Nhà báo Phạm Tuấn Anh – Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Dân trí:

Đi một hướng khác biệt nhưng cũng phải để công chúng tiếp cận thông tin một cách dễ chịu nhất

Thứ tư, 19/06/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) "Ai cũng thấy việc dán mắt vào màn hình đã làm cho cuộc sống trở nên áp lực và căng thẳng. Sau quá trình tham khảo, nghiên cứu, tôi nghĩ rằng, phải đi một hướng khác biệt với các báo khác nhưng cũng phải làm sao để công chúng được tiếp cận thông tin một cách dễ chịu nhất”– Phó TBT Phạm Tuấn Anh.

Vừa theo dõi bài báo, vừa thư giãn cho đôi mắt

+ Được biết, báo điện tử Dân trí vừa tiên phong tích hợp thêm phiên bản báo nói, cho phép các độc giả có thể nghe nội dung của các bài viết thay vì phải đọc chữ như trước đây. Sự tiên phong chắc hẳn có nhiều điều thú vị, thưa ông?

- Thực ra, việc sử dụng trí tuệ trong công nghệ làm báo hiện nay có nhiều cách, tích hợp công nghệ mới vào báo điện tử là trăn trở của người làm báo điện tử nhiều năm nay. Chúng tôi luôn hướng tới ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng gặp nhiều thách thức và khó khăn. Đến nay, khi  cơ hội đến mới bắt tay vào thử sức với việc tích hợp trí tuệ nhân tạo áp dụng vào báo điện tử để thêm vào tiện ích cho người dùng (báo nói). Câu chuyện tích hợp là bài toán khá phức tạp chứ không đơn giản như đã nhìn thấy. Vì thế, trong công việc này, Báo Dân trí hợp tác với Trung tâm Không gian mạng của Viettel (VTCC) cùng xây dựng và phát triển. Hai bên cùng phối hợp với nhau, hoàn thiện công nghệ để phù hợp với báo điện tử nói chung và báo Dân Trí nói riêng, thậm chí đưa ra các giọng đọc khác nhau, nam nữ, miền Bắc – miền Nam.

Nhà báo Phạm Tuấn Anh – Phó Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí.

Nhà báo Phạm Tuấn Anh – Phó Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí.

+ Điều gì ở sự “tích hợp” ấy khiến ông thấy tự tin khi báo chí thì ngày càng phải đòi hỏi sự đơn giản, tiện ích với đại đa số người dùng?

- Tiện ích mà đại đa số công chúng đều dùng được chính là mục tiêu quan trọng để tôi lựa chọn công nghệ này trong biển trí tuệ của nhân loại. Bởi sự tích hợp đơn thuần chỉ là chuyển từ văn bản sang dạng âm thanh cho người ta nghe, giải quyết thêm nhu cầu khi người ta cần. Khi truy cập vào báo điện tử Dân trí trên máy hoặc thiết bị di động, các độc giả sẽ thấy xuất hiện phía dưới tiêu đề là tùy chọn “Báo nói Dân trí”, mà người dùng có thể nhấn vào đây để nghe nội dung của bài báo, thay vì phải tự đọc. Điều này giúp người dùng có những trải nghiệm nội dung bài báo tốt hơn mà không cần phải mất thời gian tập trung vào màn hình, vừa có thể theo dõi bài báo, vừa có thể thư giãn cho đôi mắt. Để phù hợp với sở thích và vùng miền mình đang sinh sống, độc giả có thể tùy chọn giọng đọc là nam hoặc nữ, giọng nói miền Nam hoặc miền Bắc, giúp nghe rõ và chính xác hơn về nội dung của bài báo.

+ Việc phát triển công cụ báo nói giúp tăng trải nghiệm cho độc giả, để có thể vừa thư giãn vừa nghe nội dung của bài báo, thay vì phải tập trung vào màn hình như trước đây. Sau một thời gian thử nghiệm, sự phản hồi của công chúng như thế nào thưa Phó Tổng Biên tập?

- Tôi rất vui là khi đưa ra tiện ích mới này lại được công chúng ngay lập tức quan tâm và có nhiều thiện cảm đến vậy. Thậm chí, có rất nhiều người hỏi rằng, đây là người đọc à, hay ai đọc ra cái này?... Họ cứ nghĩ là người thật đọc và họ góp ý rằng từ nọ từ kia đọc chưa chuẩn. Tất nhiên từ góp ý đó, tòa soạn cũng từng bước điều chỉnh hơn nữa vì Robot vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Tôi cũng giải thích, tổng lượng tin bài xuất bản của Dân trí là hơn 3 triệu tin bài và bây giờ vẫn đang tiếp tục cộng dồn thêm, không thể có người đọc nào đọc được hết, mà tất cả đều do Robot xử lý, nếu là văn bản, tự động sẽ chuyển sang giọng nói.

+ Sự tích hợp giọng nói này là “cú hích” trong chiến lược phát triển tờ báo, thưa ông?

- Tất nhiên rồi. Công nghệ mới nhất nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng có thể còn nhiều điều... xa xôi so với số đông dân chúng là người đọc báo cơ bản và truyền thống. Nói chung báo chí dù sao cũng không phải là lĩnh vực tiên phong ứng dụng công nghệ, vì có nhiều lĩnh vực khác họ đã ứng dụng công nghệ cao rất nhiều. Việc đưa vào ứng dụng trong thời điểm này với mục đích phục vụ tốt hơn nhu cầu công chúng. Tôi muốn làm gì đơn giản nhất, gần gũi với người dùng. Sau thời gian hợp tác với các bên thì thấy đây chính là cái mình cần làm, vì nó thân thiết, dễ sử dụng, tiện ích.

Báo Dân trí tiên phong phát triển giọng nói AI thành báo nói.

Báo Dân trí tiên phong phát triển giọng nói AI thành báo nói.

+ Nhưng với việc sử dụng người máy để đọc các bài báo, ông có e ngại câu chuyện truyền cảm hứng cho người đọc không dễ, nhất là những chuyên mục kiểu như “Tấm lòng nhân ái” hay các phóng sự điều tra trên Dân trí?

- Hoàn toàn không. Chúng tôi không định hướng tiện ích báo nói này thay thế hoàn toàn văn bản và cách đọc bằng mắt, mà chỉ thay thế trong thời điểm nhất định khi người dùng không muốn đọc bằng mắt mà muốn được nghe. Hiện nay, chúng tôi tích hợp âm thanh ở tất cả chuyên mục, nhưng có thể sẽ thay đổi, làm gọn hơn sau khi lắng nghe những phản hồi, góp ý từ phía công chúng, cũng có thể chỉ làm ở một số mục mà những ưu thế vượt trội được thể hiện rõ nét nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hướng tới cả những đối tượng người dùng là những người khiếm thị nữa. Tất nhiên trí tuệ nhân tạo thì chưa có cảm xúc hay đặc trưng 100% như người thật. Tuy nhiên, công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện nay áp dụng cho báo nói của Dân trí thì mức độ tự nhiên của giọng nói, diễn đạt, ngắt nghỉ câu theo đánh giá của tôi đã ở mức độ cao nhất ở Việt Nam hiện nay và hơn hẳn so với google đọc tiếng Việt. Điều đặc biệt thú vị là, robot có khả năng phân tích ngôn ngữ, câu cú, âm tiết, ngữ pháp... để tự tạo ra giọng đọc tự nhiên, có ngữ điệu, mô phỏng gần gũi nhất với giọng nói của con người. Hơn nữa, robot còn tự học và tiếp tục học để ngày càng hoàn thiện hơn, phát âm chính xác hơn nữa với các từ, cụm từ, từ viết tắt, tiếng nước ngoài...

Tất cả đều phải hướng tới mục đích phục vụ nội dung tốt

+ Nhưng thưa ông, vì sao lại là tích hợp báo nói với báo điện tử mà không phải báo hình?

- Phát thanh truyền thống có thể có những hạn chế nhất định nhưng hiện nay, công chúng dường như đang bị quá tải khi tiếp cận thông tin bằng mắt qua điện thoại, máy tính. Ai cũng thấy việc dán mắt vào màn hình đã làm cho cuộc sống trở nên áp lực và căng thẳng. Và, sau quá trình tham khảo, nghiên cứu, tôi nghĩ rằng, phải đi một hướng khác biệt với các báo khác nhưng cũng phải làm sao để công chúng được tiếp cận thông tin một cách dễ chịu nhất. Đọc báo nhưng không cần đọc, mà họ được thư giãn, mắt được nghỉ trong một khoảng thời gian nào đó. Đi trên xe bị mỏi mắt hoặc chóng mặt, hay tranh thủ giờ nghỉ muốn đọc báo thì có thể nhắm mắt lại để nghe. Sự thuận tiện, dễ chịu này, tôi tin là sẽ khiến người dùng hài lòng.

+ Có công nghệ tiên tiến nhưng vẫn cần sự song hành với nội dung tốt. Bài toán nội dung sẽ phải thay đổi như thế nào, thưa ông?

- Điều đó là chân lý. Tất cả đều phải hướng tới mục đích phục vụ nội dung tốt, nhanh hơn và đến với bạn đọc hiệu quả hơn. Với nội dung của báo Dân trí thì từ trước tới giờ luôn lắng nghe phản hồi từ công chúng và làm thế nào mang lại thông tin hữu ích cho người dùng nhất. Nhưng áp dụng công nghệ báo nói cũng đã đặt ra cho chúng tôi bài toán thay đổi nội dung sao cho phù hợp. Tôi cũng phải trao đổi với bộ phận nội dung (PV, BTV) để ý hơn nữa tới nội dung của mình. Viết gọn gàng hơn, hạn chế câu cú lủng củng, cách diễn đạt phải rõ ràng, hết ý này sang ý khác. Hai nữa là luôn chú ý đến độ dài tin bài làm sao ngắn gọn hơn nữa, cùng nội dung đó thì viết ngắn, vì dài thì người nghe sẽ rất mệt mỏi. Đặc biệt, chúng tôi đã đưa ra vấn đề phải chuẩn hóa mô hình của tin bài. Nội dung nào quan trọng nhất để lên trên và sau đó giảm dần, giảm dần. Đoạn cuối là thông tin bổ sung và tham khảo thêm, không cho thông tin quan trọng xen kẽ. Khi mình làm dạng tháp ngược thì 2 điều xảy ra: nghe đủ thì chuyển sang bài khác, hai là yêu cầu kỹ thuật tiếp tục triển khai thêm tùy chọn mới cho người dùng, chẳng hạn như sắp tới chúng tôi sẽ có phương án mới, đó là người dùng có thể chọn 50% nội dung bài để nghe thôi, chứ không cần nghe hết cả bài, sau đó sẽ tự động chuyển sang bài sau...

+ Vâng, xin cảm ơn ông!

Minh Thắng (Thực hiện)

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo