Di động Trung Quốc theo chân Huawei quay lưng với Google
(CLO) Sau Huawei, nhiều nhà sản xuất di động Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Vivo và OnePlus đang tìm cách phát triển hệ điều hành ngoài Android, không kèm dịch vụ Google Mobile Services (GMS).
PhoneArena dẫn các nguồn tin cho biết hàng loạt nhà sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc gồm Xiaomi, Oppo, Vivo và OnePlus đang tìm cách phát triển các hệ điều hành riêng, không còn phụ thuộc vào Apple. Điều này có thể mở ra một kỷ nguyên mới cho các thương hiệu Trung Quốc nhưng là mối đe dọa nghiêm trọng với Google.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin Xiaomi có thể sớm giới thiệu hệ điều hành riêng mang tên HyperOS 3. Xiaomi đang thứ hai trong danh sách các nhà sản xuất smartphone Android lớn nhất thế giới, chỉ sau Samsung. Hãng đang khẳng định vị thế lớn mạnh của mình trên thị trường quốc tế bằng nhiều sản phẩm đột phá, giá cả cạnh tranh. Một trong những thành công của hãng đến từ hệ điều hành Android nhưng mọi thứ có thể thay đổi khi Xiaomi nối bước Huawei, tự phát triển phần mềm của riêng mình.
Động thái của liên minh các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đến từ những căng thẳng thương mại, địa chính trị đang diễn ra. Các doanh nghiệp lo ngại hạn chế tiềm ẩn trong tương lai như những gì Google đã làm với Huawei.

Sau thời gian dài bị cấm vận, Huawei đã tự chủ được từ phần cứng lẫn phần mềm mà không còn phụ thuộc phương Tây. Họ từng gặp nhiều khó khăn khi không hợp tác với Google nhưng lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ thị trường nội địa. Năm 2019, Huawei đã bán được 238,5 triệu smartphone, vượt Apple và chỉ đứng sau Samsung. Đến quý I/2020, Huawei đã chiếm 41% thị phần smartphone Trung Quốc mà không cần Android.
Đến nay, hệ điều hành Harmony do Huawei tự phát triển đang có hơn 20.000 ứng dụng. Hơn một tỷ thiết bị dùng HarmonyOS trên toàn cầu, từ smartphone, tablet, hệ thống giải trí trên ô tô. Đây được xem là động lực mạnh mẽ để các thương hiệu smartphone Trung Quốc dũng cảm từ bỏ Android. Xiaomi được cho là đang ấp ủ hệ điều hành HyperOS 3, đặt nền móng cho một hệ thống độc lập với Google tương tự như HarmonyOS.
Đây sẽ là một trong những cú sốc lớn với Google vì cả Xiaomi, Vivo và Oppo đều nằm trong top 5 hãng smartphone có số lượng điện thoại bán ra hàng đầu thế giới. Động thái rời xa Android trên các thiết bị được bán ra quốc tế sẽ đại diện cho một sự gián đoạn lớn đối với hệ sinh thái Google.
Trước đó, Android Authority dẫn nguồn tin độc quyền cho biết Google có thể không còn miễn phí mã nguồn mở cho Android sau 16 năm phát triển. Hệ điều hành của Google có thể chuyển sang mã nguồn đóng đồng nghĩa các lập trình viên đến từ Trung Quốc sẽ ít có khả năng tiếp cận những bản cập nhật, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng các ứng dụng. Một cuộc thảo luận sôi nổi đã diễn ra trong cộng đồng lập trình viên Trung Quốc, khi đó nhiều người đã kêu gọi từ bỏ Google, quay về phát triển các hệ sinh thái nội địa. Lập trường này càng được củng cố khi hàng loạt nhà sản xuất smartphone Trung Quốc có ý định rời bỏ Android.
Từ khi Apple ra mắt iPhone vào năm 2007 với hệ điều hành iOS, Google đã dành nhiều thời gian, công sức để phát triển mã nguồn mở. Đây là một trong những khác biệt quan trọng khiến Android trở thành hệ điều hành di động được sử dụng nhiều nhất thế giới. Android hiện hỗ trợ hơn 2,5 tỉ thiết bị đang hoạt động, từ smartphone đến tablet, smartTV. Theo công ty phân tích StatCounter, Android đang chiếm hơn 71% thị phần hệ điều hành toàn cầu.