Dịch cúm tại Bình Định: Bộ Y tế chỉ đạo khẩn, người dân đổ xô đi tiêm vắc xin
(CLO) Sau khi ghi nhận 4 trường hợp tử vong do mắc cúm A (H1N1) tại Bình Ðịnh, Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ đã họp trực tuyến khẩn với ngành y tế tỉnh Bình Định. Trong khi đó, lo ngại dịch bùng phát, nhiều người dân đổ xô đi tiêm vắc xin ngừa cúm.
Ngày 4/12, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã chủ trì cuộc họp trực tuyến khẩn với ngành y tế tỉnh Bình Định và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm, hồi sức tích cực, vi sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn đến từ các viện, bệnh viện đầu ngành trong cả nước.

Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh và các chuyên gia dịch tễ họp trực tuyến với ngành y tế tỉnh Bình Định - Ảnh: Lê Hảo
Theo báo cáo tóm tắt của Sở Y tế tỉnh Bình Định, tính đến ngày 26/11, Bình Định ghi nhận 842 trường hợp mắc bệnh cúm. Giám sát 26 trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus, kết quả xét nghiệm có 10 trường hợp dương tính với cúm A(H1pdm), 1 trường hợp cúm B, 9 trường hợp âm tính, 6 trường hợp chưa có kết quả. Trong đó, ghi nhận 4 trường hợp tử vong tại huyện Phù Mỹ (3 trường hợp) và Vĩnh Thạnh (1 trường hợp).
Qua điều tra, các trường hợp bệnh cúm A(H1pdm) ghi nhận tại Bình Định là các trường hợp bệnh đơn lẻ, chưa xác định mối liên quan dịch tễ giữa các ca bệnh.
Các trường hợp tử vong dương tính với cúm A/H1N1pdm, cao tuổi, có nhiều bệnh nền, tình trạng bệnh nhân khi nhập viện đều có viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp, về cơ bản không có sự bất thường.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu ngành y tế tỉnh Bình Định cần làm thêm giải trình tự gen các ca viêm phổi virus nặng để loại trừ các chủng virus mới, các bệnh viện tuyến cuối giám sát, phát hiện sớm các ca bất thường.
Đồng thời nghiên cứu, cập nhật, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị dự phòng cúm mùa và các chủng virus cúm; tăng cường công tác tiêm phòng cúm cho các đối tượng nguy cơ cao; tiếp tục nghiên cứu tình trạng kháng thuốc Oseltamivir; tăng cường giám sát cúm tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt các ca nặng, sớm phát hiện các ca cúm chủng mới.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định – nơi tiếp nhận và điều trị các ca bệnh dương tính với cúm A (H1pdm) nặng.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đề nghị tăng cường giám sát cúm tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt các ca nặng, sớm phát hiện các ca cúm chủng mới; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện công tác phân luồng, cách ly các ca cúm nặng, phòng trường hợp phát sinh các chủng virus mới.
Trong khi đó, tại Bình Định, lo ngại dịch bùng phát, nhiều người dân đổ xô đi tiêm vắc xin ngừa cúm tại các trung tâm tiêm chủng.
Chở theo hai con đang độ tuổi tiểu học đến đăng ký tiêm vắc xin ngừa cúm tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC Quy Nhơn, chị M.T. (phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn) cho biết “mùa này các bé hay cảm, ho, sổ mũi. Trong lớp cũng có vài bạn xin nghỉ học do ốm, sốt. Nghe tin đang có dịch cúm nên tôi cho các cháu đi tiêm vắc xin ngừa cúm để đỡ lo”.
Cùng tâm trạng, chị H.P. (huyện Phù Mỹ) có con đang học mầm non chia sẻ, “Trong mấy ca tử vong do cúm ở Bình Định thì có đến 3 ca ở Phù Mỹ nên cả nhà tôi nghe lo quá. Hôm nay, tôi tranh thủ xin nghỉ phép, cả nhà thuê xe taxi vào đây tiêm vắc xin cho yên tâm. Tưởng đến buổi trưa thì ít người, ai ngờ cũng rất đông, hầu hết mọi người đi tiêm ngừa cúm”.

Những ngày qua, rất đông người dân đến đăng ký tiêm vắc xin ngừa cúm và các vắc xin phòng bệnh hô hấp tại VNVC Quy Nhơn. Ảnh: VNVC
Đại diện Trung tâm tiêm chủng VNVC tại Bình Định cho hay, Bình Định vừa ghi nhận một số ca mắc và tử vong do cúm, nên người dân lo lắng, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cũng như các biến chứng. Số lượng người dân đến đăng ký tiêm vắc xin ngừa cúm và các bệnh hô hấp tại các cơ sở tiêm chủng những ngày gần đây tăng đột biến, nhất là vào cuối tuần.
“Không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin ngừa cúm hiện được tiêm theo dịch vụ. Do nhu cầu tiêm vắc xin của người dân tăng cao nên hiện một số loại vắc xin đã bắt đầu “khan” hàng.”, đại diện một Trung tâm tiêm chủng ở TP. Quy Nhơn chia sẻ.
Về thuốc điều trị, Sở Y tế Bình Định cho biết, Sở đã có chỉ đạo khẩn các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh liên hệ với cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động lập dự trù, thực hiện việc mua sắm thuốc kháng virus Oseltamivir hoặc Zanamivir, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh cúm A/H1pdm.
Sở Y tế cũng đề nghị Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc chứa Oseltamivir hoặc Zanamivir có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam để kịp thời cung cấp cho nhu cầu điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh.
Liên quan đến chủng cúm A/H1pdm, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đây là chủng cúm mùa thông thường. Virus cúm này được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009 nên có tên là pandemic (pdm).
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh cúm mùa do chủng cúm A/H1N1 là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng. Ngoài chủng virus cúm A/H1N1, các chủng virus cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm A/H3N2, cúm B và cúm C.