Có dấu hiệu mua gom trái phép, đẩy giá đất rừng “tăng nóng” tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

'Điểm mặt' loạt dự án sinh thái, nghỉ dưỡng thực hiện không đúng tiến độ!

Thứ năm, 30/05/2024 06:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Loạt dự án sinh thái, nghỉ dưỡng được cho là tạo đột phá, sức bật trong lĩnh vực du lịch huyện Tân Lạc nói riêng, tỉnh Hoà Bình nói chung nhưng lại thực hiện không đúng tiến độ dự án đầu tư....

Có dự án chậm tiến độ đến 6 năm

Như báo Nhà báo và Công luận đã thông tin, trên địa bàn xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) có 4 dự án sinh thái, nghỉ dưỡng quy mô lớn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng, Công ty cổ phần đầu tư Năng lượng – Xây dựng – Thương mại Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn), Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm, Công ty cổ phần V’Star Hoà Bình.

Và một dự án được chấp thuận chủ trương cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện là dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp MIVI Hoà Bình.

diem mat loat du an sinh thai nghi duong thuc hien khong dung tien do hinh 1

Khu vực giáp Hồ Hòa Bình thuộc địa bàn xã Suối Hoa được nhiều nhà đầu tư chọn làm dự án sinh thái, nghỉ dưỡng nhưng đều rơi vào cảnh chậm tiến độ, thi công chậm chạp.

Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên, loạt dự án nêu trên được cấp chủ trương đầu tư từ năm 2017 đến năm 2020; tuy nhiên, việc thực hiện theo chủ trương đầu tư (đặc biệt là tiến độ thực hiện dự án đầu tư) hầu hết không đảm bảo, có dự án chậm tiến độ nhiều năm. Trong đó, dự án Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Hồ Hoà Bình (xóm Liếm - Ngòi Hoa, xã Suối Hoa) do Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng (số nhà 85 đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội do ông Lê Xuân Trường là người đại diện pháp luật) được UBND tỉnh Hoà Bình chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 27/7/2017 đã chậm tiến độ gần 6 năm.

Dự án này có tổng diện tích thực hiện khoảng 3.049.000 m2 với quy hoạch rừng phòng hộ khoảng 2.591.000m2, diện tích đất quy hoạch rừng sản xuất khoảng 458.000 m2.

Về tiến độ thực hiện dự án đầu tư: Giai đoạn 1 (30 tháng): Đến hết tháng 10/2017 thực hiện các thủ tục pháp lý, bồi thường giải phóng mặt bằng; tháng 11/2017 đến tháng 11/2019, đầu tư xây dựng các hạng mục.

Giai đoạn 2 (24 tháng): Từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2019 đầu tư xây dựng khu Resort; tháng 6/2019 hoàn thành dự án đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng cũng chỉ giải phóng mặt bằng được 67% tổng diện tích dự án.

diem mat loat du an sinh thai nghi duong thuc hien khong dung tien do hinh 2

Khu vực dự án của Công ty Hoàng Sơn mặc dù giải phóng mặt bằng được đến 93% nhưng thi công có biểu hiện chậm chạp.

Một dự án khác là dự án Khu du lịch sinh thái V’Star - Ngòi Hoa (xóm Mũ và xóm Nẻ - Ngòi Hoa, xã Suối Hoa) do Công ty Cổ phần V’Star làm chủ đầu tư (địa chỉ tại tổ 18 phường Hữu Nghị, TP Hoà Bình) do ông Phùng Mạnh Hùng làm giám đốc. Dự án được UBND tỉnh Hoà Bình chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 06/12/2018 tại Quyết định số 74/QĐ-UBND ngày 6/12/2018. Diện tích đất sử dụng là 183,55 ha, trong đó có 142,38 ha diện tích đất rừng sản xuất tạo cảnh quan và trồng cây bản địa, diện tích đầu tư hạng mục công trình là 41,17 ha.

Về tiến độ thực hiện dự án: Từ tháng 12/2018 đến tháng 12/2020 phải thực hiện các thủ tục về giải phóng mặt bằng, đất đai, quy hoạch, xây dựng của dự án. Từ tháng 1/2021 đến hết tháng 12/2023 tiến hành đầu tư xây dựng các hạng mục và lắp đặt thiết bị. Từ tháng 1/2024 hoàn thành đưa vào sử dụng.

Theo UBND xã Suối Hoa cho biết, cũng đã gần 6 năm trôi qua, Công ty cổ phần V’Star Hòa Bình cũng chỉ nhận chuyển nhượng được khoảng 68% tổng diện tích dự án.

diem mat loat du an sinh thai nghi duong thuc hien khong dung tien do hinh 3

Công ty cổ phần V’Star Hòa Bình cũng chỉ nhận chuyển nhượng được khoảng 68% tổng diện tích dự án.

Ngày 03/10/2018, UBND tỉnh Hoà Bình có quyết định số 62/QĐ-UBND chấp thuận nhà đầu tư Công ty Cổ phần đầu tư Năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn - tổ 1 phường Tân Thịnh, TP Hoà Bình do ông Nguyễn Nam Chung là người đại diện pháp luật) thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa (xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc) với diện tích đất sử dụng là 1.344.108,7 m2.

Về tiến độ thực hiện dự án đầu tư: Giai đoạn 1: Từ tháng 8/2018 đến tháng 3/2019 thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án; từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2021 đầu tư xây dựng các hạng mục và lắp đặt thiết bị của dự án; từ tháng 5/2021 hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động.

Giai đoạn 2: Từ tháng 1/2028 đến tháng 10/2029 đầu tư xây dựng các hạng mục và lắp đặt thiết bị của dự án; từ tháng 11/2029 hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động.

Hiện, Công ty Hoàng Sơn đã thỏa thuận nhận chuyển nhượng được 93% và đang triển khai dự án. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, việc triển khai dự án còn có biểu hiện chậm chạp, khu vực cổng chính vẫn chưa được hoàn thiện. Bên trong dự án, doanh nghiệp này cũng mới dựng được hơn 20 căn nhà ven hồ. 

diem mat loat du an sinh thai nghi duong thuc hien khong dung tien do hinh 4

Các dự án thực hiện không đúng theo tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm (tầng 10, HOGUOM PLAZA, 102 Trần Phú, P. Mỗ Lao, quận Hà Đông, TP Hà Nội) ngày 18/02/020 được UBND tỉnh Hoà Bình chấp thuận chủ trương đầu tư (tại quyết định 08/QĐ-UBND) dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Gươm - Sông Đà. Dự án có tổng diện tích đất sử dụng là 629.869,9 m2. Địa điểm thực hiện dự án tại xóm Liếm - Ngòi Hoa, xã Suối Hoa.

Về tiến độ thực hiện dự án: Từ Quý I/2020 đến quý IV/2020 thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án; Từ quý I/2021 đến quý III/2023 đầu tư xây dựng các hạng mục công trình, lắp đặt máy móc thiết bị; Từ quý IV/2023 hoàn thành đầu tư và đưa dự án vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm mới giải phóng được hơn 10% tổng diện tích dự án.

Còn đối với Công ty TNHH TMDV MiVi Hòa Bình, ngày 29/10/2021 được UBND tỉnh Hoà Bình đồng ý chủ trương cho phép nhận góp vốn, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng, đủ điều kiện để chuyển nhượng theo quy định thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp MIVI Hoà Bình tại xã Suối Hoa trong thời hạn 26 tháng nhưng cũng mới chỉ thỏa thuận được 9,8 ha trong tổng số 43 ha của dự án.

Có thể thấy, các dự án nêu trên đều không đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Đặc biệt, đối với một dự án đã giải phóng mặt bằng đến 93% của Công ty Hoàng Sơn nhưng việc thi công có dấu hiệu chậm chạp thì dự án có hoàn thành đúng tiến độ hay không cũng đang là một dấu hỏi. Trong khi đó, giai đoạn 1 của dự án này theo chủ trương đầu tư thì phải hoàn thành vào tháng 5/2021, cách đây 3 năm.

diem mat loat du an sinh thai nghi duong thuc hien khong dung tien do hinh 5

Lãnh đạo phòng TN&MT huyện Tân Lạc cho biết, khu vực dự án của Công ty Hoàng Sơn hiện còn vướng nhiều hộ dân chưa giải phóng được mặt bằng. Ảnh: Công trình Công ty Hoàng Sơn xây dựng được trong dự án.

Lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng những vẫn ''tắc''

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Đồng - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Tân Lạc cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của các dự án là công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, theo Điều 73 của Luật Đất đai 2013, doanh nghiệp thỏa thuận với người dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng việc này hiện không có "chế tài". “Đặc biệt là về mức giá, UBND huyện cùng các ban, ngành, đoàn thể cũng vận động bà con ủng hộ các dự án nhưng về giá tiền đền bù thế này, thế kia trong khi chưa có chế tài”, ông Đồng nói.

Ông Trần Văn Đồng cho biết thêm, trước đó, cấp huyện đã lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban, cấp xã cũng lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm trưởng ban để phối hợp với doanh nghiệp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Về phương hướng giải quyết việc “tắc” trong giải phóng mặt bằng, Phó phòng TN&MT huyện Tân Lạc cho biết, UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã giao cho Sở TN&MT, UBND các huyện, TP Hòa Bình trong đó có huyện Tân Lạc rà soát các dự án chậm tiến độ, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để báo cáo UBND tỉnh có hướng chỉ đạo.

diem mat loat du an sinh thai nghi duong thuc hien khong dung tien do hinh 6

UBND huyện Tân Lạc liệu có phải chịu trách nhiệm khi các dự án đều thực hiện không đúng tiến độ?

Đối với việc có dấu hiệu đầu cơ đất đai tại khu vực các dự án, ông Trần Văn Đồng cho biết, Công an huyện Tân Lạc được lãnh đạo huyện giao nhiệm vụ nắm bắt tình hình, có báo cáo cụ thể. “Chưa có tổ chức nào đứng ra mua gom đất mà giữa người dân với người dân. Có cá nhân mua gom đất và theo tôi nắm được việc này là người ở địa phương mua gom”, ông Đồng thông tin. 

Qua trả lời của vị Phó phòng TN&MT huyện Tân Lạc có thể thấy loạt dự án chậm tiến độ một phần nguyên nhân lớn là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Nhưng cho đến nay, để "gỡ vướng" thì dường như UBND huyện Tân Lạc lại chưa tìm ra giải pháp tối ưu. Trong khi đó, từ cấp huyện xuống cấp xã của huyện Tân Lạc đã thành lập cả Ban Chỉ đạo, Tổ công tác giải phóng mặt bằng nhưng với kết quả nêu trên đã chứng minh rõ hiệu quả dường như "chưa đạt" theo kỳ vọng.

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Hòa Bình cần sớm chỉ đạo kiểm tra, rà soát, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu khi để loạt dự án chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực đất đai, có nguy cơ kéo "thụt lùi" sự phát triển của địa phương.

Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Quốc Trần

Bình Luận

Tin khác

Hà Tĩnh: HTX Hoàng Phát có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường?

Hà Tĩnh: HTX Hoàng Phát có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường?

(NB&CL) Những ngày qua, hàng chục hộ dân thôn Đông Xuân (xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) tập trung trước cổng của HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Hoàng Phát để phản đối việc trại lợn này gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu di dời đến địa điểm khác để tránh gây ô nhiễm cho nguồn nước.

Điều tra
Doanh nghiệp bị phản ánh khai thác đá chồng lấn rừng phòng hộ tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Không bao che cho chủ đầu tư khai thác khoáng sản trái quy định pháp luật!

Doanh nghiệp bị phản ánh khai thác đá chồng lấn rừng phòng hộ tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Không bao che cho chủ đầu tư khai thác khoáng sản trái quy định pháp luật!

(NB&CL) Sau phản ánh của Báo Nhà báo & Công luận về việc người dân khiếu nại bị Công ty Cổ phần Phú Đức Chính và Công ty Thuận Lập khai thác đá chồng lấn hơn 24 ha đất rừng phòng hộ trên núi Thị Vải, tiểu khu Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, gây thiệt hại tài sản, ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ dân, mới đây, Sở NN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn trả lời về vấn đề này.

Điều tra
Dự án đường nối Đỗ Đức Dục đi Mễ Trì: Nhiều cơ quan vào cuộc, ''điểm nghẽn'' vụ việc vẫn chưa được sáng tỏ!

Dự án đường nối Đỗ Đức Dục đi Mễ Trì: Nhiều cơ quan vào cuộc, ''điểm nghẽn'' vụ việc vẫn chưa được sáng tỏ!

(CLO) Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị Thanh tra Chính phủ và UBND TP Hà Nội kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo của một số công dân liên quan đến dự án xây dựng đường nối từ Đỗ Đức Dục đi Mễ Trì. Mới đây, Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) đã chuyển nội dung tố cáo của người dân đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội... nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được làm rõ.

Điều tra
Tuyên Quang: Cần sớm đưa ra kết luận cuối cùng vụ người dân ''tố'' doanh nghiệp chiếm đường dân sinh

Tuyên Quang: Cần sớm đưa ra kết luận cuối cùng vụ người dân ''tố'' doanh nghiệp chiếm đường dân sinh

(CLO) Liên quan đến việc ông Nông Tác Thành phản ánh Công ty CP lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang lấn chiếm đường dân sinh, UBND phường Minh Xuân xác minh, trước đây có con đường, nhưng không rõ là đường dân sinh hay đường nội bộ của doanh nghiệp....

Điều tra
Công ty cổ phần xây dựng Thành Đô trúng gói thầu hơn 50 tỷ tại Ban giao thông, nông nghiệp Bắc Giang

Công ty cổ phần xây dựng Thành Đô trúng gói thầu hơn 50 tỷ tại Ban giao thông, nông nghiệp Bắc Giang

(CLO) Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang vừa lựa chọn Công ty cổ phần xây dựng Thành Đô Bắc Giang trúng gói thầu hơn 50 tỷ đồng.

Điều tra