Đền bù GPMB dự án đường liên kết vùng đi hồ Suối Lạnh: Đã xem xét thấu tình, đạt lý ?
Dự án đường kết nối từ đường liên kết vùng đi hồ Suối Lạnh xã Thành Công, TP Phổ Yên (Thái Nguyên) là chủ trương lớn và được người dân địa phương ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn những kiến nghị, phản ánh rất cần chính quyền sở tại làm rõ, nhằm ‘cởi bỏ’ thắc mắc cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng của hộ dân khi bị thu hồi đất.
Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, dự án tuyến đường nối từ đường liên kết vùng đi hồ Suối Lạnh xã Thành Công là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp III, được phê duyệt tại Quyết định số 10.408/QĐ-UBND ngày 05/12/2023 của UBND thành phố Phổ Yên với tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh gần 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.


Dự án nhận được sự đồng thuận cao của hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng tới tài sản, đất đai, hoa màu… trong đó có gia đình ông Nguyễn Hứa Dương, xóm Nhe, xã Thành Công, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Trình bày với báo Nhà báo và Công luận, ông Dương cho biết: Kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi đất số 1571/QĐ/UBND, gia đình ông hoàn toàn ủng hộ, đặc biệt khi nghe Chủ tịch thành phố Phổ Yên chia sẻ về tầm quan trọng và gấp rút hoàn thành của tuyến đường trước ngày 30/04/2025, gia đình đã phối hợp di chuyển 3.700 con lợn đang ở độ tuổi lớn (70kg/con) chưa tới tuổi xuất chuồng, nhằm tạo điều kiện cho đơn vị thi công thực hiện dự án.
Tuy nhiên, việc phê duyệt phương án dự toán bồi thường, cách tính đền bù của chính quyền địa phương là không thỏa đáng, không phù hợp với thực tế. Số tiền hỗ trợ đền bù quá thấp so với số tiền gia đình đã bỏ ra đầu tư xây dựng và nhiều năm qua đang vận hành ổn định.


Nói về lịch sử nguồn gốc đất, ông Dương cho rằng, gia đình khai hoang đất từ năm 1983 và được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1997. Trong tổng 6.906 m2 có 1.630m2 đất ở nông thôn (thổ cư) và 5.276 m2 đất canh tác. Toàn bộ diện tích là liền 1 thửa và không có định vị nên gia đình đã xây dựng nhà ở, các công trình phục vụ đời sống từ năm 1995 đến nay không hề có ý kiến gì từ phía chính quyền địa phương.
“Nhưng nay khi tuyến đường đi qua thì gia đình tôi nhận được thông báo đã xây sai vị trí, không nằm trên đất thổ cư hoàn toàn, và tuyến đường đi qua một phần ngôi nhà thì chỉ đền bù một phần đó. Toàn bộ phần còn lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu của ngôi nhà, có thể bị sập nhưng không được đền bù. Như vậy gia đình tôi nhận thấy không thỏa đáng và chưa hợp lý” – ông Dương cho biết thêm và đề nghị chính quyền hỗ trợ đền bù tái định cư để gia đình gồm 8 nhân khẩu có sinh kế sau khi bị thu hồi đất.
Lý giải về việc vì sao để người dân xây dựng sai vị trí đất mà không hề có sự can thiệp nào của chính quyền địa phương nhiều năm liền, dẫn tới hậu quả lớn như hiện nay, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công cho rằng: UBND xã Thành Công chưa bao giờ lập biên bản vi phạm hành chính đối với gia đình ông Dương, bởi trước khi công bố dự án, ông Dương xây dựng các công trình chúng tôi (Chủ tịch, Phó chủ tịch xã) chưa tiếp nhận công việc (năm 2021) và nhà ông ấy là một khu riêng biệt nên không vào kiểm tra được mà chỉ căn cứ vào họp hội đồng dân cư xác định thời điểm?
Trao đổi về những kiến nghị của người dân, ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên cho biết: Dự án tuyến đường nối từ đường liên kết vùng đi hồ Suối Lạnh xã Thành Công đầu tư với số vốn điều chỉnh gần 100 tỷ đồng. Đến nay, khối lượng cơ bản xong, chỉ còn phần gia đình nhà ông Dương đang thắc mắc về chế độ bồi thường.




Đây là trang trại tương đối lớn, bởi vậy từ tháng 10 - 11/2024 chính quyền đã họp phổ biến chính sách, thông báo thu hồi đất đến hộ gia đình....Chúng tôi ghi nhận gia đình ông Dương rất phối hợp trong quá trình kê khai, kiểm đếm toàn bộ tài sản trên phạm vi khu đất. Lúc đầu kê khai tổng thể thì tính toán hơn 20 tỷ tiền bồi thường GPMB, nhưng ranh thu hồi chỉ khoảng 3.600m2 (trong đó có 800m2 đất ở) đi qua cả 3 trang trại và 1 phần nhỏ diện tích nhà ở hiện tại, nên chỉ đền bù theo ranh thu hồi.
“Nhà bác ấy có 3 trang trại, thì con đường cắt chéo trang trại số 1, 2 còn mỗi bên khoảng 100m, thì áp dụng chính sách phá dỡ và thu hồi toàn bộ, còn trang trại khoảng 2.000m2 chuẩn tiêu chuẩn, rất đẹp nhưng con đường chỉ vào 50m, chéo đúng góc nên chỉ hỗ trợ để bác ấy xây lại chứ không thể đền bù theo ý kiến bác ấy cho rằng, đây là chuồng kín, không thể chăn nuôi tiếp và phải đền bù hết. Nếu thu hồi thế thì trái quy định’’ – ông Thịnh nói.
Cũng theo ông Thịnh, gia đình ông Dương yêu cầu hỗ trợ 30% thu nhập của 3 năm liền kề. Chính sách là có nhưng áp dụng với gia đình ông Dương thì không được, bởi gia đình chưa bao giờ nộp thuế thu nhập cho nhà nước nên khó có cơ sở hỗ trợ.
Về kiến nghị đền bù tái định cư đối với nhà ông Dương, Chủ tịch TP Phổ Yên cho biết: Hôm chúng tôi tổ chức đối thoại nhưng ông ấy không ra. Trong diện tích thu hồi có diện tích đất ở hơn 800m2 đất ở, đương nhiên gia đình không thuộc trường hợp tái định cư vì còn đất nhiều nhưng có thể xem xét bồi thường bằng đất hoặc giao đất có thu tiền. Vì mặc dù còn 800m2 đất ở nhưng không liền thửa, quan trọng là đất ở đây đã vào dự án (dự án sân golf giai đoạn 2 và khu đô thị) nên không thể cho xây dựng nhà cửa hay chuyển đổi mục đích trong phạm vi này, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng. Trong trường hợp nhà ông Dương còn 3 thế hệ đang sinh sống tại đây, mà hạn mức của xã Thành Công là 400m2/khẩu, trong trường hợp này nếu giao đất có thu tiền, người dân đề nghị và Thành phố có quỹ đất thì có thể xem xét ở khu khác với điều kiện gia đình chấp hành...
Ở diễn biến mới nhất, UBND TP Phổ Yên đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất (QĐ 3944/QĐ-UBND ngày 10/4/2025) với gia đình ông Dương. Còn phía người dân thì cho biết, sẽ tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan Trung ương và tỉnh Thái Nguyên để đòi quyền lợi chính đáng của mình.
Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin./.