Đề xuất xếp lại bảng lương nhà giáo: Hướng đến chế độ đãi ngộ xứng tầm với nghề trồng người
(CLO) Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp và chế độ hỗ trợ đặc thù cho đội ngũ nhà giáo.
Một trong những nội dung quan trọng là đề xuất xếp lại bảng lương với nhiều chức danh, bảo đảm mức thu nhập cao hơn, phù hợp vị thế và tính đặc thù của nghề dạy học.

Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, đề xuất này là bước cụ thể hóa Luật Nhà giáo – vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Trong đó, giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV… sẽ được xếp lại lương theo hướng tăng cường tính đặc thù và tạo động lực cống hiến.
“Lương nhà giáo phải cao nhất trong hệ thống”
Luật Nhà giáo quy định rõ: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” - một khẳng định mạnh mẽ thể hiện sự ghi nhận và tôn vinh vai trò của nhà giáo. Để hiện thực hóa quy định này, dự thảo Nghị định của Bộ GD&ĐT đề xuất áp dụng hệ số lương đặc thù từ 1,1 đến 1,6 tùy theo cấp học và trình độ, giúp thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa giáo viên trẻ và giáo viên lâu năm, đồng thời cao hơn mặt bằng chung của viên chức các ngành khác.
Hiện nay, khoảng 90% nhà giáo đang hưởng lương theo hệ số thấp hơn so với viên chức các ngành như y tế, khoa học công nghệ, văn hóa – thể thao… Điều này chưa phản ánh đúng mức độ phức tạp, tính đặc thù và áp lực nghề nghiệp của ngành giáo dục – vốn đòi hỏi cống hiến thầm lặng, dài hơi.
Hàng loạt chính sách hỗ trợ và thu hút nhân lực chất lượng cao
Bên cạnh cải cách bảng lương, Luật Nhà giáo còn thiết kế hệ thống phụ cấp và chế độ hỗ trợ đồng bộ, từ phụ cấp ưu đãi, thâm niên, trách nhiệm, đến hỗ trợ thuê nhà ở công vụ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp, đào tạo – bồi dưỡng thường xuyên… Đặc biệt, giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới, trường chuyên biệt hoặc dạy học hòa nhập sẽ được hưởng mức lương và phụ cấp cao hơn, mang tính khuyến khích rõ nét.

Đối với giáo viên giỏi, người có trình độ cao, tài năng, hoặc có năng khiếu đặc biệt, chính sách thu hút – trọng dụng sẽ được ưu tiên triển khai, tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp, tiếp cận cơ hội đào tạo, đề bạt, tuyển dụng linh hoạt.
“Đây là bước đi mang tính đột phá, thể hiện sự chăm lo thực chất của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo, đồng thời là giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương hiện nay”, ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh.
Khi chính sách lương “xứng tầm” được thực thi, người thầy sẽ không chỉ là người truyền dạy kiến thức mà còn là trung tâm của đổi mới giáo dục, là nhân tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Đó cũng là điều mà xã hội kỳ vọng, và ngành giáo dục đang nỗ lực từng bước để hiện thực hóa.