ĐHĐCĐ BIDV: Đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 13.000 tỷ đồng
(CLO) Nội dung này được nêu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức vào ngày 12/3.

Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú báo cáo một số kết quả hoạt động của BIDV năm 2020
Tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của BIDV cho thấy, năm 2020, tổng tài sản của ngân hàng này đạt gần 1.517 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 1,8% so với năm 2019, tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.
Tổng nguồn vốn huy động năm 2020 của nhà băng này đạt hơn 1.402 nghìn tỷ đồng; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt gần 1.296 nghìn tỷ, tăng 9,1% so với năm 2019, chiếm 11% thị phần tiền gửi toàn ngành. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt gần 1.439 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2019; trong đó dư nợ tín dụng đạt hơn 1.230 tỷ, tăng 8,5% so với năm 2019, chiếm 13,4% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Về hiệu quả, thu dịch vụ năm 2020 của BIDV đạt khoảng 7,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2019. Chênh lệch thu chi đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 9.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch tài chính của Ngân hàng Nhà nước giao.
Với giá trị vốn hóa thị trường năm 2020 đạt 193 nghìn tỷ đồng, đưa BIDV đứng thứ 5 thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12/2020, cổ phiếu BID đóng cửa ở mức 47.900 đồng/CP, tăng 56% so với thời điểm “đáy” tháng 3/2020, tăng 4% so với đầu năm 2020.
Năm 2021, BIDV đề ra chỉ tiêu tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến tăng trưởng 12-15%. Tăng trưởng dư nợ tín dụng đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng của NHNN giao, dự kiến tăng trưởng 10-12%.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất, BIDV dự kiến đạt 13.000 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ chi trả cổ tức không thấp hơn mức thực hiện năm 2020.

Ban Lãnh đạo BIDV chúc mừng các thành viên mới của HĐQT và Ban Kiểm soát BIDV
BIDV cũng sẽ nỗ lực duy trì tăng trưởng bền vững, củng cố vị trí dẫn đầu trên các phân khúc thị trường chủ đạo, chú trọng khách hàng bán lẻ, khách hàng SME. Bên cạnh đó, nhà băng triển khai mạnh mẽ chiến lược ngân hàng số, phát triển kênh bán hàng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh mô hình kinh doanh đa dịch vụ, nâng cao năng lực quản trị theo các tiêu chuẩn quốc tế...
Để nâng cao năng lực quản trị hệ thống, Đại hội đã thống nhất bầu ông Lê Ngọc Lâm (Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành BIDV) và ông Nguyễn Quang Huy (nguyên Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) tham gia HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017-2022. Trong đó, ông Nguyễn Quang Huy là Ủy viên HĐQT độc lập. Còn bà Nguyễn Thị Thu Hà (Phó Giám đốc Ban Kế hoạch BIDV) được bầu vào Ban Kiểm soát BIDV nhiệm kỳ 2017-2022.
Với sự bổ sung này, HĐQT BIDV hiện gồm có 11 thành viên, trong đó 1 thành viên là người nước ngoài; 1 thành viên HĐQT độc lập, Ban Kiểm soát BIDV gồm có 3 thành viên.
Kỳ Hoa