Kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (04/04/1949 - 04/04/2019):

"Địa chỉ đỏ" nuôi dưỡng đam mê, trách nhiệm và tự hào nghề nghiệp

Thứ năm, 04/04/2019 08:16 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hôm nay 4/4/2019, những người làm báo trong cả nước hân hoan chào đón một sự kiện có ý nghĩa lớn: Kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và Công bố Quyết định xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (1949) tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, Thái Nguyên.

Đây là mốc son khắc ghi một sự kiện lịch sử gắn liền với một lớp nhà báo tiên phong trên mặt trận báo chí đã từng dành cả đời mình vì mục tiêu “Tất cả để chiến thắng” góp sức làm nên truyền thống vẻ vang và sức sống của báo chí cách mạng Việt Nam.

“Quả ngọt” cho những mùa nỗ lực

Di tích lịch sử Quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chính thức trở thành Di tích lịch sử Quốc gia thứ 49 của ATK Thái Nguyên và là di tích lịch sử thứ 5 nơi thành lập các cơ quan báo chí tại Thái Nguyên. Đó là niềm vui, niềm tự hào và cũng là động lực to lớn để các thế hệ làm báo trong cả nước viết tiếp trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam. Và chương trình kỷ niệm năm nay có ý nghĩa đặc biệt do Trung ương HNBVN và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức, được truyền hình trực tiếp trên kênh TN1 của Đài PT-TH tỉnh Thái Nguyên.

Có thể nói trước yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, nhiều năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần khảo sát, tìm hiểu, thu thập các tài liệu liên quan đến địa danh Bờ Rạ - nơi tổ chức Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Tại chương trình hôm nay cũng diễn ra Lễ khánh thành bia di tích Lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Khai trương khu trưng bày chuyên đề Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Trên cơ sở những hồ sơ, tài liệu, hiện vật do Bảo tàng Báo chí Việt Nam dày công sưu tầm, chuẩn bị, với quyết tâm rất cao của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và sự tâm huyết của ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch, sự quan tâm của cấp ủy chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, địa chỉ đỏ nơi tổ chức Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng 70 năm trước đã được khoanh vùng bảo vệ là nơi đặt Bia Di tích với diện tích 859m2 thuộc lô đất đồi rừng số 32 tờ bản đồ 47, vị trí 21 độ 35 phút 20 giây Vĩ Bắc; 105 độ 41 phút 42 giây Kinh Đông.

Bằng công nhận di tích và một số hình ảnh về bia di tích, triển lãm và công tác chuẩn bị cho Lễ Kỷ niệm đang rất tích cực (Ảnh: Kim Hoa- Quang Minh Bảo tàng báo chí Việt Nam cung cấp).

Bằng công nhận di tích và một số hình ảnh về bia di tích, triển lãm và công tác chuẩn bị cho Lễ Kỷ niệm đang rất tích cực (Ảnh: Kim Hoa- Quang Minh Bảo tàng báo chí Việt Nam cung cấp).

Được biết, để tạo mặt bằng khu di tích, Hội Nhà báo Việt Nam đã cùng với chính quyền, ngành chuyên môn khẩn trương thực hiện việc đền bù hoa màu và đổ trên 2.400m3 đất vào vùng trũng thấp. Bia di tích được các cấp có thẩm quyền phê duyệt nội dung và triển khai đầy đủ các thủ tục truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị chương trình Lễ Kỷ niệm và các hoạt động bên lề được tỉnh Thái Nguyên đặc biệt coi trọng. 70 năm đã qua, với trách nhiệm của thế hệ những người làm báo hôm nay và với vinh dự là địa phương nơi chứng kiến việc tổ chức Trường dạy làm báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh tham gia các nội dung chuẩn bị cho Lễ Kỷ niệm. Tinh thần chung trong công tác chuẩn bị phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, trang trọng, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; thật sự trở thành đợt giáo dục truyền thống, sinh hoạt chính trị sâu rộng của giới báo chí cả nước... Từ đó, giúp di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trở thành điểm đến được đông đảo công chúng báo chí cả nước đến thăm quan, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, quảng bá công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế tại vùng chiến khu xưa Thái Nguyên.

IMG_20190403_091547

Có thể nói Lễ kỷ niệm 70 năm này, vừa là sự ghi nhận những nỗ lực của Ban Giám hiệu nhà trường, toàn thể giảng viên và học viên đối với sự nghiệp báo chí cách mạng của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng 70 năm trước, đồng thời đó cũng là “quả ngọt” cho những nỗ lực, tâm huyết và trách nhiệm trong tìm kiếm và gìn giữ di tích của thế hệ hôm nay. Nỗ lực nhằm ghi nhớ một sự kiện lịch sử gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng, vị lãnh tụ xuất sắc của dân tộc ta. Đó là minh chứng cho thấy sự trân trọng, trách nhiệm gìn giữ và phát huy truyền thống của những người làm báo hôm nay.

Các diễn viên đang tập tiểu phẩm trên sân khấu tái hiện lại Trường dạy làm Báo Huỳnh Thúc Kháng (Ảnh: Quang Minh).

Các diễn viên đang tập tiểu phẩm trên sân khấu tái hiện lại Trường dạy làm Báo Huỳnh Thúc Kháng (Ảnh: Quang Minh).

Kỳ vọng của Bác với tinh thần dạy làm báo – dạy làm người

70 năm đã qua song ký ức về trường báo chí cách mạng đầu tiên được Bác Hồ đặt tên là Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng luôn nhắc nhớ chúng ta về những giá trị còn mãi với thời gian. Ngôi trường ấy đã đào tạo ra những nhà báo, chiến sỹ trên mặt trận báo chí, văn hóa văn nghệ mà bằng cây bút, họ đã dũng cảm chiến đấu và chiến thắng trên mặt trận đọ bút với quân thù. Ngôi trường được gắn với cụ Huỳnh Thúc Kháng một chí sĩ yêu nước, một nhà báo can trường. “Mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng là để nhớ ơn và noi gương cụ lão thành ái quốc và đồng thời cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả”, (trích diễn văn ngày khai giảng 4/4/1949 – Xã luận Báo Cứu Quốc số đặc biệt ra ngày 12/9/1949 tại Việt Bắc)… Như thế để hiểu, những kỳ vọng mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta dành cho ngôi trường này, dành cho nghề báo cao quý quả thực rất lớn lao. Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến gian khó trăm bề, 42 học viên đầu tiên và duy nhất trong kháng chiến được cử đi học, coi đó không chỉ vinh dự mà còn là trách nhiệm với nghề, với cuộc kháng chiến, với Tổ quốc. 

Triển lãm trưng bày 70 năm trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được bảo tàng báo chí Việt Nam - HNBVN chuẩn bị và sẵn sàng cho ngày kỷ niệm (Ảnh: Quang Minh).

Triển lãm trưng bày 70 năm trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được bảo tàng báo chí Việt Nam - HNBVN chuẩn bị và sẵn sàng cho ngày kỷ niệm (Ảnh: Quang Minh).

Trong vòng 3 tháng, tính từ ngày 4/4/1949 đến ngày 6/7/1949, trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo đặc biệt này. Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần liền gửi thư đến lớp (đề ngày 9/6 và 6/7/1949). Hai bức thư ấy sẽ được trưng bày tại buổi lễ kỷ niệm, là dấu tích, là vật báu quan trọng, đáng tự hào. Bác viết thư để động viên, dạy bảo, hướng dẫn một cách tỉ mỉ, chi tiết nghiệp vụ làm báo cách mạng cho các học viên. Trong những bức thư Bác viết đều chứa đựng những kiến thức căn bản của cơ sở lý luận gắn thực tiễn nghề báo, là sự gần gũi, chân thực và dễ hiểu, hướng đến công chúng, bạn đọc. Trong bức thư, Bác dặn: Muốn viết báo thì cần: “1- Gần gụi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2- Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người. 3- Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4- Luôn luôn cố gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ”. Không đứng trên giảng đường trực tiếp nhưng những bài giảng ấy của Bác Hồ thấm thía và hữu ích, vừa như chia sẻ, vừa như căn dặn vừa như mệnh lệnh. Có lẽ, điểm danh 29 giảng viên của lớp, vẫn thiếu một giảng viên “không thường trực” đầy trách nhiệm - đó là Bác Hồ của chúng ta. Bài giảng của Người hội tụ đầy đủ tinh thần làm báo, làm chiến sĩ, làm người. Tiếp thu lời dạy của Người, các học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sau ngày tốt nghiệp, được tung mình vào đời sống chiến đấu, lao động sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên khắp mọi miền đất nước, tạo dựng sức mạnh của đội ngũ nhà báo - chiến sĩ.

Có thể nói, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được ra đời trong bối cảnh khá đặc biệt, càng đặc biệt hơn khi 29 giảng viên tên tuổi được mời về giảng dạy và truyền lửa nghề nghiệp cho lớp học này. Đó là sự quy tụ tinh hoa của giới văn học, nghệ thuật trong cả nước lúc bây giờ. Điều đó cho thấy, các bậc tiền bối năm xưa đã coi trọng mặt trận văn hóa, báo chí như thế nào. Lớp đầu tiên và duy nhất dạy làm báo trong kháng chiến ở nước ta, dù trong một thời gian ngắn nhưng đồ sộ về nội dung, bởi thế  mà cái tên “trường dạy làm báo” cũng khá thú vị. Đó không chỉ là dạy viết một bài báo mà còn là tổng hợp gồm cả phát hành, in ấn, thậm chí có cả những buổi giảng về an toàn thực phẩm, về thơ, về họa, cả những buổi tập huấn bắn súng... Trang bị cho một người làm báo đa năng, toàn bích để có thể hiểu về mọi mặt của đời sống xã hội, để khi đặt bút viết về bất cứ lĩnh vực gì thì đều có những am hiểu căn bản, nền tảng... quả thực là sự độc đáo hiếm có trong hoàn cảnh đói khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thời ấy. Chắc hẳn, cho đến nay, chưa có một trường đào tạo nào có được một đội ngũ giảng viên tầm vóc cũng như sự đa dạng, phong phú trong nội dung chương trình học như lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm xưa.

Khi tìm hiểu để viết về ngôi trường này, chúng tôi cứ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Không phải vì bây giờ trường Huỳnh Thúc Kháng mới được nhắc đến mà bởi những tư liệu về ngôi trường ấy dường như không phải chỉ dành cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam, không chỉ là “vật báu” của Di tích lịch sử. Bởi những hình ảnh, những dòng bút tích, những lời nhận định trên giấy mà cứ có cảm giác nó sống động tựa như một lời hiệu triệu cho thế hệ hôm nay. Để nhìn thấy một nền báo chí đáng tự hào với những “bậc tiền bối” xứng tầm, bởi những nhà báo can trường “xung kích” trên mặt trận văn hóa tư tưởng đã để lại cho thế hệ hôm nay với những giá trị không gì đong đếm được. 

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên.

Bảy thập kỷ đã qua, cho dù công nghệ có nhiều thay đổi nhưng những điều căn bản, cốt lõi của nghề báo thì vẫn vậy. Chúng tôi ấn tượng với lời phát biểu bế mạc lớp học của nhà báo Đỗ Đức Dục -  Giám đốc đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng khi ông đặc biệt dặn dò học viên của mình mà như căn dặn, như lời mệnh lệnh cho mọi thế hệ làm báo xưa, nay và mai sau: Nghề viết báo đòi hỏi hơn hết sự luôn luôn tiến bộ, luôn luôn kịp thời. Muộn một ngày là đã trở nên lạc hậu, chậm một bước là dễ dàng bị đào thải. Ở nghề nào còn có thể giấu giếm được phần nào sự vụng về, dung túng được phần nào sự thấp hèn chứ ở nghề báo thì vụng về thấp hèn nó bày ngay ra trước mắt mọi người. Và người viết báo phải luôn luôn chịu đựng mọi phê bình khe khắt của dư luận, của độc giả. Nếu không có một tấm lòng tha thiết yêu nghề thì nhất định không đủ can đảm để thu nhận những lời phê bình của đủ các hạng độc giả phức tạp ở bốn phương, không đủ nhẫn nại mà luôn luôn học tập cầu tiến được”. Khó có thể cắt nghĩa hết, nhưng sợi dây xuyên suốt của quá khứ - hiện tại – tương lai, gắn kết sức mạnh nghề nghiệp là nhờ một phần lớn ở tinh thần quyết liệt của những nhà báo có tầm, có tâm như thế.

Cứ ngẫm về những điều mà Bác Hồ đã từng căn dặn, ngẫm đến tấm gương của cụ Huỳnh Thúc Kháng, nghĩ về những điều nhà báo Đỗ Đức Dục nhắn nhủ mới thấy tầm nhìn xa của thế hệ đi trước. Khi mà những điều căn dặn của 70 năm trước vẫn còn đầy tính thời sự, thời cuộc, vừa dạy làm báo – vừa dạy làm người cũng là sự hài hòa của kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức người làm báo mà thế hệ làm báo hôm nay đang tiếp thu và phát huy. Và bởi vậy, từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay chúng ta đã có hơn chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình, từ khoảng 300 người làm báo thì nay chúng ta có hơn 900 cơ quan báo chí và 50.000 người làm báo trong đó có 24.000 người là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam…Và rõ ràng là, trong một bối cảnh truyền thông báo chí với không ít thách thức, từ công nghệ, sự đổi mới  thì rõ ràng, nhắc nhớ quá khứ, gìn giữ truyền thống sẽ là “mỏ neo” giáo dục quan trọng để những người làm báo hôm nay vừa như được nuôi dưỡng đam mê, trách nhiệm vừa để tự hào với nghề nghiệp cao quý

Hà Vân

Tin khác

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

(CLO) Lớp bồi dưỡng đã trang bị cho các học viên những kỹ năng, kiến thức quan trọng về quá trình làm việc trong công tác truyền thông. Tham gia lớp bồi dưỡng, các học viên đã rất tích cực học tập, có nhiều bài thực hành đạt chất lượng cao.

Công tác hội
Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tập huấn kỹ năng khai thác thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số

Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tập huấn kỹ năng khai thác thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số

(CLO) Chiều 13/4, tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai khai mạc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí chủ đề “Kỹ năng khai thác thông tin để phát triển câu chuyện về đồng bào dân tộc thiểu số”.

Công tác hội
Đồng chí Lê Quốc Minh dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên

Đồng chí Lê Quốc Minh dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên

(CLO) Ngày 12/4, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và các nhà báo đã đến dâng hoa, thắp hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ và Nghĩa trang liệt sĩ A1.

Công tác hội
Ra mắt Câu lạc bộ phóng viên thường trú tỉnh Gia Lai

Ra mắt Câu lạc bộ phóng viên thường trú tỉnh Gia Lai

(CLO) Chiều 11/4, tại TP. Pleiku, Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tổ chức ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Phóng viên thường trú tỉnh Gia Lai.

Công tác hội
Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc tập huấn trao đổi kỹ năng, phương pháp làm báo chí hiện đại

Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc tập huấn trao đổi kỹ năng, phương pháp làm báo chí hiện đại

(CLO) Ngày 11/4, Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ báo chí cho hội viên Hội Nhà báo tỉnh.

Công tác hội