Dịch Covid-19, mặt bằng cho thuê cạnh trường Đại học còn “chảnh” hơn “đất vàng”
(CLO) Trong khi mặt bằng cho thuê tại nhiều tuyến phố lớn của Hà Nội liên tục giảm giá, để tìm khách thuê mới, thì tại khu phố nằm sát các trường Đại học, giá thuê gần như không giảm.
“Đất vàng” thất thế
Trong hơn 1 năm xuất hiện đại dịch Covid-19, thị trường nhà phố, mặt bằng cho thuê tại Hà Nội liên tục giảm giá, để kích cầu thị trường. Đặc biệt, càng vào trong khu vực trung tâm, giá thuê giảm càng mạnh.

"Đất vàng" đang khó tìm người thuê. (Ảnh: Việt Vũ)
Đơn cử, tại các khu phố cổ, nơi được mệnh danh là “đất vàng” Hà Nội, hiện giá thuê đã giảm 50% - 70% so với giai đoạn trước khi có dịch bệnh. Thậm chí, trong thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội lần thứ 2, nhiều chủ nhà tại phố cổ chấp nhận miễn tiền thuê nhà trong 2 tháng, để giữ chân khách.
Ông Đỗ Trung Chiến, chủ một mặt bằng trên phố Hàng Ngang cho biết: Trước khi có dịch, cửa hàng của ông Chiến có giá thuê 180 triệu đồng/tháng, và phải đóng theo năm.
Trong suốt năm 2020, ông Chiến đã giảm mạnh tay từ 180 triệu đồng, xuống còn 120 triệu đồng, và cuối cùng phải chịu giảm xuống 90 triệu đồng/tháng, mới có khách thuê mới.
Thế nhưng, kể từ đợt bùng phát dịch thứ 4 xảy ra vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021, vị khách thuê nhà trước đó phải “bỏ của chạy lấy người”, vì kinh doanh ế ẩm. Mặt bằng của ông Chiến tiếp tục rơi vào cảnh không có khách thuê.
“Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, tôi chấp nhận miễn giảm 3 tháng thuê nhà, sang tháng thứ tư tiếp tục giảm 50% cho khách thuê để giữ chân, đến khi nào hết dịch thì giá nhà trở về cũ. Dù có ưu đãi rẻ chưa từng có, nhưng hiện khách thuê tìm tới rất ít”, ông Chiến nói.
Trong khi đó, tại các tuyến phố lớn khác như Xã Đàn, Khâm Thiên (Đống Đa), phố Huế, Hàng Bài (Hoàn Kiếm), Cầu Giấy, Xuân Thủy (Cầu Giấy); Bạch Mai (Hai Bà Trưng);... giá thuê mặt bằng cũng giảm 30% - 70% để tìm khách thuê mới. Có rất nhiều mặt bằng, treo biển cho thuê trong hơn một năm qua, cũng không có khách “chốt” đơn.
Các tuyến phố nằm sát trường Đại học, giá thuê ít giảm
Trong khi “đất vàng”, “đất kim cương” tại Hà Nội giảm sập sàn nhưng đều chật vật tìm khách thuê mới, thì tại các khu phố nằm cạnh các trường Đại học lớn, giá thuê mặt bằng vẫn đứng giá, nếu có giảm, mức giảm không đáng kể.

Các tuyến phố nằm sát trường Đại học, giá thuê ít giảm.
Chị Nguyễn Bích Hà, cách đây 4 năm thuê một ngôi nhà 6 tầng, diện tích 65m2 trên đường Lê Văn Hiến, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội để kinh doanh nhà hàng. Mặc dù nằm ở khu vực ven đô, thế nhưng, ngôi nhà này nằm sát bên cạnh trường Đại học Tài chính. Do đó, chủ nhà “hét giá” thuê 25 triệu đồng/tháng.
Trong hơn 1 năm xuất hiện đại dịch Covid-19, tình hình kinh doanh tại cửa hàng rất ảm đạm. Thậm chí, trong 2 đợt giãn cách toàn xã hội, cửa hàng của chị Hà phải đóng cửa theo yêu cầu của UBND Hà Nội.
Mặc dù tình hình kinh doanh rất khó khăn, chị Hà đã không ít lần kêu gọi chủ nhà hỗ trợ, bằng cách giảm giá thuê nhà. Thế nhưng, chưa một lần nào chị Hà thành công.
Có lần, chị Hà còn nhận được “tối hậu thư” của chủ nhà “nếu không thuê được, thì dọn cho người khác thuê”.
Chị Hà thừa nhận: “Nếu mình dọn đi, chắc chắn chủ nhà sẽ có khách mới ngay, vì ngôi nhà này nằm ngay sát khu dân cư đông đúc, cạnh trường Đại học lớn. Trong những ngày không có dịch, cả ngày lẫn đêm đều đông vui, kinh doanh không sợ ế. Do đó, nếu mình không chiều theo ý của chủ nhà, thì việc tìm lại mặt bằng tốt như vậy rất khó”.
Tương tự như chị Hà, chị Thảo Trang, chủ một nhà hàng trên phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) cũng thừa nhận rằng: “Chủ mặt bằng tại các tuyến phố gần trường Đại học rất chảnh”.
“Cửa hàng của mình nằm gần 3 trường Đại học lớn, là Bách Khoa, Xây Dựng và Kinh tế Quốc dân, nên sinh viên rất đông. Mặt bằng được đánh giá là đẹp. Cho nên, dù dịch bệnh, các cửa hàng tại khu này ít khi trống, nên chủ nhà nhiều khi chảnh. Nếu họ thông cảm thì giảm, nếu không giảm thì mình phải chịu”, chị Thảo Trang nói.
Trao đổi với PV Báo Nhà Báo và Công luận, ông An Tiến Hưng, một chuyên viên môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết: Mặt bằng cho thuê tại các tuyến phố như Tạ Quang Bửu, Lê Văn Hiến, Lương Thế Vinh, Nguyễn Trãi;... rất “hot”, hầu như có ai trả mặt bằng, lập tức có người thay thế.
Theo ông Hưng, tại các khu “đất vàng”, “đất kim cương”, phục vụ nhóm khách du lịch là chủ yếu, nhất là khu vực phố cổ, đa phần là khách nước ngoài. Do đó, khi dịch bệnh chưa được kiểm soát trên toàn thế giới, thì khu vực này vẫn trong tình trạng “ế bền vững”.
“Ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát, vẫn có rất nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra thế chỗ, nhất là trong tầm giá thuê dưới 20 triệu đồng đổ xuống. Bởi vì, xung quanh các trường đại học có nhiều sinh viên, đông đúc cả năm, các lệnh giãn cách xã hội chỉ làm giãn đoạn 15 ngày, hoặc một tháng. Khi các lệnh được dỡ bỏ, các khu vực này lúc nào cũng đông đúc trở lại”, ông Hưng nói.