Đề xuất xử phạt nghiêm hành vi trục lợi nhà ở xã hội: Phạt 50%, thu hồi nhà
(CLO) Tổng giám đốc Công ty cổ phần G-Home cho biết, trường hợp phát hiện gian dối, đề xuất phạt đến 50% giá trị căn hộ hoặc thu hồi quyền sở hữu nhà ở xã hội nếu cố tình trục lợi.
Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản (VARs), phân khúc nhà ở xã hội đang có những chuyển biến tích cực.
Lũy kế từ năm 2021 đến nay, đã có 117 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với quy mô 85.275 căn, tăng 28% so với thống kê hồi tháng 3. Cả nước hiện có 159 dự án đã khởi công xây dựng với tổng quy mô 135.563 căn và 419 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô lên tới 419.013 căn hộ.
Đầu vào đang dần được tháo gỡ, nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án nhà ở xã hội. Đầu ra cũng có chuyển biến tích cực, hồ sơ xin mua nhà ở xã hội tại một số địa phương tăng trưởng đột biến.

Riêng 5 tháng đầu năm 2025, cả nước đã hoàn thành 22.619 căn hộ, đạt 22,6% so với mục tiêu 100.000 căn trong năm. Đồng thời, có 21 dự án được khởi công với quy mô 20.418 căn.
Trong khí đó, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2025 đến nay, Bộ Xây dựng đã tổ chức 25 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương.
Sau khi đi kiểm tra, Đoàn đã ban hành thông báo đề nghị các địa phương quyết liệt triển khai, đảm bảo hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Kết quả đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ đầu năm 2025 đến nay có nhiều tín hiệu tích cực: Trên cả nước đã khởi công 25 dự án với quy mô 23.098 căn, đã hoàn thành 26.152/100.000 căn nhà ở xã hội.
Mặc dù nguồn cung đang có nhiều chuyển biến tích cực, thế nhưng kết quả triển khai Đề án phát triển nhà ở xã hội vẫn cách khá xa mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp cụ thể, nhằm tạo thêm nguồn cung mới cho phân khúc này.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần G-Home cho biết, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ năm 2024, và gần đây nhất Quốc hội thông qua Nghị quyết 201/2025/QH15, Chính phủ cũng đã nhanh chóng ban hành Nghị định 192 quy định chi tiết Nghị quyết này, có hiệu lực từ 1/7, đã “cởi trói” các vướng mắc thực tế cho người dân mua dự án và doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai phân khúc này vẫn còn một số vấn đề cần tháo gỡ.
Thứ nhất, nhiều địa phương rất chậm trễ trong việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Do đó, cần yêu cầu các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương khi ban hành Kế hoạch sử dụng đất hàng năm phải bố trí 20% quỹ đất tương ứng với tổng quỹ đất ở để làm nhà ở xã hội.
“Nếu tuân thủ được “kỷ luật” này, quỹ đất dành cho nhà ở xã hội sẽ luôn được bền vững và tỷ lệ với tốc độ đô thị hoá”, ông Nam nói.
Thứ hai, nhóm đối tượng “người thu nhập thấp tại khu vực đô thị” đang gặp rất nhiều khó khăn khi đi xác nhận đối tượng và chứng minh thu nhập (UBND cấp phường/thị trấn xác nhận) bởi UBND phường không nắm được thu nhập nên không dám xác nhận hoặc xác nhận không liên quan đến thu nhập người dân dẫn đến hồ sơ của dân bị Sở Xây dựng loại.
Đồng thời khi sắp xếp lại bộ máy đã bỏ cấp thị trấn và đổi thành cấp xã vì vậy những người dân có hộ khẩu tại các thị trấn cũ bây giờ có hộ khẩu tại xã, mà xã không phải là khu vực đô thị dẫn đến rất nhiều người dân thuộc đối tượng này từ 1/7/2025 không thuộc diện được mua nhà ở xã hội.
Trong bối cảnh đó, ông Nam kiến nghị Chính phủ cần ban hành Nghị định hoặc Thông tư hướng dẫn thống nhất việc xác nhận đối tượng và chứng minh thu nhập cho đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị, giao trách nhiệm cụ thể cho UBND cấp phường/xã, đảm bảo quy trình minh bạch, dễ thực hiện.
Ngoài ra, thay vì yêu cầu “xác minh trước” quá chặt, có thể áp dụng cơ chế hậu kiểm để giảm tải thủ tục hành chính, khuyến khích người dân trung thực kê khai.
Trường hợp phát hiện gian dối, có chế tài xử phạt nghiêm minh, ông Nam đề xuất phạt đến 50% giá trị căn hộ hoặc thu hồi quyền sở hữu nhà ở xã hội nếu cố tình trục lợi.
Cùng với việc thúc đẩy phân khúc Nhà ở xã hội, Nhà nước cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như đường vành đai, metro, cao tốc để mở rộng không gian đô thị, tạo nền tảng cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở thương mại, giúp người dân có nhiều lựa chọn nhà ở với giá phù hợp hơn.
Đồng thời, nghiên cứu các cơ chế, chính sách để “nắn” dòng tiền vào các phân khúc bất động sản nhà ở phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân, để ngăn chặn rủi ro tài chính và đảm bảo dòng vốn được phân bổ hiệu quả.
“Các doanh nghiệp cũng cần tích hợp các yếu tố xã hội vào chiến lược kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc xây dựng các dự án có giá trị bền vững cho cộng đồng như nhà ở xã hội, không chỉ vì lợi nhuận”, ông Nam nói.