(NB&CL) - 5.000 ca sởi được ghi nhận trong hơn 4 tháng qua tại 59 tỉnh, thành phố. Dịch sởi hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà đang có những diễn biến phức tạp hơn. Bệnh viện Nhi Trung ương đang “kêu trời” vì quá tải.
Quá tải vì tình trạng vượt tuyến
Bệnh sởi bùng phát, biến chứng nặng
PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho rằng, chưa năm nào thấy dịch sởi nặng nề và có những biến chứng khó lường như năm nay. Bệnh nhân biến chứng viêm phổi nặng, diễn tiến viêm phổi nhanh, thậm chí tử vong dù ngay thời điểm nhập viện đã được điều trị, tăng cường miễn dịch. Năm nay, sởi gặp nhiều ở trẻ dưới 1 tuổi và có nhiều khác biệt, đó là khi bệnh nhi vừa mới mọc ban, thậm chí chưa phân biệt được sởi hay không thì đã biến chứng viêm phổi. Chỉ đến khi xuất hiện thêm nhiều biểu hiện, xét nghiệm huyết thanh mới khẳng định được bệnh nhi mắc sởi. Như vậy, bệnh nhi bị biến chứng phổi ngay từ giai đoạn mọc ban, do vi rút sởi tấn công thẳng vào phổi trẻ.
Cũng chính vì diễn biến bất thường của sởi, nên phần lớn các ca bị viêm phổi do sởi đều phải chỉ định nhập viện điều trị, dù quá tải vẫn phải nhận vì không dám chỉ định điều trị ngoại trú. Chính vì thế, cho dù BV Nhi T.Ư đã dành riêng khoa Truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi mà số giường bệnh vẫn không xuể. Số lượng bệnh nhi nội trú của BV này tăng vọt từ 1.400-1.700 cháu, phải nằm ghép 3-4 cháu/giường và “tranh nhau” một cái máy thở ôxy. Điều đáng nói là, có quá nhiều các ca bệnh vượt tuyến lên Trung ương chứ không qua tuyến dưới vì tâm lý lo lắng về chuyên môn nghiệp vụ của các bác sỹ ở đây. Việc các phụ huynh “vượt tuyến” vô hình trung khiến cho con em mình…bệnh càng nặng. Các bác sỹ cho biết, nhiều hiện tượng trẻ được ra viện một thời gian ngắn lại phải quay lại điều trị ở một căn bệnh khác. Nguyên nhân là do dịch bệnh bùng phát, bệnh nhi chưa được điều trị dứt điểm bệnh này đã nhiễm bệnh kia. Đặc biệt, trong tình hình này, việc cho trẻ lên Bệnh viện Nhi Trung ương có thể làm tăng nguy cơ nhiễm vi rút gây bệnh sởi, khiến bệnh tình của trẻ ngày một nặng hơn.
Mất bò mới lo làm chuồng
Tới thời điểm này, bệnh sởi vẫn chưa hề có xu hướng giảm, ngược lại đang có nguy cơ lan rộng. Câu chuyện bùng phát và lây lan quá nhanh của bệnh sởi “mùa bệnh 2014” cho thấy rõ hai điều: sự bị động của ngành y và sự lơ là, chủ quan của người dân. Từ thực tiễn, một số bác sĩ cho rằng dịch sởi diễn biến rất phức tạp và ngành y tế cần tính đến việc công nhận có dịch sởi với những thông điệp mạnh mẽ hơn, để ngành y tế nhìn nhận đúng dịch bệnh và người dân nâng cao cảnh giác trước một căn bệnh dễ lây lan và nhiều biến chứng nguy hiểm. Bởi theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng thì có đến 89% số bệnh nhi nhiễm bệnh là do chưa được tiêm chủng phòng sởi. Và theo các bác sĩ, chuyên gia y tế, dịch sởi bùng phát như hiện nay là hậu quả nhãn tiền của việc không tiêm vắc xin. Nhiều phụ huynh lo ngại bởi những trường hợp tai biến sau tiêm vắc xin nên đã quyết định không cho con đi tiêm ngừa nữa. Thế nên có những trẻ lớn hơn 9 tháng vẫn chưa được tiêm ngừa vắc xin sởi hoặc tiêm không đủ liều.
Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của chương trình tiêm chủng mở rộng, đó là sẽ tổ chức chiến dịch tiêm sởi - rubella phối hợp cho trẻ 1 - 14 tuổi, dự kiến 23 triệu đối tượng được tiêm vắc xin phối hợp. Người dân nên đón nhận sự kiện này và nên nhận thức rõ ràng tai biến sau tiêm chỉ là hạn hữu và không chỉ vì vài sự biến thiểu số mà bỏ qua lợi ích lớn hơn của việc tiêm phòng, nhất là với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được đưa vào Chương trình tiêm chủng Quốc gia là ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm gan siêu vi B, sởi.
Hà Vân