao dịch công nghệ…

TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Tự động hóa Việt Nam chỉ ra nhiều điểm nghẽn, trong số đó có cơ chế sở hữu kết quả nghiên cứu. Ở các nước, nhà khoa học đương nhiên sở hữu kết quả nghiên cứu, kể cả khi sử dụng ngân sách nhà nước. Nhưng ở Việt Nam, nhà nước cấp tiền thì nhà nước giữ quyền sở hữu, khiến nhà khoa học không thể thương mại hóa nghiên cứu, không thể chuyển giao cho doanh nghiệp – dẫn đến lãng phí...

Theo TS Nguyễn Quân, những quy định tại Nghị quyết 57 và Nghị quyết 193 đã gần hơn với thông lệ quốc tế. Các cơ chế như khoán chi, đặt hàng nghiên cứu, quỹ đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro… đều là nền tảng cho một môi trường khoa học công nghệ năng động, điều làm cho các quốc gia thành công trong việc phát triển khoa học, công nghệ.

“Tôi thấy lãnh đạo cấp cao rất quyết tâm, quyết liệt, nhưng cấp cơ sở, cấp trung gian chưa có sự chuyển biến mạnh tương xứng. Nhiều địa phương vẫn đang loay hoay xây dựng chương trình hành động và tổ chức quán triệt Nghị quyết, trong khi một số nội dung có thể triển khai ngay lập tức”, TS Nguyễn Quân nói.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đề xuất Việt Nam có sàn giao dịch công nghệ
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO