Đời sống

Dép lốp - giá trị trao truyền từ lịch sử đến hiện đại

Nam Nguyên 23/05/2025 10:04

(CLO) Xuất phát điểm là một người không có sự am hiểu về dép lốp, ông Nguyễn Tiến Cường đã quyết định “rẽ ngang” làm dép lốp nối theo bước chân của bố vợ. Với mong muốn mãnh liệt sản phẩm dép lốp sẽ là biểu trưng của Việt Nam, giá trị văn hóa, lịch sử được nhiều nước trên thế giới biết đến.

Từ bỏ vị trí lãnh đạo về làm dép lốp

Vào những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi có dịp trò chuyện với Nguyễn Tiến Cường, CEO của thương hiệu “Vua dép lốp” trong khuân viên của bảo tàng Hồ Chí Minh (19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội). Tại đây, những đôi dép lốp vẫn được sản xuất thủ công để tạo ra giá trị, sứ mệnh lịch sử của nó. Trong cuộc chia sẻ, Cường cởi mở kể về cái duyên đến với con đường làm dép lốp của bản thân cũng như phương phướng phát triển.

Năm 2014, bố đẻ Cường đột ngột qua đời, sự ra đi đó khiến anh nhận ra cuộc đời quá ngắn ngủi, đời người trôi qua nhanh nên mình cần phải làm những điều mình thích và có y nghĩa. Công việc của Cường thời điểm đó là vị trí phó giám đốc công ty phần mềm và mức lương hàng nghìn USD. Vị trí PGĐ công ty phần mềm là sự phấn đấu, nỗ lực, “ước ao” của nhiều người nhưng ông Cường vẫn quyết định “đổi hướng” để lưu giữ, trao truyền và phát triển thương hiệu dép lốp.

“Gia đình ai cũng rất lo lắng cho bản thân mình là hâm, dở. Công việc đang ổn định mà bỏ việc theo bố vợ làm dép lốp. Bản thân bố vợ tôi cũng là nghệ nhân mà còn khó sống với nghề thì 1 tay mơ như tôi làm sao có thể sống bằng nghề”. Nguyễn Tiến Cường chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo và Công luận.

Nghệ nhân Phạm Quang Xuân là người làm lại đôi dép cao su của Bác Hồ, hiện đang được trưng bày trong Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông Xuân từng là công nhân xí nghiệp dép lốp Hà Nội. Sau này khi đất nước thống nhất, xí nghiệp giải thể, ông túc tắc làm dép tại nhà nhưng không đủ sống. Cuối cùng, ông phải lăn lộn với nhiều nghề như sửa đồng hồ, trang trí nội thất, dán để giày…để tiếp tục mưu sinh. Thấy cái khổ của nghề làm dép lốp nên khi con rể quyết định từ bỏ công việc nhiều người mơ ước để chuyển sang làm dép lốp thì ông Xuân kịch liệt phản đối.

Không được bố vợ hỗ trợ, chỉ đường Cường đành đi "đường vòng". Anh đến khắp các bảo tàng để tìm hiểu đâu là đôi dép Bác Hồ, đâu là đôi dép bộ đội ta đi trong thời chống Pháp, chống Mỹ. Anh cũng lặn lội khắp các tỉnh thành trên toàn quốc, nghe ở đâu có thợ làm dép cao su là Cường tìm tới học hỏi. Mỗi chuyến đi, mỗi người thợ làm dép cao su mà Cường tiếp xúc dần dần cho anh hiểu về cách thức sản xuất và cải tiến sản phẩm tốt, hiệu quả.

Thấy Cường vất vả ngày đêm đi tìm thợ bố vợ anh cũng lay động và đồng ý đi cùng anh trong những chuyến hành trình về cách tỉnh thành để tìm thợ để làm dép lốp. Ông Xuân cũng trực tiếp đứng ra đào tạo, để những người thợ trước nay chỉ quen với mấy đôi dép thô kệch, nắm được kỹ thuật làm hàng "tuyển". Năm 2014, anh Cường thành lập tập đoàn dép cao su cùng thương hiệu sản phẩm "Vua Dép Lốp" chính thức ra đời.

Theo anh Nguyễn Tiến Cường dép lốp là sản phẩm rất quý giá đối với Việt Nam gắn liền với chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ bộ đội qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc. Dép lốp được làm hoàn toàn thủ công từ các lốp xe cũ đã qua sử dụng, chính vì thế đôi dép cao su không chỉ đơn thuần là 1 đôi dép mà còn là di sản, kho tàng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cường lo lắng vì nếu bố vợ (nghệ nhân Phạm Quang Xuân – người phục dựng đôi dép lốp Bác Hồ) không còn nữa thì Việt Nam và Hà Nội sẽ mất đi một nghề rất quý. Đây không phải là một công việc cá nhân mà anh Cường xác định đây như là “sứ mệnh”. Bản thân đi nhiều nước nhưng chưa thấy nước nào có sản phẩm độc đáo như dép lốp ở Việt Nam, nếu mình gây dựng nó tốt thì thế giới sẽ biết đến Việt Nam.

z5166976724315_c8858dc4583e6b5806169b183e729536.jpg

Với Nguyễn Tiến Cường, khoảnh khắc khó khăn và u tối nhất trong đời làm dép lốp của bản thân không phải là những lúc thiếu tiền, nhân viên rời đi, sản phẩm lỗi, khách hàng chê trách... mà là lúc bản thân mất đi cảm giác đam mê với sản phẩm. Ngồi trước đứa con do chính mình tạo ra không còn hứng thú làm những điều mới, cải tiến tốt hơn... đó là những lúc “cô đơn khủng khiếp và khó vượt qua”.

Giá trị lịch sử của dép lốp

“Dép lốp này có nhiều giai đoạn thăng trầm, thời kì đầu dép lốp quý, hiếm có thể lên đến vài chỉ vàng, muốn mua cũng không được. Thời buổi đó, dép lốp chỉ được cấp cho lãnh đạo, dép lốp cũng không được bán rộng rãi”. Anh Cường chia sẻ câu chuyện được bố vợ của mình kể lại về khoảng thời gian đầu của đôi dép lốp.

Sau khi hòa bình lập lại, những đôi dép ngoại nhập vào Việt Nam thì dép lốp không còn được ưa chuộng. Dép lốp thì không còn được ưa chuộng trong cuộc sống hiện đại vì chỉ có 1 màu đen, nhìn rất đơn điệu và không vào được cuộc sống của giới trẻ. Lúc dép lốp “lụi tàn” thì Nguyễn Tiến Cường bén duyên với dép lốp như một định mệnh.

img_9933.jpg
Đôi dép lốp được phục dựng lại giống nguyên bản khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đi.

Ban đầu anh Cường cũng đi theo sản phẩm như bố vợ nhưng không thành công. Nhận ra muốn tồn tại, phát triển được dép lốp thì phải cải thiện mẫu mã sản phẩm và người tiêu dùng phải có nhiều sự lựa chọn. Cường đã đi khắp các bảo tàng để nhận biết rõ đâu là đôi dép Bác Hồ đi, đôi dép nào đi trong chiến thắng Điện Biên Phủ, đôi dép đi trong thời kháng chiến chống Mỹ. Bản thân anh Cường đã đặt lại tên cho các đôi dép cũ và làm, vẫn là đôi dép lịch sử nhưng làm lại dáng để sản phẩm trông hiện đại, phù hợp với thời cuộc.

Vừa làm, anh Cường vừa lắng nghe phản hồi của khách hàng về sản phẩm nhất là khách hàng trẻ, khách du lịch… Bây giờ, phải làm các đôi nhiều mẫu mã, sản phẩm đẹp hơn đề phù hợp với thị yếu khách hàng. Cường bắt đầu nghe phản hồi về sản phẩm từng ngày để làm sao sản phẩm gần nhất với “thượng đế”.

“Từ khi tôi bắt đầu sản xuất các đôi dép theo nhu cầu khách hàng thì ánh sáng ở cuối đường hầm xuất hiện, có nhiều đoàn khách họ mua rất nhiều dép. Tôi nhận ra rằng mình cần phải đổi mới, chính vì vậy, dép lốp có thể coi là 1 trong những hãng dép nhiều mẫu mã nhất Việt Nam”. Nguyễn Tiến Cường hồ hởi kể về nút thắt thay đổi quãng đường làm dép của bản thân.

Chưa một hãng dép thủ công nào mà người ta làm dép từ mẫu trẻ em có thể lên đến 15 size giành cho nhiều độ tuổi khác nhau (tương đương hàng trăm mẫu và hàng nghìn đôi dép cao su khác nhau). Cường gọi các đôi dép đó là các đôi dép thời trang đương đại.

Lúc đầu có nhiều người đưa các dép mẫu thời trang trên thế giới và bảo anh gia công nhưng Cường kiêm quyết từ chối. Từ chối vì luôn luôn tâm niệm dép lốp mang đặc trưng của thời chiến. Nhưng khi thử làm theo yêu cầu của khách hàng, sản phẩm khi lên form, dáng, nhìn sang trọng, không kém gì dép da và đi rất bền bỉ, dẻo dai. Từ đó chủ thương hiệu “Vua dép lốp” bắt đầu nghiên cứu các sản phẩm từ nước ngoài và có định hướng phát triển sản phẩm, follow theo các thương hiệu trên thế giới. Hàng năm, công ty cho ra nhiều sản phẩm, mẫu mã, giống các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới để “lôi kéo” khách hàng.

“Chúng tôi tạo ra sự khác biệt là chất liệu, bền bỉ, dẻo dai công và bắt trend tốt trên thế giới và mỗi năm có 1 màu chủ đạo xuyên suốt năm. Vì thế sản phẩm của công ty phải bám theo, phù hợp cả thế giới và Việt Nam.” Anh Nguyễn Tiến Cường tâm sự.

Thay đổi nhưng vẫn giữ “linh hồn”

Đặc trưng của dép lốp là có thể làm giống tất cả các hãng dép khác trên thế giới. Sản phẩm không những thời trang mà có đi được ở trời mưa, đi được ở nhiều địa hình khác nhau đó lợi thế dép lốp so với các sản phẩm khác trên thị trường. Đặc biệt, sản phẩm này làm ít hay nhiều cũng không bị đội giá thành vì tất cả sản phẩm đều làm thủ công.

Thay đổi để làm sao vẫn giữ được gốc, giữ được linh hồn của sản phẩm dép lốp là điều trăn trở của anh Nguyễn Tiến Cường. Chính vì thế mà Cường đã tìm hiểu đâu là sản phẩm truyền thống, đâu là sản phẩm thương mại. Sản phẩm dép lốp vẫn được làm thủ công nên vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa, ý nghĩa của sản phẩm. Vì vậy, sản phẩm cũng tạo nên sự khác biệt ở thị trường trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, thị trường Trung Quốc rất nhanh nhạy với các sản phẩm mới, độc, lạ… khi 1 sản phẩm vừa xuất hiện trên thị trường đã thấy có sản phẩm tương tự trên thị trường. Nhưng thị trường Trung Quốc lại là thị trường tiêu thụ sản phẩm chính của “Vua dép lốp”.

z5166988249263_5ba30ea920738106f4a99edfbcf68443.jpg

“Đôi dép lốp thì khâu xỏ quai là khâu quan trọng nhất làm sao để không có mối nối, hàn mà quai vẫn chặt, không lỏng lẻo. Đó là bí quyết để tạo ra sản phẩm của chúng tôi và không 1 đơn vị trên thế giới nào có thể nhái được. Công ty luôn tư vấn với khách hàng là những nhát đục trên đế dép và máy không thể làm được đã tạo cho công ty có hướng đi riêng” Nguyễn Tiến Cường thổ lộ về điểm tạo ra sự khác biệt của sản phẩm “vua dép lốp”.

Vừa nói Cường vừa cầm đôi dép cao su lên chia sẻ với chúng tôi như dốc hết tâm sự về nghề làm dép, về cái “nghiệp” mà bản than theo đuổi. Dép cao su là 1 đôi dép đặc biệt, vì đặc biệt nên Cường mới đam mê và từ bỏ tất cả để làm dép lốp. Bởi vì dép lốp ghi lại cả một quá trình lịch sử của dân tộc, đôi dép ra đời từ năm 1940 và phát triển đến tận bây giờ và tiếp nối đến các thế hệ tiếp theo. Hiếm có 1 sản phẩm nào trên thế giới có chiều dài lịch sử vẫn tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay đôi dép lốp ở Việt Nam.

Nguyễn Tiến Cường tâm sự: “Để làm được 1 đôi dép lốp thì vô cùng khó khăn, phải có sự truyền thụ từ của người trước. Từ con dao, dụng cụ quan trọng để làm đôi dép lốp thì không đặt được ở đâu, kể cả các lò rèn, dù có làm sắc nhưng không phù hợp với chất liệu cao su. Bí quyết, là người thợ phải biết rèn đồ và chọn con dao phù hợp. Như đá mài được anh Cường và các nghệ nhân lấy trên núi, người ta hay lên trên núi bên ngoài không thể mua được chứ chưa nói đến thao tác nghề”.

Không chỉ làm dép mà thông qua các đôi dép, quảng bá thương hiệu lịch sử của Việt Nam, Công ty “Vua dép lốp” của Nguyễn Tiến Cường cũng đã đề xuất với Cục di sản để đôi dép lép là di sản phi vật thể của Việt Nam. Công ty tổ chức các show diễn mang tên “huyền thoại bước chân” là những vị khách đến và xem show diễn, buổi workshop của các triển lãm dép qua các thời kì, có các điệu nhảy đương đại, các hoạt động của quân đội, trải nghiệm làm đôi dép lốp. Ngoài ra, các cửa hàng của “vua dép lốp” đều có không gian riêng để các nghệ nhân làm đôi dép lốp trực tiếp, khách mua hàng có thể chứng kiến và có cảm nhận của riêng mình về đôi dép lốp.

Nâng tầng dép lốp

Trong tương lai, thương hiệu “vua dép lốp” sẽ tiếp tục nâng cấp hoàn thiện sản phẩm để đôi dép cao su nhẹ hơn, cao hơn thời điểm hiện tại. Sản phẩm hoàn thiện, công ty tập trung vào sản xuất mẫu mã, phù hợp với thị trường. Ngoài ra, ông Cường cũng muốn thành lập “bảo tàng dép lốp” ở đó có trưng bày các đôi dép lốp qua các thời kì, đôi dép của Bác Hồ, đôi dép của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để cả du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm làm dép lốp.

Đặc biệt, kết nối với các công ty du lịch ở nhiều nước trên Thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… để mở rộng tệp khách hàng.

Thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp… là những nước có lượng khách hàng tiêu thụ sản phẩm dép lốp nhiều và có số lượng bán lớn. Tuy nhiên chiếm tỉ trọng lớn nhất vẫn là Trung Quốc và Việt Nam. Để sản phẩm không bị sao chép là rất khó và sản phẩm của “Vua dép lốp” cũng đã bị làm nhái ở thị trường nước ngoài.

“Tôi luôn suy nghĩ tích cực là sản phẩm nhái thì cũng không bao giờ có thể bằng sản phẩm chính hãng. Chính vì vậy, năng suất, kĩ thuật làm dép mà công ty áp dụng tạo ra điểm khác biệt mà có bắt chước cũng không thể tối ưu hơn. Chúng tôi luôn tối ưu sản phẩm để giá thành phù hợp và mẫu mã đa dạng, luôn luôn mở rộng thị trường” Anh Nguyễn Tiến Cường chia sẻ.

Điều mà anh Cường muốn giữ là giữ cái hồn của dép lốp, cách làm dép lốp và ý nghĩa truyền trao của sản phẩm. Chứ không phải giữ cái tên, thương hiệu là “Vua dép lốp” thì sản phẩm sẽ không phát triển, không bay xa.

00272.00_02_26_19.still004.jpg

Nếu mình sản xuất không tốt, thị trường tự khắc sẽ có nhiều thương hiệu nổi lên và lấn áp, chiếm lĩnh thị trường nên điều quan trọng nhất vẫn là “chất lượng sản phẩm”

Trong nước thì sản phẩm, thương hiệu đã nhiều người biết đến tuy nhiên ở thị trường nước ngoài vẫn bị hạn chế. Tiếp tục truyền thông mạnh trên các sàn thương mại điện tử, trên các kênh truyền thông nước ngoài khi người ta đến quay, chụp, viết bài, làm phóng sự. Đến hiện tại có nhiều đài nước ngoài đã đến quay về dép lốp và họ đề cao giá trị, vì đây là 1 đôi dép lịch sử trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Đôi dép được các chiến sĩ, bộ đội Cụ Hồ một thời “Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Hiện tại, nhiều máy móc đã hỗ trợ giúp người thợ làm dép lốp ít tốn sức lực nhất có thể nhưng sản phẩm vẫn sản xuất thủ công. Đó là, thế mạnh của “Vua dép lốp” và tạo ra sự khác biệt, nếu làm máy thì sản phẩm không thể cạnh tranh với nước ngoài. Họ có nhiều máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại nên áp dụng phụ thuộc vào công nghệ dễ bị copy.

Điểm khác biệt của sản phẩm dép lốp “made in Việt Nam” là thủ công nên công ty không bảo thủ với cách làm mới tận dụng công nghệ để giảm sức lao động. Nhưng riêng khâu đục lỗ, xỏ quai thì phải làm bằng tay vì đó là điểm khác biệt và tạo giá trị, chất lượng của sản phẩm.

Sản phẩm dép lốp được tạo ra, tận dụng từ lốp xe cũ, bảo vệ môi trường. Người nước ngoài luôn coi trọng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường nên sản phẩm cũng được sự quan tâm của khách hàng và báo chí nước ngoài. Truyền thông ra quốc tế không chỉ bằng những câu chuyện về lịch sử của Việt Nam mà còn là sản phẩm vì môi trường, chất lượng tốt.

Hành trình vươn ra biển lớn

Hiện tại, “Vua dép lốp” có nhiều chi nhánh trên thế giới, đây là các đại lý phân phối sản phẩm. Công ty, cung cấp giấy tờ chứng nhận sản phẩm chính hãng và đưa sản phẩm sang còn các đại lý tự bán sản phẩm. Chính vì thế, rất nhiều đại lý, chi nhanh đã đăng kí với “Vua dép lốp” mà sản phẩm được “bay” đi nhiều nước trên trái đất.

“Hầu hết các sản phẩm bán cho khách nước ngoài thì chúng tôi đều có quyển truyện nhỏ dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Ví dụ khách Trung Quốc thì có tiếng Trung, khách Hàn Quốc thì có tiếng Hàn, chúng tôi mốn kể câu chuyện lịch sử của Việt Nam thông qua đôi dép lốp. Cứ mỗi 1 khách mua họ cần về đọc và cứ dần dần nó sẽ lan tỏa đến nhiều người” Nguyễn Tiến Cường chia sẻ.

Nhiều người nước ngoài biến đến và bán được nhiều điều đó làm Cường tự tin hơn. Khát vọng của Cường là không chỉ bán sản phẩm mà còn bán cả câu chuyện, giá trị lịch sử của dép lốp. Bán được càng nhiều sản phẩm thì mới có tiền để Cường cùng mọi người mở các buổi chia sẻ, hội thảo, mở rộng thị trường để dép lốp được nhiều người biến đến.

2(6).jpg

Bản thân Cường tự làm coi phát triển dép lốp là sứ mệnh của mình nhưng muốn phát triển điều đó phải có nguồn thu, có lợi nhuận để “ôm mộng”. Cường thổ lộ: “Điều mà chúng tôi tự hào là từ con số không thì tôi đã gây dựng được rất nhiều những người thợ làm dép lốp để quy tụ lại và có thể sống bằng nghề làm dép lốp. Bên cạnh đó, tiếp tục trao truyền cho thế hệ sau, những bạn trẻ cũng học làm dép lốp, đam mê với nghề. Mình đã gìn giữ được nghề làm dép lốp cho Việt Nam”

Hy vọng, với sự quyết tâm, nhiệt huyết, tài năng, đam mê của người thuyền trưởng Nguyễn Tiến Cường sẽ chèo lái con thuyền “Vua dép lốp” vươn ra biển lớn và tỏa sáng trên trường Quốc tế. Đặc biệt, giá trị lịch sử truyền trao của sản phẩm “vua dép lốp” sẽ lan tỏa đến thế hệ trẻ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dép lốp - giá trị trao truyền từ lịch sử đến hiện đại
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO